Xích mích vì… điện thoại thông minh
Chị Đỗ Thị Nguyệt Nga (31 tuổi, làm việc cho một công ty ở Q.12, TP.HCM) cho biết chị và chồng thường xảy ra bất hòa, mà nguyên nhân vì… điện thoại thông minh. Chị kể: "Sau bữa ăn tối, chồng cứ dán mắt vào điện thoại để lướt mạng xã hội, tán gẫu với bạn bè, mà không đoái hoài việc dạy con học. Tôi góp ý, thế là cãi nhau".
Sau nhiều lần "đang yên lành bỗng dưng mâu thuẫn", chị Nga nhận định: "Tôi cho rằng thiết bị công nghệ nói chung và điện thoại thông minh nói riêng là nguyên nhân khiến tình cảm gia đình rạn nứt".
Không riêng chị Nga, nhiều người khác cũng có cùng quan điểm, sở dĩ tình cảm vợ chồng nhạt nhòa dần là vì… thiết bị công nghệ (!?).
"Ngày trước, tôi, chồng và con thường xuyên trò chuyện. Chồng cũng dành nhiều thời gian để san sẻ việc nhà như nấu ăn, giặt đồ. Nhưng mọi thứ đã thay đổi. Nhiều khi ngay trong bữa ăn, chồng cũng sử dụng điện thoại, con thì tập trung vào màn hình ti vi. Có những ngày chúng tôi chẳng nói với nhau câu nào", chị Nguyễn Đỗ Tuyết Nhi (28 tuổi, làm việc ở Khu công nghiệp Tân Bình, TP.HCM) kể.
Anh Nguyễn Hổ Khửu (33 tuổi, ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) cho biết: "Hình như lâu rồi vợ chồng tôi chẳng tâm sự về chuyện đã gặp trong ngày hay những áp lực công việc. Vì hầu như đều dành thời gian để lướt mạng xã hội, xem YouTube, nhắn tin với bạn bè trên Zalo, Messenger…".
Chị Lê Thị Mỹ Lệ (27 tuổi, làm việc tại một công ty ở Q.Gò Vấp, TP.HCM) cũng nói: "Dường như khi mạng xã hội phát triển, các thiết bị công nghệ ngày càng tân tiến đã dẫn đến tình cảm gia đình thiếu sự sẻ chia".
Biến thiết bị công nghệ thành "chất keo" kết nối gia đình
Tiến sĩ Ngô Hồ Anh Khôi, Trưởng bộ môn Khoa học máy tính ở Trường ĐH Nam Cần Thơ, cho rằng thiết bị công nghệ đã trở thành phương tiện giải trí và giao tiếp mới thời hiện đại, tác động đến nhiều khía cạnh của cuộc sống, đặc biệt là mối quan hệ gia đình.
"Tuy nhiên, thiết bị công nghệ không phải là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình cảm gia đình trở nên phai nhạt", ông Khôi nói.
Dưới lăng kính của chuyên gia về công nghệ, ông Khôi cho rằng: "Có thể thiết bị công nghệ tạo ra sự hiểu lầm khi mọi người dành quá nhiều thời gian cho việc sử dụng điện thoại di động, máy tính bảng… thay vì tương tác trực tiếp. Tuy nhiên, ở góc độ khác, thiết bị công nghệ cũng giúp kết nối gia đình".
Ông Khôi dẫn chứng việc thiết bị công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và giúp mối quan hệ gia đình trở nên mặn nồng hơn. Chẳng hạn: thiết bị công nghệ cho phép các thành viên gia đình ở xa giữ liên lạc với nhau thông qua các ứng dụng chat, hoặc lưu lại và chia sẻ những khoảnh khắc qua ảnh, video…
Nhiều trường hợp cũng cho biết nhờ thiết bị công nghệ đã giúp gắn kết tình cảm gia đình. Anh Đỗ Anh Duy (32 tuổi, ngụ Q.3, TP.HCM) kể: "Hai em tôi đang du học ở Singapore, nhưng nhờ thường xuyên trò chuyện qua mạng xã hội nên chúng tôi vẫn có cảm giác đang ở gần nhau".
Chị Nguyễn Lê Thảo Phương (33 tuổi, làm việc tại TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết hai vợ chồng ở xa nhau. Chị ở TP.HCM còn chồng đang làm việc ở Hàn Quốc. "Nhưng nhờ gặp nhau và tâm sự thường xuyên qua video call trên Messenger nên chúng tôi vẫn ngỡ là đang sống cùng nhà. Chính thiết bị công nghệ và mạng xã hội đã giúp tình cảm của vợ chồng vẫn mặn nồng, yêu thương nhau", chị Phương chia sẻ.
Chính vì vậy, ông Khôi nhận định: "Điều cốt lõi của vấn đề nằm ở cách mọi người quản lý và sử dụng thiết bị công nghệ. Nếu quá lạm dụng, không dành thời gian để tương tác với nhau, rủi ro của tình trạng gia đình trở nên nhàm chán là rất cao. Còn sử dụng có kiểm soát, hợp lý, khéo léo sẽ kích thích giao tiếp, tạo ra những trải nghiệm tích cực".
Nếu lỡ tình cảm sứt mẻ, nảy sinh cãi vã chỉ vì thiết bị công nghệ, cần làm gì để hàn gắn? Ông Khôi chia sẻ: "Cần ngồi lại với nhau để chia sẻ về những điều đã ảnh hưởng đến mối quan hệ. Chỉ khi chia sẻ cảm xúc, "tiếng lòng" của mỗi người thì mới có cơ hội thấu hiểu nhau. Cũng cần loại bỏ sự vướng bận đến điện thoại, ti vi, máy tính, và duy trì những khoảng thời gian chất lượng để tương tác trực tiếp với nhau bằng cách: ngồi nói chuyện, vui chơi, đi dã ngoại… Đặc biệt, hãy tận dụng sức mạnh của thiết bị công nghệ để giúp tình cảm gia đình thăng hoa, gắn kết hơn như tạo ra các hoạt động trực tuyến: cùng chơi game, xem phim, tham gia các khóa học trực tuyến. Quan trọng nhất, là ý thức và cam kết của mỗi thành viên trong gia đình".
Chương trình "Gia đình trẻ hạnh phúc" do T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên VN phối hợp Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) tổ chức để tăng cường việc tuyên truyền trong các cấp bộ Hội, hội viên, thanh niên về vai trò và giá trị của việc xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no, tiến bộ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; bổ sung những kiến thức, kỹ năng trước khi xây dựng gia đình; kỹ năng gìn giữ gia đình hạnh phúc, ấm no cho hội viên, thanh niên.
Không thể đổ lỗi do thiết bị công nghệ
Chuyên gia tâm lý Vương Thị Hồng Loan, Trung tâm tư vấn tâm lý An Nam, TP.HCM, cho biết: "Thiết bị công nghệ không phải là nguyên nhân dẫn đến sự lạnh nhạt trong tình cảm gia đình. Lý do chính là một bộ phận vợ, chồng, hoặc cả hai quá say mê, đắm chìm vào "thế giới ảo" được tích hợp trên thiết bị công nghệ. Việc lạm dụng ấy đã âm thầm làm rạn nứt sự bền chặt trong mối quan hệ, dẫn đến tình trạng tuy không "xa mặt" nhưng lại "cách lòng", bên nhau mà như ở xa nhau".
Cùng quan điểm, chuyên gia kỹ năng sống Trương Ngọc Hương, Trung tâm tư vấn tâm lý Việt Tâm, TP.HCM, nói: "Tình cảm gia đình gắn kết hay nhạt nhòa là do mỗi người. Không thể đổ lỗi do thiết bị công nghệ". Chị Hương cho rằng nếu cứ "vùi mình" vào các thiết bị công nghệ, mạng xã hội, mải mê tập trung giải trí, chơi game… thì chắc chắn sẽ xao nhãng việc dành tình cảm cho người thân, bỏ bê và quên đi những giá trị gia đình.
Theo TNO