Khi nhân viên quay lưng với lãnh đạo

(CTG) Có đủ loại lý do khiến nhóm làm việc không tôn trọng người lãnh đạo. Có thể bạn đã không cho họ tham gia những quyết định quan trọng, hay giao cho họ trọng trách quá lớn.


Việc đó có thể xảy ra ngay cả với những nhà lãnh đạo có năng lực nhất. Các thành viên trong nhóm không làm việc và ngừng đến buổi họp. Họ từ chối hoặc đơn giản chỉ là không làm những việc bạn giao. Họ bắt đầu những cuộc họp không có bạn. Khi những điều đó xảy ra, có lẽ nhóm đã quay lưng lại với bạn. Với một lãnh đạo, việc này quả là một trải nghiệm đáng sợ có thể khiến bạn nhụt chí, nhưng không hẳn không có cách khắc phục. Bằng cách cởi mở với những gì đang diễn ra, lắng nghe ý kiến của nhóm và tỏ ra thẳng thắn, bạn có thể lấy lại niềm tin của nhóm cũng như vai trò lãnh đạo hiệu quả của mình.


Ý kiến chuyên gia

Theo bà Deborah Ancona, giáo sư bộ môn Quản trị của trường quản trị MIT Sloan, đồng thời là tác giả cuốn X-Teams: Cách xây dựng nhóm hàng đầu, cách tân và thành công: “Xây dựng nhóm làm việc vững mạnh ngay từ đầu là điều tốt nhất bạn có thể làm để ngăn chặn vấn đề”. Không may là, ngay cả những nỗ lực tốt nhất của bạn cũng chưa chắc đảm bảo nhóm sẽ không quay lưng lại với bạn. Có đủ loại lý do khiến nhóm làm việc không tôn trọng người lãnh đạo. Có thể bạn đã không cho họ tham gia những quyết định quan trọng, hay giao cho họ trọng trách quá lớn. Bà Deborah H.Gruenfeld, giáo sư chuyên nghiên cứu Lãnh đạo và Hành vi tổ chức, đồng giám đốc chương trình Phụ nữ lãnh đạo tại đại học Kinh doanh Stanford, nêu quan điểm: “Nếu thành viên trong nhóm không cảm thấy tôn trọng người lãnh đạo, họ sẽ thể hiện qua thái độ tình cảm của mình”. Hoặc cũng có thể là một số cá nhân trong nhóm không tôn trọng nhau, thù hằn với nhau, và quay lưng lại với bạn vì bạn không làm gì để giải quyết việc đó. Còn theo bà Gabriella Jordan, Chủ tịch mảng giáo dục tại The Handle Group, công ty đào tạo nhà điều hành ở New York thì: “Mọi người thường bắt đầu như vậy khi họ cảm thấy mình không được lắng nghe, hoặc họ nghĩ có chuyện bất công đã xảy ra”. Bất kể nguyên nhân gây ra sự bất mãn là gì, bạn cũng có thể lấy lại lòng tin và sự nhiệt tình của cả nhóm bằng cách sử dụng phương pháp dưới đây.

Xác định vấn đề đang diễn ra

Với phần lớn vấn đề, bước đầu tiên là phải xác định chuyện gì đang diễn ra. Việc này không phải lúc nào cũng dễ dàng. Bà Gruenfeld nói: “Dấu hiệu chống đối của một nhóm có thể rất khó nhận biết”. Do đó, bạn cần phải quen với các dấu hiệu mâu thuẫn. “Những người quay lưng lại với lãnh đạo, nhưng chưa chưa chuẩn bị cách giải quyết vấn đề có thể tỏ ra dễ chịu ngoài mặt, dù trong lòng đã không còn mặn mà với công việc nữa. Họ có thể tỏ ra miễn cưỡng khi tham gia hay dành thời gian cho lãnh đạo bởi họ sợ cảm xúc thật của mình sẽ bị lộ ra. Trong nhiều trường hợp, thành viên đã đánh mất niềm tin với lãnh đạo của mình sẽ công khai thái độ thù địch, nhưng được thể hiện dưới thái độ thờ ơ nhiều hơn. Nhiệt huyết vốn từng được dùng để hỗ trợ mục tiêu và sáng kiến của lãnh đạo sẽ được chuyển hướng sang những hoạt động khác, mang tính thỏa mãn cá nhân hơn, như là nói xấu sau lưng lãnh đạo, trốn tránh các công việc nhóm, tìm kiếm công việc mới, và lãng phí thời gian.”

Một khi đã nhận ra vấn đề, giúp các thành viên nhận ra vấn đề cũng rất quan trọng. Nếu không, chuyện sẽ trở thành ai cũng hiểu nhưng không dám nói. “Nếu bạn cứ vờ như không có chuyện gì xảy ra, mà mọi người đều biết là có, thì vấn đề sẽ rất khó giải quyết”, bà Ancona nói.

Hiểu nguyên nhân sâu xa

Để giải quyết vấn đề, bạn cần phải biết nguyên nhân của nó là gì. Hãy tìm xem gốc gác của sự bất mãn là ở đâu. Chỉ có một người có thái độ tiêu cực hay đó là cảm giác chung của cả nhóm? Mọi người gặp vấn đề với sự lãnh đạo của bạn, hay vấn đề của họ với thành viên khác là nguyên nhân khiến họ chống lại bạn? Hãy đặt những câu hỏi thẳng thắn và cởi mở. Nếu bạn được nghe kể lại nguyên nhân bất mãn của ai đó, hãy bảo người truyền tin đưa người đó đến nói chuyện trực tiếp với bạn.

Làm chủ vấn đề

Bất kể nguyên nhân là gì, bạn phải nhận thức được rằng mọi thứ đang trở nên tiêu cực. Hãy công khai thừa nhận những gì bạn đã làm khiến cho vấn đề xảy ra, và giải thích hướng giải quyết của bạn. Theo bà Jordan: “Trớ trêu là mọi người nghĩ rằng nếu họ tỏ ra yếu đuối, họ sẽ gặp nguy hiểm. Nhưng trên thực tế, việc đó lại khiến họ trở nên quyền lực hơn”. Bà Ancona cũng đồng tình với quan điểm này: “Những nhà lãnh đạo tài giỏi có thể đứng dậy và nói: “Cảm ơn đã cho ý kiến. Tôi nhận ra mình đã làm chuyên X. Và đây là các bước tôi định thực hiện để sửa chữa chuyện này. Tôi đánh giá cao mọi phản hồi về phương pháp giải quyết của tôi.” Hãy thẳng thắn và kêu gọi mọi người giúp bạn thay đổi tình hình.

Lắng nghe và khuyến khích sự thẳng thắn

Bà Jordan khuyên chúng ta nên thực hiện chính sách “không tin đồn” trong nhóm. “Tin đồn rất tai hại”, bà nói. Hãy nói với mọi người nếu họ có vấn đề với bất cứ ai trong nhóm, kể cả bạn, họ nên nói chuyện trực tiếp với người đó – ngay cả khi người đó là bạn. Hãy thể hiện rằng bạn luôn sẵn lòng lắng nghe và giải quyết mọi vấn đề. “Bạn sẽ muốn cho mọi người cơ hội được lắng nghe”. Bạn có thể làm việc này trong một cuộc thảo luận chung, hay trong cuộc gặp riêng nếu mọi người không thoải mái khi nói chuyện cả nhóm. Ngoài ra còn các phương án: phân phát một bản điều tra khảo sát hay để một người ngoài cuộc thay mặt bạn thu thập thông tin. Cách thực hiện không quan trọng bằng hành động thu thập thông tin. Việc này cho phép mọi người giải phóng những bực dọc trong lòng, cũng như thiết lập cơ chế giao tiếp cởi mở nhằm ngăn chặn sự chống đối trong tương lai.

Khi vấn đề vẫn không được giải quyết

Khi nhóm của bạn thực sự ngang bướng và khó chịu, có lẽ bạn không thể một mình giải quyết vấn đề. Hãy tìm một người hòa giải – có thể là một chuyên gia bên ngoài hay một người ở bộ phận khác trong tổ chức không liên quan đến vụ việc – để đưa vấn đề ra một cách cởi mở và đàm phán cách giải quyết. Làm việc với một chuyên gia sẽ giúp bạn hiểu được tại sao phong cách và phương pháp lãnh đạo của bạn không có hiệu quả với nhóm làm việc. Bà Ancona nói: “Nếu người lãnh đạo không phù hợp với nhiệm vụ của mình, nhóm làm việc có thể phải giải tán.” Bà Jordans nói thêm: “Nếu bạn không thể tìm ra vì sao các thành viên không thoải mái, có lẽ họ không thuộc về nơi đó.”

Các nguyên tắc cần nhớ:

Nên làm:

Cởi mở lắng nghe những lời phàn nàn và ý kiến phản hồi của các thành viên trong nhóm.

Xây dựng chính sách “không tin đồn” để mọi người có thể làm việc thẳng thắn với nhau

Chịu trách nhiệm cho những việc bạn đã làm gây ra tình cảnh hiện tại

Không nên làm:

Tự dối mình rằng không có chuyện gì xảy ra, nhất là khi tất cả mọi người đều nhận ra vấn đề.

Sợ phải tỏ ra yếu đuối

Để cho những cảm xúc tiêu cực dồn nén – hãy cho mọi người cơ hội để giải phóng nỗi bực dọc của mình.


Theo Doanh Nhân 360