'Hot girl' Hoàng Hiếu Vân (23 tuổi), sinh viên năm cuối ngành toán học Trường Muhlenberg College (Mỹ), đã đúc kết được nhiều kỹ năng học trực tuyến hiệu quả sau một thời gian trở về TP.HCM học từ xa vì dịch Covid-19. Cựu học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân ở TP.HCM chia sẻ với các sĩ tử đang ôn thi một số bí quyết học tập, nhất là đối với môn toán.
Không học trong phòng ngủ
“Để học trực tuyến hiệu quả, tránh sức ỳ, luôn cảm thấy hứng khởi, nhiều năng lượng, các bạn trẻ không nên học trong phòng ngủ hay nằm học trên giường vì điều này dễ gây buồn ngủ. Thay vào đó, các bạn nên học trong một không gian thoáng, có bàn ghế ngồi thẳng lưng ở nhà", Vân chia sẻ.
Sinh viên năm cuối ngành toán học khuyên các bạn trẻ nên mở camera khi học và tương tác với thầy cô để tránh mất tập trung. Vân cho biết thêm cô thường mở máy tính để học lúc 1 giờ sáng hoặc 7 giờ tối vì múi giờ lệch nhau nhưng cố giữ cho tinh thần tỉnh táo.
Không sử dụng mạng xã hội
Chia sẻ kinh nghiệm ôn thi với học sinh lớp 12, Vân nói quan trọng nhất là nắm được kiến thức cơ bản, ghi nhớ hệ thống và cần rèn luyện thói quen tự học. "Bên cạnh đó, trong lúc học nhóm, cần tập trung nhiều hơn", Vân chia sẻ.
Theo Vân, mỗi bạn trẻ đang học trực tuyến nên tự quy định ra một khoảng thời gian chỉ để học và khoá hoàn toàn điện thoại. "Trong thời gian học, tuyệt đối không sử dụng mạng xã hội. Tôi biết việc này rất khó đối với các bạn trẻ nhưng nếu bạn đang học trực tuyến, cứ 15 phút lại lướt Facebook một lúc, bạn sẽ quên mất mình đang học gì”, "hot girl" đang học ngành toán nói.
Bên cạnh đó, theo Vân, các bạn học sinh nên xây dựng một thời gian biểu cụ thể, hôm nay học môn nào, bao nhiêu giờ, học như thế nào để không bị lan man,.
Đừng quá chăm chăm vào giải đề toán nâng cao
Trong tháng 5 và tháng 6, các sĩ tử cần phải tập trung cao độ để ôn thi hiệu quả. Riêng đối với môn toán, Vân cho biết ngoài việc học trực tuyến, hiệu quả nhất vẫn là thường xuyên giải đề và các bài tập đã được học.
“Kể cả với đại số và hình học, các sĩ tử cứ giải những dạng đề cơ bản nhuần nhuyễn trước rồi đến những dạng bài khó hơn. Không nên quá chăm chăm vào những bộ đề nâng cao vì điều này có thể khiến bản thân bị rối”, nữ sinh viên tư vấn.
|
Lo lắng có được 8 điểm không
Theo cựu học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân, các học sinh đang ôn thi trực tuyến để chuẩn bị cho kỳ thi THPT không nên đặt nặng vấn đề điểm số và tự đặt áp lực cho bản thân mình.
Cô chia sẻ: "Một số bậc cha mẹ khá nghiêm khắc đối với việc học và đòi hỏi con cái phải đạt được kết quả cao. Tôi cho rằng người trẻ nên biết rõ thực lực của mình và nếu tự gây áp lực cho bản thân quá lớn thì cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng học tập".
|
“Theo kinh nghiệm của tôi, khi đọc đề thi, các bạn cứ làm hết tất cả những câu mình biết làm trước. Đừng lo lắng làm sao để đạt được 8 điểm, hãy bình tĩnh làm bài thi để lấy đủ trọn 7 điểm. Các bạn nhớ ăn uống đầy đủ, giữ gìn sức khỏe và đặc biệt phải ngủ đủ, học chưa hết chưa xong vẫn cứ đi ngủ đúng giờ vì đầu óc tỉnh táo thì học sẽ nhanh tiếp thu hơn”, hot girl ngành toán học nhắn nhủ.
Học toán bậc ĐH ở cũng cần viết văn!
Nữ sinh viên năm cuối ngành toán Trường Muhlenberg College cho hay cách dạy và học môn toán tại bậc ĐH ở Mỹ có nhiều điểm khác biệt. "Thậm chí, bạn không chỉ cần biết tính toán, mà phải vận dụng môn văn để học toán", Vân chia sẻ.
Tại Trường Muhlenberg College, giảng viên thường dạy kiến thức “gốc” trước, chẳng hạn tại sao lại có công thức này, nó từ đâu ra và của nhà toán học nào, định nghĩa của nó như thế nào. Từ đó, các sinh viên cũng dễ hiểu và nhanh chóng học được các công thức.
“Bên cạnh đó, sinh viên không phải giải những bài toán quá khó. Tuy nhiên, chúng tôi phải viết những bài luận nhỏ với đề bài như: Tại sao bạn lại chọn môn toán mà không phải những môn nào khác, hãy kể về một kỷ niệm của bạn với môn toán khiến cuộc đời bạn thay đổi từ đó và có tình yêu với môn này...", Vân chia sẻ.
Thay vì chỉ tập trung học công thức toán, giải đề, Vân cho rằng những câu hỏi, bài luận như thế này sẽ giúp sinh viên cảm thấy mình được chia sẻ và được là chính mình, từ đó có thêm nhiều cảm hứng để tiếp tục gắn bó với môn học mình đã lựa chọn.
Nguồn: TNO