Thương mại điện tử đã trở thành một phần quan trọng của nền kinh tế toàn cầu hiện nay, làm thay đổi nhanh chóng cách doanh nghiệp vận hành và hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Từ đó, nhu cầu tuyển dụng và mức thu nhập dành cho lĩnh vực này đang rất "hot".
Những mức thu nhập hấp dẫn
Bắt đầu làm việc ở mảng thương mại điện tử từ cuối năm 3 ĐH, Nguyễn Thị Hậu (23 tuổi), chuyên viên phát triển kinh doanh của Công ty TNHH Shopee VN (TP.HCM), đã có thu nhập hơn 15 triệu đồng/tháng khi chưa ra trường.
"Mình làm công việc này khi nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng mạnh bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 năm 2021 nên các sàn thương mại điện tử cần tuyển nhân sự lớn. Ngành này cho mình kỹ năng có thể chuyển đổi việc làm ở nhiều môi trường khác nhau, linh hoạt thời gian và cập nhật xu hướng thị trường rất nhanh", Hậu cho biết.
Mỗi tháng, Hậu làm việc với 100 nhà bán hàng trên Shopee để quan sát tình hình kinh doanh và cung cấp giải pháp phù hợp nhằm giúp họ đạt doanh số kỳ vọng. Đồng thời, cô phải xử lý hàng triệu dữ liệu ngành hàng để hỗ trợ tư vấn chiến lược về giá, kho hàng và xây dựng kế hoạch nhập hàng phù hợp với xu hướng thị trường. "Thu nhập trung bình của chuyên viên tầm 10 - 18 triệu đồng/tháng, nhưng có kinh nghiệm và kỹ năng thương lượng tốt sẽ đạt mức lương 20 - 25 triệu đồng/tháng", Hậu chia sẻ.
Theo đuổi ngành này hơn 6 năm, anh Nguyễn Ngọc Sơn (34 tuổi), hiện kinh doanh trên sàn thương mại điện tử Amazon (Mỹ), cho biết đây là lĩnh vực phát triển và xóa nhiều rào cản so với trước, từ khâu tiếp cận khách hàng, vận chuyển đến thanh toán đều được liên kết chuyển đổi số.
"Mình liên kết các doanh nghiệp và đăng ký thương hiệu, sau đó dựa vào thị hiếu khách hàng mà sẽ tìm sản phẩm, lên kế hoạch viết quảng cáo và xây dựng nội dung truyền thông thu hút để bán hàng qua Amazon. Hiện nay, thị trường chủ yếu của mình tại Mỹ và đang sở hữu khoảng 6 thương hiệu kinh doanh với doanh thu từ 1,2 - 2,4 tỉ đồng/tháng", anh Sơn cho biết.
Khởi nghiệp năm 2021, nhưng đến nay anh Trịnh Văn Thành (29 tuổi), Tổng giám đốc Công ty TNHH dịch vụ thương mại điện tử Tâm Nhân Trí (TP.HCM), đã có nguồn khách hàng lớn từ hai thị trường Bắc Mỹ và châu Âu, với doanh thu khoảng 1 tỉ đồng/tháng.
"Doanh nghiệp cũ phải đóng cửa bởi dịch Covid-19, do đó mình tham gia ngành này khá trễ, mọi thứ phải tự học trên internet và người đi trước. Trong bối cảnh xuyên biên giới, thị trường dành cho ngành thương mại điện tử rất lớn, nếu biết cách đầu tư nghiên cứu về sản phẩm, thị hiếu khách hàng sẽ có nguồn thu nhập hấp dẫn", anh Thành nói.
Tuy nhiên, người này cũng nhấn mạnh đây là ngành rất cạnh tranh bởi nhiều nhà kinh doanh khác, nếu không có sự tính toán kỹ lưỡng rất nguy hiểm. "Khi bạn bán được một món hàng và có lợi nhuận, chắc chắn nhiều người áp dụng nhưng kinh doanh giá rẻ hơn. Mình đã từng rất khó khăn do nhập lượng hàng quá lớn mà không nắm được thị trường dẫn đến tồn kho, có tháng lỗ hơn 100 triệu đồng", anh Thành cho hay.
Ngành tăng trưởng nhanh nhưng cần chọn lọc
Theo ông Dương Minh Thông, Phó ban Truyền thông và phát triển nguồn nhân lực của Hiệp hội Thương mại điện tử VN, đây là một ngành mà bất cứ ai cũng có thể tham gia.
"Thương mại điện tử chỉ hoạt động buôn bán, trao đổi dịch vụ hàng hóa và thanh toán thông qua công nghệ có kết nối internet. Đây là lĩnh vực rất rộng khi bao gồm các khối ngành học về kinh doanh, kỹ thuật, công nghệ thông tin… nên có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm với nhu cầu về nhân sự và mức thu nhập rất cạnh tranh", ông Thông cho hay.