Không hẳn chỉ tại thiên nhiên

(CTG) Hậu quả của cơn lũ lịch sử ở các tỉnh Bắc Trung Bộ chưa giải quyết xong thì các tỉnh Nam Trung Bộ lại hứng chịu đợt lũ cũng gọi là lịch sử mà những người nhiều tuổi nhất cũng chưa từng chứng kiến thiên tai như thế xảy ra trước đó.



Những tai họa đang đổ xuống đầu người dân, nếu đổ hết cho thiên tai thật dễ dàng. Dẫu thiên tai là do thiên nhiên gây ra đã đành, nhưng xét cho cùng, thiên tai lũ lụt ở miền Trung thời gian qua không chỉ có nguyên nhân từ thiên nhiên, mà đáng buồn là có cả yếu tố con người, nó làm cho mức độ thiệt hại càng nặng nề hơn. Hệ thống sông ở Việt Nam nói chung và các tỉnh miền Trung nói riêng đều là sông trẻ, ngắn và dốc. Nếu các cánh rừng đầu nguồn không bị chặt phá, khai thác bừa bãi thì hậu quả chắc sẽ không nặng nề như thế. Đặc biệt, thời gian gần đây, khi lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn ở khu vực miền Trung, một nguyên nhân quan trọng nữa được nhận diện, đó là tai họa đến từ các công trình thủy điện.

Trước đây, mọi quy hoạch và công tác quản lý nguồn nước do Bộ Thủy lợi phụ trách. Lúc đó, hầu hết các hồ chứa vừa và nhỏ phục vụ yêu cầu sản xuất nông nghiệp. Sau đó, phần thủy điện được tách ra và phát triển rất mạnh trong thời gian qua do nhu cầu về năng lượng tăng nhanh. Việc quản lý hồ chứa được "chia sẻ". Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lo tưới tiêu, Bộ Công thương lo phát điện, Bộ Tài nguyên - Môi trường lo tác động môi trường... mà không có một cơ chế phối hợp, điều hành chung. Theo số liệu thống kê riêng tại Phú Yên, một trong những tỉnh đang chịu hậu quả nặng nề của đợt lũ theo thống kê có 43 công trình hồ chứa, riêng trên hệ thống sông Ba thuộc địa bàn tỉnh có 3 hồ chứa lớn gắn với 3 công trình thủy điện. Mặc dù khi tham gia xem xét các dự án thủy điện vừa và lớn, Bộ Thủy lợi, sau này là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đều yêu cầu các hồ chứa phải có nhiệm vụ chống lũ. Tuy nhiên, đến thời điểm này khả năng cắt lũ vẫn là… hạn chế lớn nhất của các hồ chứa thủy điện. Mặc dù đã có cơ chế vận hành liên hồ (mới được thông qua mấy tháng gần đây) nhưng mỗi hồ thủy điện lại thực hiện một kiểu để bảo vệ được công trình đập thủy điện mà mình quản lý, còn việc xả nước hậu quả thế nào thì… hạ du phải chịu.Hậu quả là lũ "nhân tạo" chồng lên lũ tự nhiên. Đã đến lúcphải xem lại công tác quy hoạch và quản lý hệ thống hồ chứa nước và thủy điện. Cũng cần có cơ chế kiểm tra, xử phạt thật nghiêm những trường hợp vận hành không theo quy trình, duy trì mức nước hồ quá cao trong mùa mưa, không kịp thời xả nước, nhất là khi đã có dự báo mưa lũ, dẫn đến tình trạng phải xả nước hồ cùng với thời điểm lũ tự nhiên đang về mà không theo Quy trình vận hành liên hồ chứa do Thủ tướng ban hành. 



Theo Kinh tế & Đô thị