Làm sao để các sáng kiến đổi mới không “chết yểu”?

(CTG) Để những ý tưởng lớn có cơ hội thành công, doanh nghiệp cần có một bản sắc rất đặc thù và đa dạng vượt lên trên những cải tiến đột phá.


Bí quyết gì giúp cho một số doanh nghiệp luôn có những cải tiến đột phá trong khi những doanh nghiệp khác cứ bài cũ diễn đi diễn lại? Trong một bài viết, Michael L. Tushman, trường Quản trị Kinh doanh (QTKD) Harvard; Wendy K. Smith, trường QTKD Alfred Lerner (Đại học Delaware; Andy Binns, công ty tư vấn Change Logic đã cùng mổ xẻ nguyên nhân vì sao nhiều công ty không thể đổi mới và liệt kê ba bước để lãnh đạo doanh nghiệp có thể giải quyết vấn đề này.


Tại sao những sáng kiến cải tiến lại chết yểu

Đối với một công ty đang phải gồng mình lên để tồn tại thì những sáng kiến cải tiến dường như không phải là hướng đi hợp lý cho lắm. Chúng hầu như chỉ gây sự chú ý ở khía cạnh làm hao tổn các nguồn lực vốn đã cạn kiệt, thậm chí đe dọa cả công việc kinh doanh chính của công ty. Mà ở các công ty, rất hiếm gặp chức danh lãnh đạo cấp cao cho lĩnh vực cải tiến và đổi mới nên thường thì các trưởng phòng ban – những người không mong muốn thay đổi nhất - lại là người quyết định có thực hiện hay không thực hiện một dự án mới. Trong khi đó, các CEO chỉ đóng vai trò trung gian để vận động các trưởng phòng ban ủng hộ một dự án mới thay vì đứng ra can thiệp.

Nhưng doanh nghiệp hoàn toàn có thể tránh được lối mòn đó. Dưới đây là cách doanh nghiệp bảo vệ và dành cho những những sáng kiến cải tiến sự quan tâm thích đáng.

1. Đảm bảo bản sắc doanh nghiệp có thể gánh đươc cú sốc của sự thay đổi

Để những ý tưởng lớn có cơ hội thành công, doanh nghiệp cần có một bản sắc rất đặc thù và đa dạng vượt lên trên những cải tiến đột phá. Nếu thay đổi toàn bộ bản sắc của doanh nghiệp là một đòi hỏi quá lớn, hãy để một phòng ban trong công ty đứng ra.

Polaroid và Kodak là hai công ty bước vào kỷ nguyên ảnh số với những bản sắc rất khác nhau. Trong những năm đầu thập kỷ 90, Polaroid là chủ của chiếc máy ảnh số hiện đại nhất trên thị trường lúc bấy giờ. Nhưng công ty này không cho rằng có ai đó lại ưa chuộng loại máy ảnh không cần phim. Chính vì nhìn nhận sai lầm này, Polaroid đã phải tuyên bố phá sản. Trong khi đó, Kodak coi mình là một công ty ‘imaging” (hình dung, tưởng tượng) và chọn con đường đến với sản phẩm kĩ thuật số khá là chông gai nhưng lại hết sức thành công.

Tương tự, ngành đường sắt phải hứng những thất bại ê chề khi xe hơi trở nên phổ biến. Lý do là, ngành đường sắt luôn đặt mình ở địa vị chủ sở hữu những tuyến đường sắt và đầu tàu chứ không phải là một nhà cung ứng dịch vụ vận tải.

2. Đấu tranh giành “công lý” ở cấp lãnh đạo chóp bu

Những tranh cãi xoay quanh việc cấp hay không cấp kinh phí cho những sáng kiến đổi mới nằm ngoài vùng “phủ sóng” của các nhà lãnh đạo cấp cao nhất là chuyện quá phổ biến. Hewlett-Packard là một ví dụ. Công ty này đang làm ăn phát đạt với máy scan phẳng thì một nhóm nhỏ trong tổ scan đưa ra ý tưởng làm máy scan cầm tay với các chức năng không thua kém gì máy scan phẳng. Tổ scan đề xuất ý định đó với ban lãnh đạo công ty và được cấp kinh phí 10 triệu USD để phát triển sản phẩm máy scan cầm tay. Song, số tiền đó cuối cùng lại rót sang ngân sách của máy scan phẳng.

Thông thường, các chức danh cấp cao trong đội ngũ lãnh đạo thường không dính đến đổi mới, cải tiến. Chính vì thế, các giám đốc cấp thấp hơn là người “cầm trịch” khi có xung đột giữa hoạt động kinh doanh chính với dự án đổi mới. Hiển nhiên, họ sẽ giải quyết theo hướng có lợi nhất cho mình. Và đây là lý do người lãnh đạo chủ chốt nhất công ty phải là người ra quyết định phân bổ kinh phí, nguồn lực cho các dự án cải tiến. Để làm được thế, phải thiết lập một phòng ban riêng chuyên biệt cho những dự án đổi mới. Tất nhiên sẽ rất mệt mỏi khi dành quá nhiều thời gian và sức lực cho những dự án chưa chắc đã “mần ăn” gì nhưng không thể khác được nếu muốn đổi mới.

3. Không lấy công việc kinh doanh chính để cân đo đong đếm các sáng kiến cải tiến

Cần khuyến khích những nhân viên làm việc trong các dự án mới tích cực thử nghiệm ngay cả khi các phòng ban khác luôn bị ép phải “quân lệnh như sơn”, không được để xảy ra bất kỳ sai sót gì. Ban lãnh đạo phải thường xuyên dịch chuyển các nguồn lực từ dự án cải tiến sang hoạt động kinh doanh chính và ngược lại để đảm bảo đáp ứng nhu cầu của các bên đúng lúc, đúng chỗ.


Theo Học Làm Giàu