Khổ trước sướng sau

(CTG) Ngày đầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/2020 của Thủ tướng, đường phố TP.HCM vắng vẻ lạ thường, không còn cảnh buôn bán tấp nập như trước.

Người dân ở Q.Gò Vấp được khuyến cáo hạn chế ra ngoài trong 15 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/2020 /// Ảnh: Sỹ Đông
 
Người dân ở Q.Gò Vấp được khuyến cáo hạn chế ra ngoài trong 15 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/2020
 
Nhìn cảnh này, những người dân ở thành phố đông dân và năng động bậc nhất cả nước không khỏi chạnh lòng. Thích ứng ngay với trạng thái giãn cách không phải là điều dễ dàng. Dù vậy, cư dân có thể tự an ủi mình rằng không phải đón nhận cảm giác hụt hẫng khi các dịch vụ, hoạt động vui chơi giải trí bị đóng cửa cùng lúc mà được thắt chặt từng bước, để mọi người có cơ hội làm quen với cuộc sống thiếu vắng một số nhu cầu quen thuộc.
 
15 ngày giãn cách xã hội hoặc 21 ngày cách ly tập trung không phải là quãng thời gian quá dài, nhất là khi dịch bệnh Covid-19 đang bủa vây. Cái khó của chính quyền là duy trì cuộc sống bình thường, hạn chế đến mức tối đa tác động của giãn cách xã hội đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
 
Qua 4 làn sóng dịch Covid-19, người dân và doanh nghiệp đã kiệt quệ rồi và họ cần được hướng dẫn để sản xuất, kinh doanh an toàn. “An toàn theo hướng duy trì mọi hoạt động tối thiểu vì mục tiêu an toàn tối đa”, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên từng nói.
 
TP.HCM đang dồn lực cho công tác chuyên môn nhưng đồng thời rất cần sự tin tưởng, hợp tác và tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng dịch từ hơn 13 triệu dân thành phố. Hơn lúc nào hết, người dân ở vùng dịch và vùng phong tỏa phải hạ quyết tâm cùng Chính phủ dập dịch với tinh thần Việt Nam luôn cháy bỏng những khát khao vì sự bình yên, phát triển. Thay vì nhìn vào người khác, tự bản thân mỗi người phải chấp hành các "lệnh cấm" của chính quyền để làm gương cho gia đình, cộng đồng. Thực sự mà nói, việc tuân thủ quy định phòng dịch không là gì so với sự hy sinh của những người ở tuyến đầu.
 
“Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai”, người Việt Nam thường lấy câu này làm điểm tựa tinh thần trong lúc ngặt nghèo với niềm tin vào một ngày mai tươi sáng.
 
Nguồn: TNO