Nếu hỏi một người trẻ xung quanh chúng ta về mức độ lo lắng của họ trước dịch Covid-19, hẳn câu trả lời chung sẽ là: "Sợ lắm!".
Ngoài nỗi lo trực tiếp liên quan đến vấn đề sức khỏe, thì không thể phủ nhận dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến bộ ba quan trọng của giới trẻ học tập - tình cảm - vui chơi. Chất lượng học giảm sút khi phải chuyển qua hình thức online và kiểm tra trên máy tính. Bạn bè hay người yêu cũng gặp ít đi, nếu nhớ nhung lắm thì cũng phải cách 2 mét hay nhìn nhau qua chiếc khẩu trang.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với nhóm tác giả Hello GenZ về "nỗi lo lớn nhất của giới trẻ khi nhắc đến Covid-19", và đây là những chia sẻ thật lòng của các bạn ấy:
"Sợ thất nghiệp. Sợ bị... kỳ thị" - Thúy Quỳnh (19 tuổi, Đại học Thương mại)
Khi nhắc tới Covid-19, mình có 2 nỗi sợ. Thứ nhất, sợ bản thân thất nghiệp và sợ những người lao động (một lần nữa) mất việc làm. Mình vẫn còn khá may mắn khi đi làm mà không cần lo bữa cơm ngày mai thế nào. Nhưng với các cô chú ở tầng lớp lao động thì đứng ở tâm thế còn làm được hôm nào là may hôm đó. Nếu cách ly một lần nữa thì mình không tưởng tượng được, các cô chú sẽ phải xoay sở thế nào để sống?
Thứ hai, là sợ bị "kỳ thị". Nhiễm Covid-19 và phải cách ly là điều hoàn toàn bình thường. Nhưng mình nghĩ điều mọi người sợ hơn cả là cảm giác bị kỳ thị và xa lánh sau khi đã được chữa khỏi. Cảm giác này sẽ khiến họ cảm thấy khó tái hòa nhập vì tâm lý số đông "thôi cứ đề phòng biết đâu...".
Mình nghĩ ngoài sức khỏe, kinh tế cơ bản thì chắc là vấn đề tâm lý. Có một khoảng thời gian Covid-19 bùng phát ở Mỹ, khi đó mình phải ở trong trường thực hiện việc tự cách ly, quanh quẩn học online. Việc không được đi đâu nên nhiều lúc bản thân cảm thấy ngột ngạt, thiếu tiếp xúc với con người lại sinh ra suy nghĩ lung tung nhiều, lo sợ về cuộc sống…
"Mấy tháng không việc làm nên không có thu nhập, mình phải quay lại xin tiền trợ cấp của bố mẹ" - Quỳnh Hương (21 tuổi, Học viện Báo chí và Tuyên truyền)
Đối với mình, việc sợ nhất có lẽ là thất nghiệp bởi đang đi làm thêm. Đợt dịch vừa rồi khiến nền kinh tế suy giảm, chỗ làm có chính sách cắt giảm nhân sự và mình là một trong số đó. Thất nghiệp mùa Covid-19 làm cuộc sống của mình khó khăn hơn. Khoảng 3-4 tháng không có việc làm khiến bản thân không có nguồn thu nhập nào, phải quay lại xin tiền trợ cấp từ bố mẹ và cân đối chi tiêu nhất có thể.
"Sợ... cách ly, vì học online không đảm bảo hiệu quả" - Vân Trang (20 tuổi, Học viện Báo chí và Tuyên truyền)
Đối với mình thì việc sợ nhất là phải cách ly, suốt ngày ru rú ở nhà làm việc và học bài khiến tâm trạng bức bối kinh khủng, thiếu năng lượng. Học online cũng không hiệu quả, học được một chút lại buồn ngủ. Bên cạnh đó, sắp tới chúng mình còn 1 kỳ thực tập trước mắt. Nếu dịch Covid-19 quay lại thì không biết bao giờ mới hoàn thành chuyện học.
Mình sợ nhất ảnh hưởng sức khỏe và tâm lý, sợ thất nghiệp. Mình là học sinh nên việc bị cách ly ở nhà thực sự bức bối, tiếp thu kiến thức cũng không hiệu quả. Với những người đi làm hay gia đình tự kinh doanh buôn bán thì luôn phải đóng cửa, khó khăn tài chính. Rồi không có tiền trang trải lại tác động đến nhiều thứ khác như cảm xúc, tinh thần trong gia đình…
Khi phụ huynh mắc bệnh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, người lớn tuổi và sức yếu lại khó điều trị. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến gia đình, con cái nhỏ không biết xoay sở thế nào, không có biện pháp phòng ngừa thì lại lây lan hơn. Bố mẹ mà bị bệnh thì thu nhập gia đình không biết trông chờ vào đâu nữa.
"Dịch bệnh mình vẫn phải đi làm, sợ bản thân tiếp xúc với nhiều người, về nhà lại ảnh hưởng đến người thân" - Châu Phong (21 tuổi, Đại học Kinh tế - Luật)
Tình hình hiện tại, mình vẫn phải tiếp tục đi làm, phải đi nhiều nơi nên không biết bản thân có tiếp xúc với ai, rồi lây cho gia đình hay không. Hơn nữa, dịch bệnh này khiến mình ngại ra đường, muốn tạo bầu không khí sôi động một chút nhưng sợ đến nơi đông người, nghĩ lại thôi.
"Lo cho anh trai vì dịch mà cách ly thêm lần nữa, thu nhập lại giảm" - Minh Hằng (21 tuổi, Đại học Ngoại thương)
Nếu dịch Covid-19 quay lại, gia đình thì cũng lo nhưng kinh tế lại không phải vấn đề lớn. Vì ba mẹ mình không ở thành phố, nguồn thu ổn định, và cũng đã chuẩn bị chút ít từ đợt dịch trước. Mình lo cho anh trai hơn vì lỡ thành phố có dịch hay cách ly lần nữa thì thu nhập giảm, bao nhiêu chi phí đè nặng.