Mô hình “Lốp xe cứu hộ” của đoàn xã Quỳnh Hậu giúp giảm tai nạn đuối nước. |
Buộc lốp xe dọc bờ kênh, dùng loa tuyên truyền tự động bằng năng lượng mặt trời… là những biện pháp mà Đoàn Thanh niên ở Nghệ An và Hà Tĩnh đang áp dụng để phòng chống đuối nước cho trẻ.
Lốp xe cứu hộ
Từ những vật dụng tưởng chừng bỏ đi như lốp xe máy cũ, ống nhựa qua sử dụng…, các bạn trẻ ở xã Quỳnh Hậu, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã tận dụng và tạo ra những chiếc phao cứu hộ, góp phần giảm tai nạn đuối nước ở trẻ em và phục vụ cho lớp dạy bơi hè năm 2021.
Những chiếc lốp, săm xe đạp, xe máy cũ, sau khi kết lại, được sơn màu sáng để dễ nhận biết, buộc vào các cột mốc dọc bờ kênh. Việc này giúp thanh thiếu niên và người dân có điểm níu để lên bờ, khắc phục tình trạng bờ kênh dốc, trơn, trượt và khoảng cách bậc lên xuống xa nhau. Ngoài ra, các bạn trẻ còn tận dụng chai nhựa quấn quanh lốp xe làm các phao di động, buộc vào thành cầu, dùng trong các trường hợp khẩn cấp.
Chiếc “phao cứu sinh” từ lốp xe cũ giúp các em nhỏ cảm thấy an tâm khi tắm trên kênh, được người dân ghi nhận, đánh giá cao. Thời gian qua, đoàn xã Quỳnh Hậu đã hoàn thành việc căng 10 dây lốp xe ngang qua kênh ở 3 điểm kênh dẫn nước có nhiều người bơi lội trên địa bàn xã.
Huyện Đoàn Quỳnh Lưu cho nhân rộng mô hình này trên tất cả các cơ sở đoàn. Đến nay, cơ bản 33 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã triển khai hoàn thành mô hình.
Anh Đặng Ngọc Minh, Bí thư Huyện Đoàn Quỳnh Lưu cho biết, đây là một trong những mô hình hay, giúp giảm thiểu tai nạn thương tích đuối nước, phù hợp với tổ chức Đoàn vì kinh phí phù hợp.
“Chúng tôi sử dụng tối đa những vật liệu tái chế, vừa tiết kiệm chi phí vừa góp phần bảo vệ môi trường. Cùng với mô hình này, huyện Đoàn cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát, phát hiện kịp thời các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em trong dịp nghỉ hè, cũng như mùa mưa bão sắp đến”, anh Minh nói.
Nhận thấy hiệu quả từ mô hình “lốp xe cứu hộ”, các bạn đoàn viên, thanh niên huyện Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Thanh Chương,… cũng đã triển khai thực hiện.
Nghệ An là một trong những địa phương có nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm, đặc biệt là đối với trẻ em. Bên cạnh cắm biển cảnh báo, phát tờ rơi, tuyên truyền bằng loa phát thanh,…mô hình “lốp xe cứu hộ” là một trong những sáng tạo hiệu quả của tuổi trẻ Nghệ An trong phòng chống đuối nước.
Dùng loa năng lượng mặt trời để cảnh báo
Bên cạnh cắm cảnh báo tại các khu vực hồ nguy hiểm; phát loa tuyên truyền lưu động, mở lớp dạy bơi miễn phí, mới đây tuổi trẻ Hà Tĩnh đã triển khai mô hình loa phát thanh cảnh báo đuối nước bằng năng lượng điện mặt trời kết hợp điểm phao cứu sinh. Đây được xem là mô hình sáng tạo gắn với thực tiễn sau nhiều vụ đuối nước xảy ra trong thời gian qua.
Thác Khe Xai xã Thạch Xuân (huyện Thạch Hà), là điểm đầu tiên được lắp ráp mô hình phao cứu sinh và loa tuyên truyền tự động bằng năng lượng mặt trời. Ở đây, xung quanh là núi rừng, dân cư ít, không có điện, mùa hè nhiều người lui tới để tắm mát. Đây là khu vực đã xảy 5 vụ đuối nước.
Hằng ngày, từ 16h đến 18h30, thời điểm có người đến tắm, loa sẽ tự động phát tuyên truyền. Cùng với đó, có hệ thống camera giám sát nên chính quyền địa phương sẽ theo dõi được số lượng người đến tắm ở khu vực này. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình, sau gần một tháng nhân rộng, đến nay trên các cấp bộ Đoàn, Hội Hà Tĩnh đã mở rộng xây dựng tại 15 điểm có nguy cơ đuối nước cao.
Anh Lê Thành Đông, Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh chia sẻ, những địa điểm xảy ra đuối nước là khu vực các ao hồ, sông suối, nơi ít người qua lại. Mô hình phao cứu sinh và loa tuyên truyền bằng năng lượng mặt trời được xây dựng sau nhiều vụ tai nạn đuối nước xảy ra. Trong số đó có những nạn nhân chính là người đi cứu người bị đuối nước.
“Với mong muốn đảm bảo an toàn cho người đi cứu người đuối nước, tại các điểm xung yếu, nguy hiểm được trang bị phao cứu sinh. Phao được trang bị dây móc, khi thấy có người gặp nạn chỉ cần ném ra rồi kéo nạn nhân vào bờ. Còn loa chạy bằng năng lượng điện mặt trời hoàn toàn tự động, cứ đến giờ buổi chiều là sẽ tự phát, cảnh báo người đến khu vực này. Mỗi mô hình xây dựng ở một điểm có giá trị 10 triệu đồng”, anh Đông nói.
6 tháng đầu năm, các cơ sở Đội ở Hà Tĩnh đã tổ chức trên 90 lớp dạy bơi cho 2.340 thiếu nhi gắn với 1.450 biển cảnh báo tại những vũng nước sâu nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước; xây dựng 2 bài phát thanh với trên 96 ngàn lượt tuyên truyền lưu động ở những địa bàn dân cư và trường học. Sở LĐ-TB&XH Nghệ An cho biết, từ năm 2019 đến ngày 30/4/2021, toàn tỉnh có 119 vụ trẻ em bị đuối nước, làm 130 em tử vong. Tính riêng 4 tháng đầu năm 2021 đã có 16 vụ, làm 16 trẻ tử vong. |
Theo TP