Lấy ý kiến góp ý của cán bộ chủ chốt Đoàn, Hội, Đội vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

(CTG) Chiều nay 26/10/2020 tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý của cán bộ chủ chốt Đoàn, Hội LHTN Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam, Hội đồng Đội Trung ương vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

 

Dự và chủ trì Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Đỗ Văn Phới; anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam; anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương.

Quang cảnh Hội nghị.

Cùng dự còn có Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Phước Lộc; PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương; đại diện thành viên Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc lấy ý kiến Nhân dân góp ý Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; các anh, chị Ủy viên BTV, BCH Trung ương Đoàn; đại diện lãnh dạo các ban, đơn vị, các đơn vị sự nghiệp của Trung ương Đoàn; các đảng viên trẻ, cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên, sinh viên trên các lĩnh vực.

Anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam phát biểu đề dẫn Hội nghị.

Khai mạc và đề dẫn Hội nghị, anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam cho biết, nhận thức rõ tầm quan trọng và ý nghĩa của đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Trung ương Đoàn đã tổ chức 4 đợt hoạt động cao điểm trong năm chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn và các sự kiện quan trọng của Đảng, của đất nước.

Việc tham gia góp ý Văn kiện Đại hội XIII của Đảng gắn với quá trình tham gia góp ý văn kiện Đại hội  Đảng cấp cơ sở, cấp trên cơ sở và cấp tỉnh được các cấp bộ Đoàn triển khai với nhiều cách làm đa dạng, sáng tạo, như sinh hoạt chi đoàn theo chủ điểm với chủ đề “Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng - Nhận thức và hành động của tuổi trẻ”; tổ chức các diễn đàn, hội nghị chuyên đề, hội thảo khoa học; tổ chức lấy ý kiến góp ý của đoàn viên, thanh niên trên internet, mạng xã hội; lấy ý kiến thông qua hệ thống báo chí của Đoàn. Các ý kiến đóng góp ý kiến của cán bộ, đoàn viên, thanh niên đều được các cấp bộ tổng hợp gửi tới Mặt trận Tổ quốc, Tiểu ban Văn kiện và các ban xây dựng Đảng cùng cấp.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai trò chuyện cùng các đại biểu tham dự Hội nghị.

Qua theo dõi tổng hợp bước đầu cho thấy: 100% Đoàn cơ sở, Đoàn cấp huyện và đoàn cấp tỉnh đều xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động đóng góp ý kiến vào văn kiện Đại hội XIII của Đảng; các nội dung góp ý của tuổi trẻ cả nước được các cấp ủy đảng đánh giá cao; có nhiều ý kiến tâm huyết, thắng thắn, trực diện, khách quan. Những kết quả bước đầu nêu trên đã và đang tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của tuổi trẻ cả nước thiết thực chào mừng Đại hội XIII của Đảng.

Đây là hội nghị đầu tiên trong tổng số 6 hội nghị được tổ chức để lấy ý kiến góp ý của cán bộ Đoàn, Hội, Đội, các tầng lớp thanh niên vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Góp ý vào dự thảo văn kiện, các đại biểu khẳng định: dự thảo văn kiện đã đưa ra được những định hướng và giải pháp trọng dụng nhân tài, là bước đột phá, thể hiện tầm nhìn và sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Từ đó, mở ra cơ hội cho “nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao” được cống hiến và đóng góp trí tuệ, tài năng cũng như thực hiện trách nhiệm của những người trẻ đối với đất nước.

Các đại biểu tham dự Hội nghị đóng góp ý kiến vào văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Các đại biểu cho rằng, trong dự thảo văn kiện cần nêu rõ những cơ chế, chính sách cụ thể tạo động lực để thu hút nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao theo hướng quan tâm đúng mức tới lợi ích kinh tế để nhân tài quyết định gắn bó, cống hiến với cơ quan, đơn vị.

Theo TS. Trương Ngọc Kiểm, Bí thư Đoàn Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng cần đổi mới văn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo phát triển nguồn nhân lực trình độ cao; đa dạng hóa các loại hình giáo dục và đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người, ở mọi lứa tuổi được học thường xuyên, liên tục, suốt đời. Bên cạnh “Sắp xếp, đổi mới căn bản hệ thống các cơ sở đào tạo sư phạm” như trong dự thảo Báo cáo chính trị đã xác định, đề nghị bổ sung chủ trương, giải pháp về cơ chế, chính sách để hình thành một số cơ sở đào tạo sư phạm đạt chất lượng cao trong khu vực. Đây là đòi hỏi của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; phù hợp với đặc thù của lĩnh vực đào tạo sư phạm.

Cũng liê quan đến vấn đề giáo dục, văn hóa xã hội Bí thư Thành đoàn TP HCM Phan Thị Thanh Phương kiến nghị, cần phát huy, xây dựng con người tử tế, giàu lòng nhân ái, khoan dung…; gìn giữ văn hóa gia đình, hướng tới việc xây dựng gia đình hạnh phúc, văn minh. “Vấn đề gia đình trẻ hiện nay cần được quan tâm. Hiện nay, khoảng cách thế hệ, tính bền vững của gia đình, đặc biệt là gia đình trẻ là một vấn đề. Như TP HCM vừa đánh giá, tỷ lệ tổng số sinh của thành phố rất thấp. Việc sinh con đủ này sẽ duy trì được tỷ lệ dân số vàng cho đất nước”, chị Phương nói.

Đồng thời mong muốn, cần có chuyên đề về xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc, có các giải pháp cần thiết để giới trẻ quan tâm đến xây dựng gia đình, sinh đủ con và nuôi dạy con ngoan, tiến bộ…

Bên cạnh đó, cần có Nghị quyết chuyên đề về giáo dục lòng yêu nước cho công dân Việt Nam giai đoạn 2021 – 2045. Phải bắt nguồn từ trẻ em, bồi đắp cho thanh thiếu nhi. Người trưởng thành phải làm gương, phải đầu tư thiết chế văn hóa, địa điểm, địa danh lịch sử, không gian văn hóa… để lan tỏa ra mọi người. Cùng với đó, cần định hướng văn hóa thưởng thức cho thanh thiếu nhi vì hiện nay, dường như văn hóa dân tộc, văn hóa dân gian đang lép vế hơn so với văn hóa ngoại nhập. Chị Phương cũng cho rằng, nên quản lý mạng xã hội, sản phẩm truyền hình để định hướng tư tưởng thẩm mỹ cho người dân, đặc biệt là giới trẻ.

Một số ý kiến nêu quan điểm trong văn kiện của Đại hội XIII cần xác các định giải pháp đột phá về chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng xoay trục từ “giảm nghèo” sang “làm giàu”. Theo TS Hà Việt Quân, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Ủy ban Dân tộc, Ủy viên Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam cho rằng, trong dự thảo Báo cáo chính trị đã xác định “Chú trọng tính đặc thù của từng vùng dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, cần tập trung đầu tư nhiều hơn cho những những người dân tộc thiểu số biết sáng tạo phát triển sản xuất kinh doanh và làm giàu. Trong đó, lực lượng thanh niên là nòng cốt.

"Cần hướng tới những đối tượng, những mô hình biết cách làm ăn, làm giàu trong đồng bào dân tộc thiểu số, điển hình là những thanh niên dân tộc thiểu số khởi nghiệp khởi sự kinh doanh thành công để họ trở thành những đầu tàu, hạt nhân phát triển kinh tế xã hội ở vùng này. Văn kiện cần đề cập đến nội dung "xoay trục" này tự hỗ trợ lẫn nhau" TS Hà Việt Quân nói.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai  phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai ghi nhận sự chủ động của Trung ương Đoàn trong việc sớm có cách thức và hình thức lấy ý kiến góp ý của đoàn viên, thanh niên. Đồng thời nhấn mạnh thế hệ trẻ luôn là động lực phát triển trong tầm nhìn chiến lược dài hạn đề ra trong các dự thảo văn kiện. “Tôi nghĩ rằng thế hệ trẻ nên suy nghĩ về những thách thức cơ hội trong 5, 10, 15 năm tới. Thế hệ trẻ sẽ tiếp cận vấn đề này như thế nào để tận dụng được toàn bộ cơ hội. Học hành phải giỏi hơn để đổi mới sáng tạo, để ứng dụng khoa học công nghệ, để trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao và vượt qua những thách thức”, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nói.

Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đề nghị các cấp Đoàn, Hội, Đội tiếp tục nghiên cứu sâu, nhất là nội dung về thế hệ trẻ, thảo luận và đóng góp ý kiến tập trung cho các dự thảo văn kiện trình Đại hội lần này. Tại hội nghị, nhiều điểm mới trong dự thảo các văn kiện đã được các đại biểu tham luận đóng góp ý kiến. Trong đó, định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số được thế hệ thanh niên đặc biệt quan tâm. Không chỉ đổi mới mô hình tăng trưởng, những vấn đề về phát triển, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng những hệ giá trị chuẩn mực của người Việt Nam cũng là những điểm mới trong dự thảo các văn kiện được thế hệ trẻ quan tâm.

Anh Kiệt