Tháng 11/2009, Học viện Ngoại giao tổ chức hội thảo quốc tế lần thứ nhất về Biển Đông với chủ đề “Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” và năm nay tiếp tục tổ chức hội thảo này lần thứ hai. Tại đây, nhiều nhà nghiên cứu về biển Đông đã tham gia và trao đổi một cách thẳng thắn những kết quả nghiên cứu sâu sắc mang tính chất khoa học.
.jpg)
Ảnh: Vnexpress
|
Trong suốt một năm qua, tình hình ở Biển Đông có nhiều chuyển biến quan trọng, thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận Việt Nam và quốc tế. Về cơ bản, tình thế hòa bình và ổn định vẫn được duy trì ở Biển Đông, nhưng không ít va chạm ở quy mô nhỏ đã xảy ra, phần nào làm cho tình hình thêm căng thẳng và các bất đồng hiện có thêm phức tạp.
Một nét đáng chú ý là trong năm 2010, nhiều vấn đề an ninh quan trọng của khu vực, trong đó có tình hình ở Biển Đông, đã được đưa ra thảo luận công khai và thẳng thắn trong khuôn khổ các cuộc họp của ASEAN, giữa ASEAN và các nước đối tác. Quan chức của các nước liên quan cũng đang tích cực kiểm điểm việc thực hiện Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002 và xem xét khả năng xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử ở trên vùng biển này. Vấn đề Biển Đông cũng được đề cập trong các hội nghị của các quan chức an ninh quốc phòng của khu vực, đặc biệt là Đối thoại Shangri-La, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) tại Việt Nam.
Khi xem xét và đánh giá tình hình Biển Đông, cần hiểu rằng ở Biển Đông có 3 loại vấn đề cùng tồn tại.
Thứ nhất: Thực tế ở Biển Đông có tranh chấp về chủ quyền, lãnh thổ, trong đó có nơi tranh chấp giữa hai bên và có nơi tranh chấp giữa nhiều bên. Các tranh chấp này chỉ có thể được giải quyết thông qua đối thoại, đàm phán trực tiếp giữa các bên liên quan. Một trong những cơ sở quan trọng nhất để giải quyết các tranh chấp này là Công ước về Luật Biển của Liên Hợp quốc năm 1982.
Thứ hai: Biển Đông là biển nửa kín kết nối giữa hai đại dương, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, có hoạt động hàng hải nhộn nhịp đứng thứ hai trên thế giới, án ngữ nhiều tuyến hàng hải của thế giới qua khu vực này. Vì vậy, cần phải đảm bảo an ninh, an toàn cho tàu bè đi qua đây cũng như đảm bảo sự tự do đi lại trên vùng biển.
Thứ ba, Biển Đông cung cấp sinh kế cho các cộng đồng dân cư ven bờ và đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế của các nước ASEAN và Trung Quốc. Do vậy, hòa bình, ổn định, phát triển và an ninh con người là vô cùng quan trọng trong khu vực này và đã trở thành một trọng tâm trong chương trình nghị sự của các cuộc gặp chính thức giữa ASEAN và Trung Quốc
Vì lẽ đó, ASEAN và Trung Quốc đã ký kết Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002. Đương nhiên, đây là một văn bản pháp lý rất quan trọng, nhưng muốn đi xa hơn nữa thì phải có Bộ Quy tắc ứng xử (COC) thì mới ràng buộc các bên tuân thủ cách giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ vấn đề đảm bảo an ninh và tự do đi lại trên biển, tuân thủ những hoạt động mang tính chất sinh kế của người dân của những nước xung quanh.
- Mục đích của cuộc hội thảo lần này là gì thưa ông, đặc biệt khi nó diễn ra ngay sau các cuộc gặp giữa ASEAN với Trung Quốc nhân Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Hà Nội vừa qua?
- Hội thảo này mang tính chất khoa học, đã được Học viện Ngoại giao trù định trước, do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia Việt Nam phối hợp tổ chức và không phụ thuộc vào các hoạt động khác. Cũng như lần trước, hội thảo mời các nhà khoa học nghiên cứu về Biển Đông tham gia với tư cách cá nhân.
Vì vậy, tại đây, các nhà khoa học sẽ đưa ra những nhận xét, đánh giá xuất phát từ nghiên cứu của họ và những quan điểm riêng của họ về Biển Đông, đương nhiên là xoay quanh 3 vấn đề tôi đã nói ở trên.
Từ ý kiến của các nhà khoa học, chúng tôi sẽ báo cáo với các nhà lãnh đạo Việt Nam về kết quả của hội thảo cũng như suy nghĩ của các nhà nghiên cứu về Biển Đông, về vấn đề tồn tại của Biển Đông và cách thức tiếp cận để giải quyết những vấn đề đang tồn tại.
- Vậy có thể kỳ vọng gì ở cuộc hội thảo này, thưa ông?
Giữa Trung Quốc và ASEAN đã ký được DOC năm 2002, nhưng ngay cả khi chưa có được Bộ Quy tắc ứng xử mà vẫn thực hiện nghiêm túc và đầy đủ DOC thì chắc chắn giữ được an ninh, ổn định và hòa bình ở Biển Đông cũng như xây dựng được lòng tin về Biển Đông. PGS.TS Dương Văn Quảng - Giám đốc Học viện Ngoại giao
|
- Cuộc hội thảo lần trước là sự làm quen, trao đổi thông tin và kết quả đã nghiên cứu trước đây về Biển Đông giữa các nhà nghiên cứu khoa học. Lần này, hội thảo khác ở chỗ, các nhà khoa học sẽ phát biểu những ý kiến thực chất hơn, cách thức tiếp cận hay cơ sở pháp lý để giải quyết những vấn đề tồn tại ở Biển Đông hoặc kiến nghị những biện pháp để đảm bảo an ninh và tự do đi lại trên Biển Đông.
Vì vậy, tôi nghĩ hội thảo lần thứ hai này sẽ có tác động lớn hơn. Kết quả sẽ còn phải chờ khi hội thảo kết thúc, song chúng tôi kỳ vọng rằng, sau những kết quả thu được từ cuộc hội thảo lần thứ nhất, hội thảo này sẽ có bước tiến xa hơn nữa.
Các nhà khoa học đến từ nhiều nước khác nhau, nên chắc chắn sẽ có những suy nghĩ mới và có góc độ nhìn nhận khác nhau, từ đó chúng ta có thể suy nghĩ và lựa chọn những điểm phù hợp với chúng ta. Khi Biển Đông liên quan đến nhiều nước thì sẽ có nhiều ý kiến khác nhau nên các nhà nghiên cứu có thể phản ánh phần nào quan điểm của nước họ, từ đây Việt Nam có thể có thêm thông tin.
Ngoài ra, chúng tôi cũng hy vọng hội thảo sẽ có những ý kiến đóng góp mang tính gợi mở cho tiến trình việc xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử làm khuôn khổ pháp lý cho việc tìm kiếm phương thức xử lý công bằng và lâu dài các vấn đề tồn tại trên Biển Đông.
- Ông có thể dự báo triển vọng giải quyết tranh chấp trong thời gian tới?
- Những vấn đề ở Biển Đông, để có giải pháp lâu dài và công bằng cho tất cả các bên, đòi hỏi phải có thời gian khá dài, sự kiên trì, nhẫn nại của các bên. Các bên phải có thiện chí giải quyết tranh chấp bằng con đường đối thoại hòa bình mới có thể từng bước đạt được kết quả. Nếu có một bên nào không nhận thức được điều đó thì không thể giải quyết được vấn đề. Đặc biệt, tất cả các bên cần nhìn nhận Biển Đông với cả loại 3 vấn đề nói trên.
Khi chưa giải quyết được vấn đề thì các bên phải hết sức kiềm chế. Mọi hành vi tạo ra sự mất ổn định, mất an toàn đều ảnh hưởng rất lớn và làm mất ổn định tình hình kinh tế, chính trị không chỉ ở các nước xung quanh Biển Đông, mà còn của các bên liên quan. Do vậy, việc đảm bảo an ninh và tự do đi lại trên Biển Đông đều là trách nhiệm của tất cả các nước sử dụng Biển Đông, ở trong và ngoài khu vực.
Theo chúng tôi - các nhà nghiên cứu - trong bối cảnh quan hệ quốc tế hiện đại, phương thức giải quyết mọi tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ dù ở đâu đều cũng phải được thông qua đối thoại hòa bình, đàm phán trực tiếp giữa các bên liên quan, không dùng vũ lực trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Và tôi xin nhắc lại, một trong những cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng để giải quyết các vấn đề tranh chấp trên biển là Công ước về Luật Biển của LHQ năm 1982. Nhìn lại quan hệ quốc tế trong những thập kỷ qua, tôi thấy mọi vấn đề gai góc nhất cuối cùng cũng đều được giải quyết khi các bên liên quan đều có thiện chí.