Tại Diễn đàn "Tiếng nói tuổi trẻ - Hành động của Đoàn" được tổ chức chiều nay 17/3 tại Hà Nội, câu hỏi về Internet và mạng xã hội nhận được sự quan tâm của đông đảo đoàn viên, thanh niên.
“Internet, mạng xã hội mang lại cho chúng ta rất nhiều tiện ích, nhưng cũng có những mặt tiêu cực ảnh hưởng tới tâm sinh lý và hành vi của thanh thiếu nhi, đặc biệt là các thông tin sai sự thật rất khó phân biệt, nhận diện được. Chúng em rất mong các anh, chị có thể chia sẻ giải pháp để giúp thanh niên tăng cường "sức đề kháng" trước các thông tin xấu, độc, sai sự thật trên mạng xã hội”.
Đây là câu hỏi nhận được nhiều sự quan tâm của các bạn thanh niên, như: Cao Trang Nhung (Tuyên Quang), Phạm Văn Liết (Vĩnh Long), Phan Thị Ngọc Ánh (Nghệ An), Võ Phước Lộc (An Giang) và 80 bạn khác gửi tới hệ thống website của chương trình.
Bí thư thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Ngọc Lương cho biết đây là câu hỏi thú vị và mang tính thời sự; hay được đặt ra tại nhiều diễn đàn, tọa đàm.
Hiện Thủ tướng Chính phủ đã ban hành đề án giáo dục lý tưởng đạo đức cách mạng lối sống văn hóa trên không gian mạng giai đoạn 2022 - 2030, trên cơ sỏ đề xuất của Trung ương Đoàn. Trung ương Đoàn cũng đã ban hành nhiều kế hoạch, nội dung để thực hiện các nội dung công việc.
Bí thư thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Ngọc Lương |
“Tôi nói có bốn ý để phát huy tốt lợi ích, giá trị của mạng xã hội, đồng thời khắc phục những mặt tiêu cực khi sử dụng mạng xã hội. Thứ nhất, mỗi bạn trẻ cần hình thành ý thức, thái độ và văn hóa sử dụng mạng xã hội tích cực. Chúng ta đã có Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua năm 2019, Trung ương Đoàn cũng thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn, tọa đàm cung cấp thông tin liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội. Cũng có nhiều tài liệu giấy, điện tử và hệ thống báo chí của Đoàn giúp các bạn sử dụng mạng xã hội an toàn.
Thứ hai, các bạn cần tự trang bị kho tàng tri thức, kiến thức và cập nhật thông tin, từ chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, các kế hoạch của Trung ương Đoàn. Bên cạnh đó, các bạn tích cực tham gia hoạt động xã hội, của Đoàn, Hội. Qua đó có lý luận và thực tiễn để nhận diện vấn đề.
Thực tế, khi có nhiều thông tin kiểm chứng, thì người ta tìm thông tin chính thống. Đối với Đoàn, với thanh niên, các bạn trẻ có thể tìm đến báo Tiền Phong, báo Thanh Niên, website của Trung ương Đoàn, hệ thống fanpage của tổ chức Đoàn. Các bạn hoàn toàn có thể trao đổi với cán bộ Đoàn các cấp, với Ban Bí thư Trung ương Đoàn.
Thứ ba, các thông tin tiêu cực bớt đi thì cần sự chung tay của cộng đồng, các bạn trẻ. Chúng ta lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lan tỏa nhiều câu chuyện, hành động đẹp, nghĩa cử nhân ái...
Thứ tư, mỗi bạn trẻ ngoài kiến thức, cần bản lĩnh để đấu tranh, phê bình, phản biện những thông tin xấu độc, hành vi chưa tốt, lệch chuẩn trên mạng xã hội.
Với những điều như vậy, tôi tin các bạn sẽ có lá chắn vững chắc, lăng kính sàng lọc thông tin”, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương nói.
THEO TPO