Làng thanh niên lập nghiệp: Chốt bảo vệ chủ quyền biên giới

(CTG) Sau 5 năm thực hiện, Dự án 18 làng thanh niên lập nghiệp nơi biên cương Tổ quốc đã gặt hái được những thành công đáng kể. Đúng như đánh giá của ông Hoàng Xuân Lương, Phó chủ nhiệm ủy ban Dân tộc, 18 làng ấy không chỉ bắt những vùng đất cằn khô “nhả vàng” mà còn giữ vai trò là chốt bảo vệ chủ quyền an ninh nơi biên giới.


Chế biến chè tại Làng thanh niên lập nghiệp Tây Sơn (Hà Tĩnh)

Chuyện vui của một đội viên


Cách đây hơn 2 năm, Na Ngoi vẫn là cái tên xa lạ với mọi người. ở đó, cả một dải đất được bao phủ bởi hoa anh túc (cây thuốc phiện), cuộc sống của người dân chìm trong đói nghèo, lạc hậu. Khung cảnh đó giờ chỉ còn trong dĩ vãng, Na Ngoi đã và đang thay đổi từng ngày. Đâu đâu cũng thấy màu xanh của lúa, chè và các loại cây trồng khác. Hàng ngày, Na Ngoi nhộn nhịp tiếng nói cười của các nam thanh nữ tú, tiếng nô đùa, líu lo của trẻ thơ, sự thay đổi ấy có được là bởi Na Ngoi có bàn tay của sức trẻ. 

Làng thanh niên lập nghiệp Na Ngoi được thành lập năm 2008 tại Na Ngoi, xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Dân cư chủ yếu là người Mông, Thái, Khơ Mú.

Khi mới thành lập, làng chỉ có 12 hội viên, là những thanh niên mang trong mình khát vọng, hoài bão của tuổi trẻ.

Anh Hà Văn Tiến, đội viên của làng cho biết: anh là một trong số ít thanh niên tình nguyện tham gia vào đội ngũ chủ chốt, với nhiệm vụ cùng Ban quản lý làng thực hiện một số mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, làm công tác dân vận, hướng dẫn bà con phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế trang trại bền vững để từ đó nhân ra diện rộng. “Bước đầu chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn do chưa thích ứng với điều kiện sinh hoạt nơi đây. Nhưng với quyết tâm xây dựng đời sống mới, vươn lên làm giàu, chúng tôi từng bước vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống”, anh Tiến tâm sự. 

Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, gây dựng đời sống mới, các đội viên còn được cấp trên giao rất nhiều nhiệm vụ ở nhiều lĩnh vực khác nhau như làm công tác dân vận; xây dựng quan hệ gắn bó giữa nhân dân với đơn vị; tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho nhân dân; vận động các hộ thanh niên địa phương tham gia xây dựng làng; hướng dẫn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, giúp nhân dân chuyển đổi lề lối làm ăn,...

Khi tham gia xây dựng, làng thanh niên lập nghiệp Na Ngoi, anh Tiến cũng như nhiều đội viên khác được Ban quản lý làng giao cho 3, 6ha đất. Vùng đất gần khe suối này giúp anh có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, mỗi năm trang trại cũng mang lại cho anh thu nhập khoảng 30 triệu đồng. “Số tiền không nhiều nhưng tôi đã nhìn thấy tương lai tươi đẹp của mình. ở đây tôi và các đội viên đã gây dựng cuộc sống mới và điều quan trọng hơn, chúng tôi góp phần nhỏ bé làm hồi sinh vùng đất mới, giúp bà con thoát khỏi những ngày u ám, chìm ngập trong khói thuốc và đói nghèo, từng bước vươn lên...”.

Không sợ khó

Anh Tiến chỉ là một trong số hàng nghìn thanh niên đang ngày đêm miệt mài làm việc, phát triển kinh tế tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Với họ không có việc gì khó, điều quan trọng là có hướng đi đúng. 


Màu xanh mơn mởn của các vùng chè ở làng thanh niên lập nghiệp đã thay thế
cho màu trắng của hoa anh túc một thời.
 

Theo Ban Thanh niên xung phong (Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), hầu hết thanh niên tham gia dự án xây dựng 18 làng thanh niên đều có độ tuổi từ 18-25, sức khỏe tốt và có tinh thần tình nguyện vượt khó, đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa thanh niên địa bàn và nơi khác đến. Đến nay, cả nước đã có 970 hộ gia đình trẻ đến sống ở những làng thanh niên lập nghiệp với gần 3.000 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số hơn 1.500 người, chiếm 53,62%. Dự án làng thanh niên lập nghiệp đã giải quyết việc làm cho 1.680 lao động. Đến tháng 6/2010, các dự án đã trồng mới, chăm sóc 357ha rừng phòng hộ, 783ha rừng kinh tế, trên 16.000ha rừng sản xuất. 


Đánh giá về hiệu quả của các dự án, ông Tạ Văn Hạ, Trưởng ban Thanh niên xung phong cho rằng: “Đồng thời với việc ổn định dân cư, phát triển sản xuất, đóng góp lớn nhất của các làng thanh niên lập nghiệp là đẩy mạnh tuyên truyền phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, tuần tra đường biên, mốc giới, cảnh giác với các đối tượng tội phạm qua biên giới. Chủ động đối phó với các tình huống ảnh hưởng đến an ninh trật tự”.

Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2010, các làng đã phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng tuần tra, phát hiện và bắt giữ 4 đối tượng người nước ngoài không rõ lai lịch, xâm nhập trái phép vào Việt Nam

 

Theo Kinh tế nông thôn