Điều đó, trong ngắn hạn là một biện pháp phòng dịch. Còn trong trung hạn và dài hạn, thì khuyến khích đi xe đạp thay bớt cho xe có động cơ sẽ giúp giảm khí thải, góp phần làm trong sạch môi trường.
Thực ra, thì trước khi có dịch Covid-19 này khá lâu, từ nhiều năm trước, những thành phố ở Hà Lan đã mở những làn đường dành cho xe đạp, và bằng nhiều biện pháp rất thân thiện, khuyến khích người dân đi xe đạp. Hà Lan đã thành công trong ý hướng “xe đạp hóa” này. Năm 2004, khi có dịp sang Hà Lan, tôi đã chứng kiến người Hà Lan vui vẻ (và hơi có chút…vênh váo) đạp xe trong những làn đường dành riêng cho xe đạp. Rất an toàn và rất thân thiện. Những thành phần dùng xe đạp ở Hà Lan không chỉ là những người tập thể dục, mà nhiều hơn, là những người dùng xe đạp đi làm. Với đoạn đường tới công sở hay xí nghiệp không quá xa, họ đạp xe với tốc độ vừa phải, trông khá ung dung và rất khỏe người.
Châu Âu, sau bao năm quen dùng ô tô cá nhân, giờ quay trở lại với phương tiện giao thông xưa cũ là xe đạp, đủ thấy, xe đạp là phương tiện không hề lạc hậu trong thời đại gọi là “4.0” này.
Trong khi đó, Việt Nam từng là một ‘quốc gia đi xe đạp” trong bao nhiêu năm, từ vài chục năm trước đã “lên đời…xe máy”, còn giờ đây đang hối hả “lên đời…ô tô cá nhân”. Bây giờ, đi xe đạp ở Việt Nam, hoặc là người rất nghèo, người bán hàng rong, hoặc là người “nhà có điều kiện” nên dùng xe đạp như một phương tiện nâng cao sức khỏe. Những chiếc xe đạp họ dùng, có thể bằng giá một… xe ô tô loại vừa. Nghĩa là rất đắt.
Châu Âu không quan niệm người đi xe đạp phải sở hữu những chiếc xe giá đắt mới “hợp mốt” hay “sang chảnh”. Họ chủ trương xe đạp là phương tiện giao thông bình thường, nhưng cần những chiếc xe có chất lượng tốt, an toàn, vậy là đủ. Xe đạp chỉ để… đạp, không phải dùng để khoe của hay chứng tỏ đẳng cấp.
Tôi còn nhớ, ngày còn bao cấp, với người Hà Nội, xe đạp Mifa của Đức hay Praha của Tiệp cũng đã là quá tốt rồi. Còn tới xe đạp Peugeot của Pháp thì quá cực sang chảnh. Lúc ấy, Hà Nội có rất ít xe máy, nhất là xe máy của Nhật.
Cho tới lúc cả nước “lên đời xe máy”, thì xe đạp tự nhiên lùi dần về quá khứ, về những vùng mù mờ. Từ bấy đến nay, mỗi khi làm đường mới, mở rộng đường cũ trong các thành phố, không ai nghĩ đến cần phải mở làn đường dành cho xe đạp. Chỉ dành riêng cho xe đạp chứ không có xe máy len vào. Bây giờ thì các nước tiên tiến nhất lại đang khuyến khích người dân của mình đi xe đạp. Hóa ra, xe đạp không hề là dĩ vãng. Nó cũng giống như những tác phẩm cổ điển trong văn học hay nghệ thuật. Không hề lỗi mốt. Chỉ là bị lãng quên trong một giai đoạn nào đó mà thôi.
Nhưng khi Việt Nam rất muốn khuyến khích người dân đi xe đạp, vì đó là phương tiện tuyệt vời để bảo vệ môi trường, thì mới giật mình: ở xứ mình bây giờ, làm gì có những làn đường dành riêng cho xe đạp.
Bao giờ thì trong các thành phố của chúng ta có những làn đường dù nhỏ thôi, dành riêng cho xe đạp ? Bao giờ thì câu hỏi ấy được trả lời ?
Đã từng là một “quốc gia đi xe đạp” thì Việt Nam có điểm xuất phát về kỹ năng đạp xe chắc chắn là không thua quốc gia nào. Nhưng trong điều kiện giao thông hiện nay, nếu không có những làn đường dành riêng cho xe đạp, thì độ an toàn với người đi xe đạp là không cao.
Nếu trong dịch bệnh, chính phủ kêu gọi người dân “ở nhà là yêu nước”, thì để bảo vệ môi trường và nâng cao sức khỏe, có lẽ slogan “đi xe đạp là yêu nước” sẽ rất “chất”. Vì vậy rất cần những làn đường dành riêng cho tinh thần yêu nước độc đáo này.
Theo TNO