Gia đình trẻ - Thách thức với cuộc sống bình thường mới

(CTG) Ngày 07/11/2021, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) tổ chức Diễn đàn “Gia đình trẻ - Thách thức với cuộc sống bình thường mới” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

 

Tham dự Diễn đàn có anh Nguyễn Hải Minh, Ủy viên BTV Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội LHTN Việt Nam; anh Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận; cùng đại diện một số bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các Ban, đơn vị của Trung ương Đoàn, Trung ương Hội LHTN Việt Nam, các chuyên gia xã hội học, tâm lý học, đại diện các gia đình trẻ và phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương…

Quang cảnh Diễn đàn.

Diễn đàn được livetream trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội, cụ thể: Fanpage Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam; Báo Thanh niên; Báo Tiền Phong, PNJ Communication, Cổng tri thức Thánh Gióng, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia và các Kênh thông tin của các tổ chức Đoàn, Hội trên các nền tảng mạng xã hội…

Phát biểu tại diễn đàn, anh Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội LHTN Việt Nam cho biết: Chương trình “Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc” được triển khai trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống vật chất và tinh thần của các gia đình trẻ, thử thách sự kiên trì, tinh thần vượt khó vươn lên của các bạn trẻ; vừa phải đi làm để đảm bảo cuộc sống, vừa phải phòng chống dịch bệnh Covid -19, vừa phải chăm sóc con cái…

Anh Nguyễn Hải Minh, Ủy viên BTV Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội LHTN Việt Nam phát biểu tại diễn đàn.

Diễn đàn “Gia đình trẻ - Thách thức với cuộc sống bình thường mới” để chia sẻ những vấn đề mà các gia đình trẻ gặp phải trong thời gian giãn cách xã hội; cung cấp cho các gia đình trẻ thêm những thông tin về tình hình liên quan đến gia đình, việc làm; cung cấp thêm những kiến thức, kỹ năng xử lý các vấn đề trong gia đình trong trạng thái bình thường mới.

Thông qua Diễn đàn, anh Nguyễn Hải Minh mong các cán bộ, hội viên, thanh niên, các gia đình trẻ hãy lắng nghe những ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nhân, gia đình trẻ; đặt câu hỏi với vị khách mời để được giải đáp phần nào những thắc mắc, băn khoăn, để có thêm kinh nghiệm vững bước trong thời gian tới, vì bản thân và vì gia đình thân yêu của mình.
Khó khăn bủa vây gia đình trẻ

Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu đã chia sẻ nhiều vấn đề liên quan đến giá trị đời sống, văn hóa ở mỗi gia đình dưới tác động của dịch bệnh. Nhiều chuyên gia đã đề cập hàng loạt thông tin thực tế đáng lo ngại mà các gia đình gặp phải trong thời gian giãn cách xã hội. Qua đây, cung cấp những kiến thức, kỹ năng xử lý các vấn đề trong gia đình, đề xuất nhiều giải pháp thiết thực để các cơ quan chức năng xem xét nghiên cứu, triển khai thành chính sách cụ thể trong trạng thái bình thường mới.

Ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chia sẻ tại Diễn đàn.

Theo ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), việc giãn cách xã hội đã khởi dậy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong các gia đình: thành viên trong nhà được bên nhau nhiều hơn trong vui chơi, học tập, giải trí… Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian phát sinh không ít khó khăn xuất phát từ ảnh hưởng dịch bệnh như việc làm, thu nhập. “Điều tra trên 500 hộ gia đình triển khai trong tháng 7 vừa qua cho thấy: 88% trường hợp khảo sát khẳng định đã mất việc hoặc bị tạm thời cho nghỉ việc, giảm thu nhập trong đại dịch. Trong đó, có tới hơn 40% bị mất việc; lượng giảm thu nhập hộ gia đình cũng đều không dưới 30%. Như 1 hệ quả tất yếu, chất lượng cuộc sống của các gia đình đã giảm đáng kể. Hơn 52% trường hợp khảo sát đã phải giảm số bữa ăn hoặc khẩu phần ăn trong ngày”, ông Quý cho biết.

Báo cáo khác của Liên hợp quốc khẳng định: tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 đã khiến tỷ lệ trẻ em, trẻ vị thành niên và phụ nữ có nguy cơ bị bóc lột, bạo hành, xâm hại trong gia đình cao hơn. Tương tự, trong thời gian giãn cách xã hội, số lượng cuộc gọi đến đường dây nóng của “Ngôi nhà Bình yên” (Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) để “kêu cứu” vì bạo lực gia đình đã tăng gấp đôi.

“Đáng ngại hơn, chúng ta không loại trừ khả năng còn nhiều trường hợp không có cơ hội tiếp cận hỗ trợ do đang sống cùng người gây bạo hành nên không thể gọi điện”, ông Quý nhấn mạnh.

Cũng theo các thống kê của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, số nạn nhân của bạo lực gia đình được hỗ trợ giải cứu và tiếp nhận vào Ngôi nhà Bình yên đã tăng tới 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 cũng đã ghi nhận 1 số lượng tăng đột biến về trẻ em gặp khó khăn, áp lực, bị mắng, bị đánh trong khi học trực tuyến.

TS. Trịnh Thu Nga, Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) chia sẻ.

Từ thực tế, những hệ quả tiêu cực từ bạo lực, bạo hành đã vượt ra khỏi khuôn khổ các mái ấm gia đình. Kết quả Điều tra quốc gia lần thứ 2 về bạo lực đối với phụ nữ ở nước ta cho biết: bạo lực gia đình đối với phụ nữ gây thiệt hại tới 1,8% GDP của Việt Nam. Trong đó, trung bình mỗi người phụ nữ bị chồng bạo lực về thể xác hoặc tình dục mất khoảng 26% thu nhập hằng năm để khắc phục hậu quả. TS. Trịnh Thu Nga, Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), cho rằng, để từng bước giải quyết những vấn đề mà các gia đình phải đối mặt trong đại dịch, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ người lao động, nhất là đối với lao động trẻ chưa được hưởng các chính sách ngắn hạn của Chính phủ.

Song song với đó, cần khuyến khích người lao động trở lại các khu đô thị, khu công nghiệp, chế xuất để làm việc, gắn với sự hỗ trợ, động viên cụ thể từ chính quyền các địa phương, doanh nghiệp; tăng cường vai trò của hệ thống dịch vụ việc làm ở mỗi địa phương cũng như tổ chức Đoàn, Hội nhằm giải quyết việc làm cho thanh niên.

“Vai trò của các trung tâm dạy nghề, giới thiệu việc làm của Đoàn thanh niên cần được phát huy mạnh mẽ trong thời gian tới trong phối hợp các đơn vị liên quan triển khai các kênh mới như hội chợ, ngày hội, sàn giao dịch việc làm trực tuyến, rút ngắn thời gian tìm việc của các bạn trẻ”, TS. Trịnh Thu Nga chia sẻ.

“Bản thân thanh niên cũng cần tự tin hơn trong làm chủ, tự tạo việc làm. Muốn khuyến khích điều này, cần gỡ bỏ bớt những rào cản trong thủ tục đăng ký kinh doanh, vay vốn, lãi suất, nguồn lực hỗ trợ lập nghiệp, khởi nghiệp, đồng thời đẩy mạnh đào tạo, nâng cao các kỹ năng liên quan gắn với bối cảnh bình thường mới”, TS. Thu Nga nói.

Các vị khách mời, chuyên gia chia sẻ tại diễn đàn.

Giá trị của sự sẻ chia

Đại dịch Covid- là thảm họa trong thập kỷ nhưng chúng ta kiên cường ứng phó, những con số thực sự lo lắng, hằng triệu người bị mất việc, thu nhập, trong đó phần lớn là thanh niên, gia đình trẻ. Theo Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng: Lực lượng thanh niên, gia đình trẻ chính là tương lai của đất nước nên cần phải quan tâm nhất... Trong thời điểm dịch bệnh, các gia đình trẻ đối mặt với nhiều vấn đề. Trong đó, đầu tiên là thu nhập, gia đình trẻ làm sao duy trì cuộc sống khi mà thu nhập giảm vì chưa có tích lũy để vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, tâm lý tình cảm tinh thần cực kỳ quan trọng với nhừng người trẻ, gia đình trẻ chưa trải qua nhiều khó khăn trong cuộc sống. “Chính vì vậy, vấn đề đặt ra đối với các gia đình, nhất là gia đình trẻ đó là dành thời gian giao tiếp với hau nhiều hơn, có thời gian nói trực tiếp, bày trò chơi cùng sinh hoạt, đặt câu hỏi, câu đố xung quanh mình; cùng con học hành, vui chơi…”, TS. Hồng chia sẻ.

Còn với chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn tâm lý đào tạo phát triển cá nhân và cộng đồng cho rằng: Chúng ta làm thế nào để cân bằng tâm lý trong gia đình khi bị cách ly và trong trạng thái bình thường mới. Một gia đình trẻ có con nhỏ, sống xa cách, mất việc, ít tiền… làm sao giữ lửa? “Dịch bệnh COVID-19 đến mang đi nhiều thứ của chúng ta, mất mát, tổn thất. “Một trong những điều cần thay đổi đầu tiên là là thay đổi nhận thức, tư duy”, Chuyên gia tâm lý nói.

Chuyên gia tâm lý đưa ra lời khuyên đó là: “Mỗi người, mỗi gia đình phải “tự cứu mình” trước khi chờ đợi chính sách vĩ mô, phải thay đổi nhận thức, tư duy, thay đổi nếp sống, phải điều chỉnh thói quen sinh hoạt, hãy nhìn nhận nó ở góc nhẹ nhàng, tích cực hơn.

Anh Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận chia sẻ.

Chia sẻ về câu chuyện hỗ trợ người lao động trẻ và gia đình trong thời điểm dịch Covid – 19, anh Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận cho biết, câu chuyện phòng chống covid diễn ra với nhiều giai đoạn nhằm bảo vệ sự an toàn của các nhân viên và cả gia đình của họ. PNJ đã đẩy nhanh việc tiêm vaccine và chuẩn bị cho kịch bản căng thẳng và quá tải về y tế khi số ca nhiễm bệnh tăng cao…Các phương án chuẩn bị thuốc men, vitamin và phương tiện y tế, liên kết với các bác sỹ để tư vấn từ xa dành riêng cho nhân viên PNJ đã được triển khai… Công ty hiện đang huy động thêm các nguồn lực để trợ giúp cho các nhân viên và gia đình không may nhiễm bệnh về thuốc men, thiết bị y tế, các tư vấn chuyên môn của bác sỹ để chữa bệnh, liên lạc với các cơ sở y tế để tìm kiếm các cơ hội chuyển viện điều trị. “Đối với 1 số gia đình nhân viên PNJ có hoàn cảnh khó khăn, có những thành viên PNJ không chỉ là lao động chính cho gia đình nhỏ của mình mà còn phải hỗ trợ cho cả ba mẹ và anh chị em thì chúng tôi có thêm những khoản hỗ trợ từ nguồn Quỹ công đoàn, nguồn trích từ những người có thu nhập cao để giúp đỡ nhau trong công ty, đồng thời triển khai những chương trình Siêu thị “Mini 0 đồng” để hỗ trợ cho các lao động khó khăn trong cộng đồng xã hội, trong đó có nhiều gia đình trẻ phải đối mặt trước thách thức của đại dịch.

Hải Đăng