Kể chuyện cùng cột mốc chủ quyền

(CTG) Nhiều bạn trẻ ở tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng vừa có chuyến ngược núi đến với cột mốc biên giới để được nghe kể câu chuyện về tinh thần quân dân bảo vệ chủ quyền, về an ninh biên giới trong niềm cảm xúc dâng trào.

Lễ chào cờ đặc biệt

Trên cung đường mòn dốc đá cheo leo, trong tiết trời se lạnh cùng với cơn mưa phùn của những ngày đầu xuân, sau hơn 1 giờ đồng hồ ngược núi, hàng chục đoàn viên, thanh niên ở Quảng Nam và TP.Đà Nẵng đã có mặt tại cột mốc 678 nằm trên đoạn biên giới giữa H.Tây Giang (Quảng Nam) và tỉnh Sê Kông (Lào).

Kể chuyện cùng cột mốc chủ quyền- Ảnh 1.

Cán bộ Đồn biên phòng A Xan giới thiệu về quá trình xây dựng cột mốc 690

MẠNH CƯỜNG

Sau lễ chào cờ, các bạn trẻ ngồi bên cột mốc nghe câu chuyện về tinh thần quân dân bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Cán bộ Đồn biên phòng A Nông (H.Tây Giang) cũng giới thiệu về lịch sử hình thành cột mốc 678 và công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới...

Chương trình "Tháng 3 biên giới" năm 2024 chủ đề "Biên cương Tổ quốc tôi" vừa được Tỉnh đoàn Quảng Nam và Thành đoàn Đà Nẵng phối hợp tổ chức tại xã A Nông đã bắt đầu bằng những hình ảnh đầy cảm xúc như thế.

Bạn Ngô Thị Thúy Quyên (đoàn viên, thuộc Thành đoàn Đà Nẵng), cho biết đây là lần đầu tiên có cơ hội đến cột mốc biên cương, và bạn thật tự hào khi được chạm tay vào mốc quốc giới giữa rừng sâu. "Tôi cảm thấy rất vinh dự và xúc động khi được tham gia lễ chào cột mốc. Tôi đã tham dự rất nhiều lễ chào cờ long trọng, nhưng buổi lễ tại cột mốc biên cương của Tổ quốc mang lại cho tôi cảm xúc thật đặc biệt. Qua đây, tôi càng cảm nhận rõ hơn trách nhiệm của thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", Thúy Quyên chia sẻ.

Kể chuyện cùng cột mốc chủ quyền- Ảnh 2.

Đại diện Tỉnh đoàn Quảng Nam và Thành đoàn Đà Nẵng trao tặng bản đồ Việt Nam cho Trạm biên phòng A Xòo và Chi đoàn Đồn biên phòng A Nông

MẠNH CƯỜNG

Chị Châu Trinh Thương (27 tuổi, công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Quảng Nam), cho biết chương trình "Tháng 3 biên giới" năm nay khởi đầu bằng lễ chào cột mốc biên cương tại cột mốc 678, cùng với những chia sẻ của cán bộ Đồn biên phòng A Nông về quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới… khiến những người trẻ trân quý hơn 2 chữ "hòa bình".

Sau lễ chào cờ và thăm cột mốc, chị cùng nhiều bạn trẻ tham gia khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 200 người dân. "Ý thức về phòng chống bệnh và chăm sóc sức khỏe của người dân ở đây rất tốt. Khi nghe tin có đoàn đến khám bệnh, nhiều người đã đến từ sáng sớm. Sau khi khám bệnh, nhận được lời cảm ơn từ bà con, tôi cảm thấy rất vui khi được góp một chút công sức để chăm lo sức khỏe cho người dân vùng biên. Tôi muốn tham gia nhiều chương trình thiện nguyện hơn nữa để lan tỏa tinh thần "đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên"", chị Thương chia sẻ.

Trải nghiệm rất có ý nghĩa

Tại cột mốc 690, đường biên tiếp giáp giữa H.Tây Giang (Quảng Nam) và H.Kà Lừm (tỉnh Sê Kông), nhiều bạn trẻ ở các xã vùng cao H.Tây Giang cũng tham gia lễ chào cờ đặc biệt vào sáng 2.3. Trước khi diễn ra lễ chào cờ, các bạn cẩn thận phát dọn cây cỏ xung quanh, lau chùi cột mốc chủ quyền... 

Kể chuyện cùng cột mốc chủ quyền- Ảnh 3.

 

Khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân

 

MẠNH CƯỜNG 

Thiếu tá Nguyễn Văn Lợi, Chính trị viên Đồn biên phòng A Xan, cho biết mốc quốc giới 690 được hình thành bởi công sức, tinh thần đoàn kết của quân dân biên giới. Quá trình xây dựng mốc 690 nói riêng và các mốc quốc giới khác nói chung gặp rất nhiều khó khăn do địa hình hiểm trở, đường sá cách trở, vật liệu xây dựng phải gùi cõng. Ngoài cán bộ, chiến sĩ biên phòng, còn có nhiều đồng bào biên giới góp công sức xây dựng cột mốc.

Theo thiếu tá Lợi, chào cột mốc biên cương là chương trình thường niên được đơn vị phối hợp tổ chức, khuyến khích đông đảo người dân, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn xã A Xan, Tr'Hy (H.Tây Giang) tham gia. Thông qua lễ chào cờ để tuyên truyền, giáo dục đồng bào địa phương, đặc biệt là các bạn trẻ, hiểu biết sâu sắc hơn về mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào và chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Anh Hoàng Văn Thanh, Phó bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên VN tỉnh Quảng Nam, cho hay: "Chào cột mốc là một trải nghiệm thực tế rất có ý nghĩa đối với thế hệ trẻ. Tôi tin sau chuyến đi này, các bạn đoàn viên, thanh niên sẽ trở thành những tuyên truyền viên tích cực, góp phần nâng cao trách nhiệm của tuổi trẻ trong thực hiện nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Theo anh Thanh, Tháng thanh niên năm nay có ý nghĩa đặc biệt khi năm 2024 được chọn là Năm thanh niên tình nguyện. Tỉnh đoàn Quảng Nam đề ra 9 chỉ tiêu cụ thể trên các mặt công tác và 5 hoạt động yêu cầu tổ chức đồng loạt. Đặc biệt là phối hợp thực hiện nhuần nhuyễn chủ trương "3 liên kết" (liên kết lực lượng, liên kết địa bàn, liên kết cộng đồng), từ đó đánh dấu bước trưởng thành 10 năm của phong trào thanh niên tình nguyện, phát huy vai trò xung kích, tiên phong của tuổi trẻ trong những vấn đề mới, vấn đề khó của đời sống kinh tế - xã hội...

Tại chương trình "Tháng 3 biên giới", các bạn trẻ Quảng Nam và Đà Nẵng cùng triển khai các hoạt động khám bệnh, phát thuốc và tặng quà cho hơn 200 người dân có hoàn cảnh khó khăn; thăm, tặng quà 2 già làng, người có uy tín. Tại xã A Nông, các tình nguyện viên tham gia thi công công trình "Thắp sáng đường quê"; thăm, tặng quà Đồn biên phòng xã A Nông và trao 10 suất quà cho gia đình cán bộ, chiến sĩ đang công tác ở biên giới, hải đảo… Ngoài ra, ban tổ chức chương trình cũng tặng heo giống, vịt giống cho 5 hộ thanh niên có hoàn cảnh khó khăn để phát triển kinh tế; khởi công và bàn giao kinh phí xây dựng nhà cho một hộ thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tại thôn A Rấp.

Theo Thanh Niên