Xây dựng "Hệ sinh thái KOL cán bộ Đoàn"
Chia sẻ tại diễn đàn, bạn Nguyễn Khắc Quốc Huy (Bí thư Đoàn thanh niên P.8, Q.10, TP.HCM) hiến kế, đề xuất giải pháp "Hệ sinh thái KOL cán bộ Đoàn". Theo đó, các tổ chức Đoàn cơ sở cùng các nhà văn hóa sẽ là cầu nối, kênh tập hợp, phát huy, gắn kết các văn nghệ sĩ trẻ, KOL nổi tiếng sinh hoạt và lan tỏa những giá trị tích cực đến cộng đồng thông qua các hoạt động.
Theo Quốc Huy, con đường cách mạng của thanh niên hiện nay là góp sức trẻ của mình trong con đường xây dựng đất nước và đó cũng chính là sứ mệnh của thanh niên hiện nay. Ngày nay, đoàn viên, thanh niên hiện là những gen Z được lớn lên, trưởng thành trong sự phát triển của các nền tảng công nghệ, mạng xã hội mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, theo Quốc Huy, hệ sinh thái KOL cán bộ Đoàn trực thuộc Đoàn cơ sở còn là một kênh truyền thông hiệu quả giúp truyền tải, lan tỏa thông điệp, trào lưu, một xu hướng cho công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi toàn quốc. "Hệ sinh thái này cũng là nơi để hỗ trợ các bạn KOL tham gia về các quyền lợi chính đáng như các chương trình đồng hành hỗ trợ, tạo điều kiện để các KOL tham gia vào các chương trình lớn của Đoàn như: hành trình về nguồn, các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ với bạn bè quốc tế…, tạo được sự kết nối cho các giới văn nghệ sĩ tạo ra các sản phẩm tích cực để cùng nhau phát triển", Quốc Huy chia sẻ.
"Bản thân tôi thấy, khi cán bộ Đoàn trở thành các KOL thì việc lan tỏa các hoạt động tình nguyện, các chương trình đồng hành của tổ chức Đoàn dễ đi vào nhận thức của đoàn viên, thanh niên", Quốc Huy bày tỏ.
Thành lập cộng đồng sinh viên chuyên ngành
Để gen Z phát triển toàn diện, bạn Vũ Thu Hằng, sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội), đề xuất Đoàn cùng đồng hành, hỗ trợ. Thu Hằng chia sẻ: "Gen Z trưởng thành trong thời đại công nghệ số. Họ có nhiều đặc điểm khác biệt so với các thế hệ trước, tiêu biểu là khả năng thích nghi nhanh với công nghệ, mong muốn học tập linh hoạt, chủ động về thời gian và có tinh thần sáng tạo, phát triển không ngừng trong môi trường làm việc. Các bạn trẻ thế hệ mới rất cần được tạo môi trường thực tế, linh hoạt, cởi mở để học hỏi, chia sẻ và phát triển cùng nhau".
Dẫn chứng từ mô hình hội nhóm "Cộng đồng sinh viên y khoa", "Cộng đồng sinh viên luật" trên Facebook thu hút hàng chục nghìn thành viên tham gia, tuy nhiên, do thiếu định hướng và tính chính thức nên các mô hình cộng đồng rất tiềm năng này chưa phát huy được hết sức mạnh, Thu Hằng hiến kế thành lập cộng đồng sinh viên chuyên ngành.
"Với sự chỉ đạo, định hướng và hỗ trợ của Đoàn - Hội Sinh viên, chúng ta có thể tạo lập và duy trì những cộng đồng sinh viên chuyên ngành chính thức, nghiêm túc, chuyên nghiệp, đạt hiệu quả cao trong việc đồng hành cùng sinh viên. Đây sẽ là môi trường để các bạn trẻ được hỗ trợ tối ưu về chuyên môn, nâng cao hiệu quả trong học tập và nghiên cứu. Những sự chỉ dẫn và hỗ trợ cụ thể này là rất cần thiết trong thời đại khủng hoảng, quá tải thông tin như hiện nay", Thu Hằng lập luận.
Ứng dụng công nghệ AI
Để thực hiện khát vọng 2045 VN trở thành một nước công nghiệp phát triển, tiến sĩ Nguyễn Đức Minh Khôi, Khoa học máy tính chuyên ngành về trí tuệ nhân tạo (AI), đề xuất Đoàn có thể tập hợp các bạn thanh niên ham thích về công nghệ, coi đây là nòng cốt để cùng trao đổi, phát triển các sản phẩm công nghệ.