Kiểm soát sự phát triển

(CTG) Đã có nhiều thương hiệu ra đời, phát triển rất lớn rồi lại biến mất trên thị trường. Theo tôi, nguyên nhân chính là do đội ngũ lãnh đạo của thương hiệu đã không tập trung xuyên suốt vào thế mạnh của mình.


Họ lớn mạnh và thay vì kiểm soát sự lớn mạnh ấy trong khuôn viên thế mạnh của mình thì bị cuốn theo sự lớn mạnh ấy. Hệ quả là mất kiểm soát và bị vượt mặt dù rằng tiềm lực rất lớn.

Do đó, khi cho ra đời một sản phẩm, dịch vụ..., điều đầu tiên mà Sony nghĩ đến là sản phẩm ấy, ngành nghề ấy có đúng với thế mạnh của mình hay không. Điều này giúp chúng tôi có thể kiếm soát được sự phát triển của chính mình.

Bên cạnh tính năng, chất lượng... khi cho ra đời một sản phẩm mới, doanh nghiệp nghĩ đến đến các chương trình truyền thông để người tiêu dùng biết được sản phẩm. Điều này không sai nhưng chưa đủ.

Song song với truyền thông, tác động từ chính bản thân sản phẩm mới là yếu tố khiến người dùng chọn hay không chọn sản phẩm.

Đó chính là lý do rất nhiều nhãn hàng khi đã đảm bảo chất lượng sản phẩm, thường chăm chút để sản phẩm của mình có khả năng tác động đến cảm quan đầu tiên khi tiếp xúc với sản phẩm như nhìn, cầm nắm...

Những tác động này tạo nên giá trị khác biệt cho sản phẩm. Sony cũng không là ngoại lệ và sự tăng trưởng khá nhanh của laptop Sony Vaio trên thị trường thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng minh chứng cho điều đó.

Tuy nhiên, chinh phục được số đông người dùng vẫn chưa phải là yếu tố giúp một thương hiệu trường tồn với thời gian.

Khi biết được thông tin Sony tung ra sản phẩm Vaio Z, dòng laptop cao cấp dành cho doanh nhân rất nhiều người đã cho rằng, đây là một hình thức Sony phủ nhận chính mình bởi trước đó, dòng laptop Vaio S của Sony cũng là dành cho đối tượng này.

Quan điểm này còn khắt khe hơn khi Vaio S của Sony vẫn đang là dòng sản phẩm chủ lực và được Sony tiếp tục cải tiến hơn nữa các sản phẩm, phục vụ cho dòng laptop Vaio S.

Tôi quan niệm, sự bằng lòng với chính mình là cách giết chết doanh nghiệp nhanh nhất. Thực tế, đòi hỏi từ phía người dùng luôn là sự phong phú. Sony Vaio S có mức tăng trưởng cao nhưng vẫn chưa làm hài lòng một số bộ phận khách hàng.

Để chinh phục đối tượng khách hàng khó tính hơn nữa, Sony buộc phải trang bị những yếu tố đặc biệt, từ chất liệu, công nghệ... cho sản phẩm khác. Như vậy, cho ra đời một dòng sản phẩm khác biệt hơn nữa để chinh phục số người dùng còn lại chính là giải pháp.

Nhiều người cho rằng, đối tượng khách hàng cao cấp mà Sony hướng đến khi cho ra đời Vaio Z là số ít, không đủ đảm bảo mức tiêu thụ an toàn cho một sản phẩm, nhất là trong bối cảnh kinh tế còn nhiều gam màu ảm đạm như hiện nay.

Tuy nhiên, bản thân mỗi sản phẩm đều có sức sống riêng. Tôi cho rằng, điều quan trọng là doanh nghiệp phải biết hoạch định như thế nào để phát huy sức sống trên thị trường.  


Theo DNS