Khó khăn 'bủa vây' người trẻ khởi nghiệp từ nông nghiệp

(CTG) “Các bạn trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp sạch gặp muôn vàn khó khăn. Doanh nghiệp cũng ít nhận được sự hỗ trợ, kết nối tìm đầu ra sản phẩm từ chính quyền địa phương mà phải “tự bơi”.

Đó là chia sẻ của anh Lê Minh Cương, Giám đốc Công ty TNHH Spicy Country, tại buổi tọa đàm: “Khởi nghiệp xanh- hành trình 10 năm kiến tạo doanh nông trẻ”, do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức chiều ngày 19/6.

Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp, anh Lê Minh Cương cho biết, năm 2019, tình hình tiêu thụ ớt của bà con nông dân Thanh Hóa gặp khó khăn do Trung Quốc đóng biên. Vì thế, anh đã nghiên cứu và quyết định thành lập doanh nghiệp sản xuất tương ớt an toàn, không có phụ gia thực phẩm. Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, đến nay doanh nghiệp đã dần ổn định với doanh thu khoảng 2 tỷ đồng/năm.

Anh Cương cho rằng, quá trình hoạt động, doanh nghiệp khởi nghiệp từ nông nghiệp như anh gặp muôn vàn khó khăn. Trước hết, là vùng nguyên liệu còn nhiều manh mún, không tập trung. Hơn nữa, doanh nghiệp cũng thiếu đất xây dựng nhà máy, nhà xưởng bên phải thuê đất, với chi phí khá lớn. Trong khi đó, doanh nghiệp cũng không nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương để kết nối, tìm đầu ra cho sản phẩm mà phải “tự bơi”.

Tại buổi hội thảo, chị Sầm Thị Tình, HTX Làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) cũng cho biết, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp phải đối mặt với nhiều áp lực, khó khăn. Như HTX Hoa Tiến hiện đang sản xuất, cung cấp các sản phẩm dệt từ thổ cẩm của dân tộc Thái cho thị trường. Tuy nhiên, do sản phẩm chủ yếu là thổ cẩm nên rất kén khách, chủ yếu phục vụ du khách nước ngoài. Trong khi đó, việc tiếp cận với nhóm khách này rất khó khăn, một phần do hạn chế về ngôn ngữ. Cùng với đó là những khó khăn về kinh tế nên du khách chưa tới Việt Nam nhiều. Đó là chưa kể, HTX cũng thiếu vốn đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất, công nghệ sang chiết màu. Ví như, có sản phẩm cần màu tự nhiên nhưng do thiếu máy móc, HTX đành phải dùng phương pháp thủ công. Ví như đun lá cây trên bếp củi rồi sang chiết lấy màu...

 
Khó khăn 'bủa vây' người trẻ khởi nghiệp từ nông nghiệp ảnh 1

Du khách thăm quan, tìm hiểu về sản phẩm thổ cẩm của HTX Làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến.

Theo Ban tổ chức, chương trình Khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo được bắt đầu từ 2013 với mục tiêu là hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Đồng thời, là cầu nối và là nơi trao đổi kinh nghiệm khởi sự kinh doanh, lập nghiệp. Một trong những hoạt động trọng tâm của chương trình là cuộc thi "Dự án khởi nghiệp Xanh". Sau 9 năm phát động, đã có 1.000 chủ dự án là các bạn trẻ tham gia và đạt được nhiều kết quả vượt mong đợi.

Cũng theo Ban tổ chức, sự kiện “Khởi nghiệp xanh- hành trình 10 năm kiến tạo những doanh nông trẻ”, dù mới được phát động cuối tháng 5/2023 nhưng đã nhận được hơn 60 bài dự thi từ khắp mọi miền đất nước.

Bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), phụ trách chương trình Khởi nghiệp Xanh, cho biết: Thông qua cuộc thi Dự án khởi nghiệp Xanh đã hình thành được hệ sinh thái khởi nghiệp nông nghiệp với hàng ngàn bạn trẻ khởi nghiệp từ nông nghiệp địa phương. Trong đó, đã xuất hiện nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 đến 5*, sản phẩm được chứng nhận Chỉ dẫn địa lý, sản phẩm tiêu biểu nông thôn cấp tỉnh, thành... Đặc biệt, nhiều bạn trẻ khởi nghiệp có sản phẩm xuất khẩu sản phẩm qua thị trường châu Âu, Mỹ, Úc, Châu Á…

Theo TP