Những con số đó đã phần nào nói lên sự phát triển nhanh chóng của đội ngũ luật sư (so với chỉ hơn 2.000 luật sư tại thời điểm cuối năm 2006), đồng thời cũng cho thấy sự phát triển không đồng đều của hoạt động hành nghề luật sư tại các địa phương.
Tuy nhiên, nếu so sánh với số lượng học viên đã được cấp chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ luật sư đến thời điểm này là gần 16.000, thì có thể thấy một tỉ lệ gần 2/3 số người đã qua đào tạo luật sư không chọn con đường hành nghề luật sư chuyên nghiệp. Nguyên nhân là do sau khi đào tạo, để trở thành luật sư chuyên nghiệp, cần phải trải qua thời gian tập sự gấp 3 lần thời gian đào tạo và tốt nghiệp kỳ thi “sát hạch” do Bộ Tư pháp tổ chức.
Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 theo Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 5/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra yêu cầu cần phải phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng; theo hướng chuyên nghiệp hóa, tạo lập môi trường và điều kiện thuận lợi để hoạt động luật sư phát triển theo thông lệ quốc tế, chuyên sâu trong một số lĩnh vực, có khả năng cạnh tranh cao… đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
Chiến lược này cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2020 phải có từ 18.000-20.000 luật sư, mỗi năm đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề luật sư cho từ 800-1.000 luật sư, đảm bảo tỉ lệ luật sư trên số dân khoảng 1/4.500, trong đó có khoảng 150 luật sư có khả năng tư vấn, tham gia giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế…
Nhìn vào thực chất đội ngũ luật sư và thực trạng hành nghề luật sư hiện nay ở nước ta, so sánh với yêu cầu và đòi hỏi của chiến lược phát triển nghề luật sư, không phải ai cũng dám chắc chúng ta sẽ hiện thực hóa được mục tiêu này. Lý do:
Thứ nhất, chất lượng đào tạo chưa tương xứng với yêu cầu của phát triển trình độ của luật sư. Hiện nay, chúng ta chỉ có duy nhất Học viện Tư pháp thực hiện chức năng đào tạo luật sư trên cả nước, gồm có 2 cơ sở tại Hà Nội và TP.HCM.
Ngoài cơ sở chính tại Hà Nội tạm ổn, cơ sở tại TP.HCM hiện nay đang phải tạm thời đi thuê một số phòng học của trường khác, cán bộ, giáo viên và học viên đang phải tạm thời sử dụng hệ thống phòng học, bàn ghế đã xuống cấp, chật chội, tạm bợ...
Bên cạnh đó, mặc dù nguồn tuyển đầu vào là cử nhân luật, nhưng lại không sàng lọc trình độ (chính quy hay tại chức, thậm chí cả các trường có đào tạo chuyên ngành gần với luật cũng được tuyển), không tổ chức thi tuyển đầu vào...
Điều kiện thực hành kỹ năng tại lớp cũng hạn chế, thậm chí không thể thực hiện được. Hệ thống giáo trình, tài liệu giảng dạy còn chưa phù hợp với yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư, chưa có đào tạo về tiếng Anh chuyên ngành luật trong thời gian đào tạo luật sư trên lớp.
Chất lượng và tỉ lệ tốt nghiệp cũng vì thế mà hạn chế, trung bình chỉ từ 60-70%, thậm chí có khóa chỉ có 50% sinh viên tốt nghiệp!
Thứ hai, công tác hướng dẫn tập sự hành nghề luật sư hiện nay cũng đang bị thả nổi và không được quan tâm sát sao. Việc hướng dẫn tập sự cũng còn nhiều quan điểm thiếu thống nhất, chẳng hạn luật không quy định cụ thể nhưng Liên đoàn Luật sư VN lại cho rằng luật sư nước ngoài không được hướng dẫn tập sự cho luật sư trong nước.
Bên cạnh đó, rất nhiều trường hợp luật sư tập sự còn bị gây khó dễ, luật sư hướng dẫn không quan tâm, chỉ bảo tận tình, bản thân luật sư tập sự cũng không chịu học hỏi, chỉ “đánh trống ghi tên” cho đủ thời gian 18 tháng… khiến cơ hội cọ xát, nâng cao trình độ cũng hạn chế.
Thứ ba, vai trò của luật sư trong quá trình tham gia tố tụng, nhất là trong các vụ án hình sự đang bị xem nhẹ; các cơ quan tố tụng thường xuyên vi phạm quy định về thời gian cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư, thậm chí xuất hiện tình trạng “xin-cho” trong việc cấp giấy chứng nhận bào chữa…
Vị thế của luật sư khi tham gia tranh tụng, trong mối quan hệ với đại diện Viện Kiểm sát còn chưa được cân bằng, nhiều trường hợp thiếu tôn trọng luật sư khi đại diện VKS phớt lờ việc tranh tụng với luật sư, bảo thủ quan điểm của mình, nhiều thẩm phán cũng thiếu coi trọng phần bào chữa, chứng cứ và lập luận của luật sư…
Thứ tư, chất lượng đội ngũ luật sư hiện rất yếu, nhất là tham gia giải quyết tranh chấp quốc tế, một bộ phận không nhỏ luật sư có nguồn đầu ra từ một số cơ quan tư pháp, thậm chí cả những người có bằng luật nhưng lại làm công tác chẳng liên quan gì đến luật vài chục năm, khi nghỉ hưu cũng đi… làm luật sư!
Cơ hội cọ xát quốc tế, nâng cao trình độ ở nước ngoài của luật sư lại càng hiếm hoi, chủ yếu một bộ phận nhỏ luật sư trẻ có khả năng về tài chính và trình độ đi học nước ngoài, chưa có chương trình lớn của quốc gia về việc này.
Rõ ràng, số lượng luật sư cần đạt được là quan trọng, nhưng chạy theo số lượng mà chưa có chiến lược cụ thể nâng cao chất lượng thì không thể có được chất lượng hành nghề luật như mong muốn.
Ở nước bạn Singapore, việc đào tạo và tập sự của luật sư bên bạn ngắn hơn ta nhiều (chỉ cần 6 tháng tập sự và trải qua kỳ thi khắt khe), nhưng chất lượng luật sư rất cao. Đó là điều mà các nhà hoạch định cần quan tâm.
Theo DNSG