Giúp người dân nhận diện “tín dụng đen”

(CTG) Bằng kiến thức đã học và mời thêm các chuyên gia, nhóm sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tham gia chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh giúp thanh niên và người dân ngoại thành nhận diện các loại hình “tín dụng đen”.

 

Bằng kiến thức đã học và mời thêm các chuyên gia, nhóm sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tham gia chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh giúp thanh niên và người dân ngoại thành nhận diện các loại hình “tín dụng đen”.

Thay vì xây cầu, dọn rác hay sửa đường… các nội dung tham gia chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh của sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM rất khác, đó là tổ chức nhiều buổi cung cấp những kiến thức bổ ích về tài chính tại các huyện Bình Chánh, Nhà Bè để thanh niên và người dân nâng cao nhận thức tránh “tín dụng đen” hoành hành.

Giúp người dân nhận diện “tín dụng đen” - ảnh 1

Đội hình tư vấn tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tham gia Mùa hè xanh. PHẠM HỮU

Lấy chuyên môn làm tình nguyện

Nguyễn Đình Hoàng Uyên, Bí thư Đoàn Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết đó là nét mới trong hoạt động tình nguyện năm nay. Từ ngày đầu ra quân, đội nhóm đã định hình theo tiêu chí “lấy chuyên môn làm tình nguyện”, sử dụng kiến thức đáp ứng nhu cầu cấp thiết của địa phương. Từ đó, xây dựng nhiều cách thức truyền tải nội dung đến với thanh thiếu niên nơi nhóm đến.

“Chúng tôi có đội hình chuyên về tài chính, tuyên truyền pháp luật, tư vấn tâm lý hậu Covid-19 dành cho người dân. Đối với những vùng sâu, vùng xa sẽ là những câu chuyện về chuyển đổi số. Mỗi đội hình sẽ là những câu lạc bộ chuyên môn ở trường và cũng được đào tạo từ trường học”, Hoàng Uyên chia sẻ.

Uyên cũng cho hay nổi cộm nhất hiện nay là các vấn đề tài chính, về chuyển đổi số… Thanh niên địa phương đang thiếu kỹ năng về hoạch định tài chính cá nhân, mù mờ trong tiếp cận thông tin về thị trường chứng khoán, thiếu định hướng nghề nghiệp tương lai. Ngoài ra, còn chia sẻ về các vấn đề thời sự như: sốt đất, sốt vàng để các thanh niên nhận biết.

Võ Đào Xuân Hương, Đội trưởng nhóm chia sẻ kiến thức tài chính, cho rằng các hoạt động này cũng giúp học sinh THPT có cái nhìn “sáng” hơn về ngành tài chính. Từ đó, giúp các bạn định hướng được khả năng, sở thích để chọn ngành, nghề cho tương lai.

Nhận diện thiếu sót đó, trong thời gian ngắn, các đội nhóm Trường ĐH Kinh tế đã lên ý tưởng, chuẩn bị những nội dung, tổ chức chương trình một cách nhanh và đồng bộ nhất. Biến chương trình thành một buổi giao lưu, chia sẻ cho thanh niên ở vùng xa.

Giúp người dân nhận diện “tín dụng đen” - ảnh 2

Các chiến sĩ tình nguyện Mùa hè xanh Trường ĐH Kinh tế TP.HCM chia sẻ kiến thức tài chính.

Chỉ ra cạm bẫy về mua bán đất và vàng

Võ Đào Xuân Hương cũng nói thêm ngay khi nhận được đề nghị của địa phương, nhóm đã cùng các đoàn viên khác làm việc một cách nghiêm túc nhất. “Chúng tôi mời những diễn giả có kinh nghiệm và đang làm việc trong lĩnh vực tài chính. Thực hiện hầu như các công đoạn từ tổ chức sự kiện, đến lên kế hoạch nội dung cần chia sẻ. Không những vậy chúng tôi còn tự gây quỹ để hoạt động bằng cách tự bán bánh tráng”, Hương nói.

Trần Ngọc Minh Khoa, thành viên đội hình tài chính, cho biết trong thời gian ngắn nhóm đã thực hiện xong các công đoạn được phân công. Các thành viên đi đến các địa điểm, mọi thứ được tổ chức một cách bài bản như một sự kiện. Tuy nhiên, điều khó nhất là ở việc truyền tải nội dung đến người dân. Bởi chủ đề tài chính thường rất khô khan, cho nên Khoa và mọi người tìm các chủ đề phổ thông và tình hình thực tế đã diễn ra.

“Ví dụ như chúng tôi đưa ra bàn luận về các loại tín dụng đen đang bủa vây hiện nay. Hoặc những cạm bẫy về mua bán đất và vàng để người dân nhận diện. Khó hơn nữa là về việc người nông dân vẫn có thể đầu tư chứng khoán và làm cách nào tăng thu nhập cho bản thân từ đầu tư tài chính”, Khoa chia sẻ thêm.

Trong năm đầu tiên tham gia Mùa hè xanh, Nguyễn Thị Nhã Thi, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết nhận thấy đây là cơ hội để chia sẻ kiến thức, học hỏi thêm từ những người đi trước để hoàn thiện những kỹ năng cần có cho hoạt động học tập tương lai, nên mình vừa đi học ở trường nhưng vẫn dành thời gian tham gia tình nguyện Mùa hè xanh.

Huỳnh Tiến Hùng, Bí thư Đoàn TT.Tân Túc, H.Bình Chánh cho biết đặc thù ở địa phương nằm ở vùng ngoại ô của thành phố, việc thanh niên tiếp cận công nghệ, thông tin còn hạn chế. Đa phần thanh niên đang làm công nhân nên ít biết về các hoạt động tín dụng và tài chính, dễ rơi vào những cạm bẫy của “tín dụng đen” trên các trang mạng.

“Đây là hoạt động tình nguyện hè hoàn toàn mới ở địa phương. Nó đã giúp cho thanh niên hiểu biết hơn về vấn đề tài chính. Bên cạnh đó, sinh viên tình nguyện còn phân tích những trang tín dụng đen, chứng khoán lừa đảo… và cách đề phòng để không “sập bẫy”. Bên cạnh đó, cũng giúp cho thanh niên ở Tân Túc mở mang tầm nhìn, có góc nhìn khác về khởi nghiệp ngành tài chính”, Hùng cho hay.

Theo TN