Hội thảo "Thúc đẩy sự tham gia của thanh niên trong các vấn đề phát triển và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo"

(CTG) Nhiều ý kiến, tham luận, đề xuất giải pháp vào giáo dục kĩ năng, khởi nghiệp của các bạn trẻ, chuyên gia, diễn giả đã được nêu ra tại hội thảo và đối thoại chính sách “Thúc đẩy sự tham gia của thanh niên trong các vấn đề phát triển và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện "Đối thoại thế hệ trẻ Việt Nam".

 

Do diễn biến phức tạp của dịch COVID - 19 lên hội thảo đã chuyển sang hình thức trực tuyến.

Chiều nay 29/01/2021, tại Hà Nội, Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu phối hợp Hội đồng Anh tại Việt Nam, Viện Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực, Viện Kinh tế và Công nghệ y tế tổ chức Hội thảo "Thúc đẩy sự tham gia của thanh niên trong các vấn đề phát triển và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" theo hình thức trực tuyến.

Nội dung Hội thảo xoay quanh hai chủ đề chính: vai trò, sự tham gia của thanh niên trong các vấn đề xã hội và phát triển; thanh niên trong bối cảnh đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Tại Hội thảo các diễn giả và đại diện thanh niên đã chia sẻ, đề xuất những chính sách hỗ trợ, tạo môi trường nhằm mang đến cơ hội phát triển cho thanh niên, sinh viên, đặc biệt là phụ nữ và các nhóm yếu thế các kỹ năng và điều kiện để tham gia sâu rộng hơn trong quá trình ra quyết định các vấn đề xã hội, lãnh đạo phát triển, và dấn thân nhiều hơn trong bối cảnh thị trường lao động của kỷ nguyên 4.0.

Là một người từng làm trong lĩnh vực giáo dục, GS.TS Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo, cho rằng: Để là một công dân toàn cầu thời đại 4.0 phải hội đủ các yếu tố như sức khỏe, bản lĩnh, trái tim, khối óc, kỹ năng sống, ngoại ngữ, công nghệ thông tin. "Việc đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực nhằm đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cần phải được thay đổi rất nhiều mới có thể đáp ứng được yêu cầu từ nền kinh tế số. Đây là nhiệm vụ quan trọng nếu muốn khắc phục tình trạng thất nghiệp hàng loạt", GS.TS Trần Văn Nhung đánh giá.

Cũng theo GS.TS Trần Văn Nhung: “Thanh niên là lực lượng xung kích để bảo vệ và xây dựng đất nước, phát triển xã hội. Tuổi trẻ luôn phải dẫn đầu trong lao động sáng tạo, trong học tập, nghiên cứu khoa học, ứng dụng thực tiễn và bảo vệ an ninh tổ quốc”.

GS. TS Đặng Hải Anh, Kinh tế gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới và là Giáo sư kiêm nhiệm của ĐH Indiana, Hoa Kỳ chia sẻ tại hội thảo.

Còn với GS. TS Đặng Hải Anh, Kinh tế gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới và là Giáo sư kiêm nhiệm của ĐH Indiana, Hoa Kỳ cho biết: Có chừng 2/3 số thanh niên khi được hỏi công việc hiện nay có phù hợp với chuyên ngành đào tạo thì có tới 2/3 trẻ lời không đúng với chuyên ngành vì vậy chúng ta cần thay đổi để làm sao hệ thống đào tạo phù hợp hơn với thực tế cung cầu ngày nay của xã hội. Từ đó, hông có tình trạng mất cân đối giữa việc đào tạo và công việc như hiện nay.

Đồng tình với các ý kiến trên, PGS.TS Trần Xuân Bách, Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Tổng Thư ký Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu, khẳng định: "Trang bị các kinh nghiệm, kỹ năng cho thanh niên, đặc biệt là tạo cơ chế chia sẻ thông tin, chuyển giao tri thức, phối hợp hành động là nhiệm vụ trọng tâm của Mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu".

"Chúng tôi đặt mục tiêu phát triển lớp thanh niên thế hệ mới nhạy bén, sẵn sàng làm chủ cơ hội, tự tin trước những thách thức mới, vững vàng trong lập thân, khởi nghiệp và kiến tạo xã hội", PGS.TS Trần Xuân Bách nói.

Nhiều ý kiến, tham luận sáng tạo, thiết thực của thanh niên, chuyên gia, diễn giả đã được nêu ra tại hội thảo và đối thoại chính sách “Thúc đẩy sự tham gia của thanh niên trong các vấn đề phát triển và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.

Bên cạnh đó, các diễn giả và đại biểu cũng có những đề xuất về cơ chế chính sách cụ thể như tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, các cơ chế chuyển giao công nghệ nhanh chóng, xây dựng các trường đại học nghiên cứu như cái nôi của quá trình phát kiến, cũng như thúc đẩy các kênh truyền thông đa dạng hơn nhằm huy động cộng đồng ý thức và hành động nhiều hơn nhằm bảo vệ môi trường, thực hành lối sống xanh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tại Hội thảo là "Báo cáo Thế hệ trẻ Việt Nam" do Hội đồng Anh công bố thời gian gần đây. Thông qua việc khảo sát 1.200 bạn trẻ Việt Nam từ 16-30 tuổi, Báo cáo chỉ ra rằng, hầu hết giới trẻ tin tưởng vào những nỗ lực cải thiện điều kiện sống từ Chính phủ.

Cũng theo đó, thanh niên Việt Nam còn tỏ ra lạc quan đối với việc ngày càng có nhiều cơ hội giáo dục, việc làm, bình đẳng giới trong bối cảnh đất nước ngày càng mở rộng hợp tác quốc tế, không ngừng hiện đại hóa. Tuy nhiên, vẫn có những trăn trở về thách thức cho người trẻ trong khởi nghiệp, nhất là đối vơi nữ giới; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, toàn cầu hóa đến phát triển bền vững...

Đánh dấu thành công của chuỗi sự kiện đối thoại với thế hệ trẻ lần này là sự ra mắt của nhóm đối tác nghiên cứu quốc tế về thanh niên và các vấn đề phát triển bền vững (EYES) do GS.TSKH Trần Văn Nhung làm Chủ tịch; PGS.TS Trần Xuân Bách là điều phối viên, cùng với nhiều nhà khoa học uy tín như: GS.TS Đặng Hải Anh, GS.TS Nguyễn Khánh Diệu Hồng, GS.TS Lê Anh Vinh, PGS.TS Nguyễn Việt Khôi, TS Đặng Đình Long, TS Lê Duy Anh… và đại diện các mạng lưới thanh niên tiêu biểu của nhiều lĩnh vực phát triển.

Minh Kiệt