Ngày 5-2, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện một nhà mạng viễn thông cho biết: "Dự kiến tuyến cáp APG sẽ là tuyến cáp được khôi phục đầu tiên vào tháng 3-2023". Ba tuyến cáp quang biển còn lại gồm AAG, AAE-1 và Liên Á (IA - Intra Asia) đều chưa "hẹn" ngày khôi phục.
Trước đó, hai tuyến cáp quang biển APG và IA gặp sự cố vào cuối tháng 1-2023, tuyến APG gặp sự cố ngay ngày 30 Tết. Hai tuyến cáp AAG và AAE-1 đều xảy ra sự cố từ cuối năm 2022 và đến giờ vẫn chưa có thông tin về thời điểm khôi phục. Như vậy, bốn trong năm tuyến cáp quang biển đang hoạt động của Việt Nam đều gặp sự cố.
Các nhà mạng viễn thông đều cho biết đã thực hiện san tải sang các tuyến cáp đất liền, mở thêm băng thông dự phòng...
Tuy nhiên, rất nhiều người dùng cho biết đã không thể sử dụng các dịch vụ truyền hình và giải trí qua mạng Internet bởi "hình liên tục bị đứng" và việc truy cập mạng cũng... "rùa bò". Người phải làm việc trực tuyến bị ảnh hưởng nặng nề, không thể họp và trao đổi với đối tác, khó "chốt đơn".
Nhiều người dùng cho biết phải bật kết nối di động 4G thay cho sóng WiFi nhằm đảm bảo kết nối. Nhưng một số người phản ánh ngay cả kết nối mạng di động cũng nhiều lúc chập chờn.
Đại diện một nhà mạng cho rằng đây là sự cố bất khả kháng, các nhà cung cấp dịch vụ Internet của Việt Nam đều thiệt hại và đang nỗ lực làm việc với đối tác khai thác các tuyến cáp quang biển để nhanh chóng khắc phục sự cố.
Hiện mỗi năm Việt Nam chứng kiến khoảng 10 lần đứt cáp quang biển, thời gian đứt trung bình từ một đến vài tháng do việc sửa chữa cáp quang biển phụ thuộc thời tiết và phải xin cấp phép ra vào địa phận các quốc gia mà tuyến cáp đi qua.
Theo TT