Lý thì gian mà tình cũng chẳng ngay!

(CTG) Người Việt chúng ta khi suy xét vấn đề gì, cũng nghĩ đến cả lý và tình. Làm việc gì cũng phải thấu tình đạt lý, thì mới là người tử tế. Trên đời này có 2 loại người: 1 là không chú ý gì tới cái lý, 2 là không quan tâm gì đến cái tình. Nhưng hóa ra trên đời này còn 1 loại nữa. Đó là loại không chú ý tới cái lý mà cũng chẳng cần đến cái tình.


Trong khi các phim bom tấn của Mỹ đều đặn dội bom vào các rạp chiếu phim, thu hút hàng triệu đô la từ những khách hàng ngày càng chán nản với các bộ phim VN dễ dãi, nhàm chán và rẻ tiền; thì vụ kiện cáo giữa 2 nữ biên kịch không còn trẻ và 1 đạo diễn đã có thể gọi là già của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương dường như là 1 trong những sự kiện đáng xem nhất của làng điện ảnh nước nhà.

Mạnh tay ném đá...

Vai trò của biên kịch trong sự thành công của một bộ phim không phải là không có, tuy nhiên điện ảnh là một ngành nghệ thuật đặc biệt. Đạo diễn phải sáng tác lại trên một cái phác thảo thô sơ là kịch bản. Và trong rất nhiều trường hợp, tác phẩm không còn nhiều điểm chung so với kịch bản ban đầu.

Có thể là bất công, nhưng đó đang là thực tế trong ngành điện ảnh. Và nếu ai đó cho rằng họ xứng đáng là tác giả của một tác phẩm điện ảnh, thì tại sao không thử sức trong vai trò đạo diễn xem sao? Chấp nhận vai trò "bèo bọt" của một nhà biên kịch, hẳn phải có một lý do nào đó!

Ngày 6/7, nhà biên kịch Phan Thanh Tú đã gửi kiến nghị lên Bộ VH- TT- DL về kết quả xét tặng Giải thưởng Nhà nước ở Hội đồng cấp Bộ đối với cụm công trình của đạo diễn Nguyễn Thước gồm Sự nhọc nhằn của cát, Những công dân @, Chất xám. Trong đơn có sự đồng thuận của người đồng nghiệp Phan Huyền Thư.

Hai nữ biên kịch khẳng định, ông Nguyễn Thước xin xét tặng Giải thưởng Nhà nước cho các bộ phim trên với tư cách tác giả là không đúng, vì tác giả kịch bản và lời bình mới thật sự là tác giả sáng tác của lĩnh vực văn học nghệ thuật.

Về phía người bị kiến nghị, ông Nguyễn Thước khẳng định chỉ đưa cụm 3 tác phẩm đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước với tư cách đạo diễn và nếu Phan Thanh Tú hay Phan Huyền Thư muốn được xét trao Giải thưởng Nhà nước với tư cách biên kịch cùng 3 tác phẩm này cũng vẫn được chấp nhận.

Mạnh tay ném đá vào nhà người khác như thế này, chắc hẳn Phan Huyền Thư không nghĩ rằng nhà mình cũng làm bằng kính? Nhưng đọc kịch bản Chất xám, sao thấy những đoạn văn giống đến từng dấu chấm, dấu phẩy với bài báo Tâm thế làm thuê - làm chủ của một nữ nhà báo từng là đồng nghiệp với Phan Huyền Thư?

Rồi không đến nỗi chép nguyên vẹn, vẫn trong Chất xám, Phan Huyền Thư lại xào bài Nữ tiến sĩ trẻ nhất VN đã đăng trên Thanh Niên (12.2007). Xem phim Chất xám cũng thấy rõ trong lời bình hay hình ảnh có nhắc nhiều đến Lê Bá Khánh Trình - nhân vật không xa lại sau bài báo cũng của đồng nghiệp trên.

Bài báo Lê Bá Khánh Trình bây giờ... vào thời điểm ra đời (11.2007) đã là sự quan tâm đặc biệt trên các diễn đàn của giới trẻ vì những trao đổi và nhận xét cá nhân của tác giả với Lê Bá Khánh Trình- một trong nhân vật đạt giải Toán quốc tế và đã từng là thần tượng của trí thức VN.

Không biết Phan Huyền Thư và tác giả bài báo có thỏa thuận nào về tác quyền hay không, và thỏa thuận đó có được văn bản hóa đúng theo quy định của pháp luật hay không. Nhưng chắc chắn sẽ có nhiều chuyện để xem nữa, nếu lại có một khiếu kiện từ tác giả và tờ báo liên quan gửi đến Bộ VH- TT- DL về tư cách tác giả của Phan Huyền Thư với kịch bản Chất xám?

Liệu chị có còn giữ được cái danh biên kịch xuất sắc nhất cho Chất xám khi người ta thấy rõ chị đã "luộc" những gì từ các bài báo của đồng nghiệp?



Một cảnh trong phim "Chất xám"


Không có lý, mà cũng chẳng cần tình

Có thể không phải ai cũng sẽ cư xử như Phan Huyền Thư, nhưng rõ ràng các lập luận chống chế của chị sẽ thiếu sức thuyết phục, khi các cơ quan chức năng xem xét các bản chụp bài báo gốc và kịch bản của bộ phim.

Phan Thanh Tú, Phan Huyền Thư đều đã nhận được giải biên kịch xuất sắc bằng Chất xám và Sự nhọc nhằn của cát. Nhưng ai cũng biết Ban Giám khảo chỉ chấm giải cho các chị dựa trên bộ phim mà đạo diễn Nguyễn Thước đã làm chứ không hề đọc kịch bản.

Không biết 2 nhà biên kịch này nếu chỉ mang 2 hoặc nhiều hơn các kịch bản của họ để dự Giải thưởng Nhà nước bằng văn bản mà không có phim kèm theo thì cấp xét duyệt nào sẽ xét đến những văn bản xáo xào ấy?

Đó là chưa kể thêm, nhà báo ĐDH - một cây bút viết phóng sự tài liệu đang đi công tác xa, khi đọc các bài báo mà Phan Huyền Thư "đăng đàn diễn thuyết" thời gian qua cũng rất bức xúc. Anh đã gọi điện cho đạo diễn Nguyễn Thước để nói khi về HN sẽ kể cho đạo diễn Nguyễn Thước nghe thêm về một số những chi tiết mà Phan Huyền Thư đã lấy từ các tác phẩm báo chí của anh để bỏ vào kịch bản của mình.

Trên báo Lao động số ra ngày 13.7 có đoạn về Phan Huyền Thư như sau: "Trong lĩnh vực điện ảnh, nhà biên kịch Phan Huyền Thư cũng lấy rất nhiều chất liệu, thậm chí có khi bê nguyên một số nhân vật trong các bài báo ra đưa vào kịch bản của mình mà cứ coi như công mình nghĩ ra.

Gần đây nhất, kịch bản Chất xám, ý tứ chính là từ bài trên báo Thanh Niên, hay kịch bản Cha, mẹ xin lỗi con cũng lấy từ một bài báo (chưa kể trong bộ phim này, nhiều người cho rằng một nhân vật được "hư cấu" lý lịch để phục vụ cho mục đích của mình, trong khi bản chất phim tài liệu là sự chân thực).

Trước đó, Phan Huyền Thư đã từng phải nói lại lần thứ 2 về một kịch bản khác của chị khi lấy ý tứ từ diễn đàn mạng, nhưng lúc đầu tuyên bố là bản thân nghĩ ra.

Nhà biên kịch này cũng đã phải xin lỗi trên mạng trước đây vì vụ "đạo văn" các tác giả Đặng Tiến và Bùi Bảo Trúc, khi viết trên poster về Thanh Tâm Tuyền tại Ngày thơ VN lần thứ năm tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đó là chưa kể poster về Ngô Kha ở ngày thơ này do Phan Huyền Thư viết, bị tố là lấy từ bài báo "Ngô Kha - ngụ ngôn của một thế hệ" của Hoàng Nguyên Vũ đã đăng báo QĐND...

Đành rằng tác giả viết có quyền dựa trên tư liệu của báo chí, nhưng khi đó buộc phải dẫn nguồn và sòng phẳng về liều lượng sử dụng. Cũng cần có những quy định cụ thể trong Luật Sở hữu trí tuệ ở ta: Bao nhiêu phần trăm lấy của người khác là phải thêm tên đồng tác giả vào, bao nhiêu phần trăm là ghi chú "dựa vào...?". Không thể cảm tính mà phải định lượng rõ ràng".



Nhà biên kịch Phan Huyền Thư


Với 1 quá khứ đầy những chuyện cóp nhặt và "biên kịch" của người khác lại thành của mình như thế, thì Phan Huyền Thư kiện cáo đạo diễn Nguyễn Thước thật ra cũng là chuyện dễ hiểu. Vì thực ra cách nhìn nhận thế giới bên ngoài như thế cũng phản ánh chính cái thế giới bất an bên trong của chị! Dù là cái thế giới ấy hoàn toàn là phi lý.

Đó là nói về lý, tuy nhiên người Việt chúng ta khi suy xét vấn đề gì, cũng nghĩ đến cả lý và tình. Làm việc gì cũng phải thấu tình đạt lý, thì mới là người tử tế. Trên đời này có 2 loại người: 1 là không chú ý gì tới cái lý, 2 là không quan tâm gì đến cái tình. Nhưng hóa ra trên đời này còn 1 loại nữa. Đó là loại không chú ý tới cái lý mà cũng chẳng cần đến cái tình.

Nỗi đau nhân tình thế thái

Nhà văn Nam Cao ngày xưa có nhận xét hóm hỉnh trong tác phẩm Chí Phèo, đại ý là người nhà quê vốn không thích lôi thôi. Chắc chắn những người trong cuộc đã phải suy nghĩ rất kỹ rồi mới vạch áo cho người xem lưng, đẩy sự việc lôi thôi đến thế này. Đạo diễn Nguyễn Thước cũng đã đến tuổi về hưu, và khi Phan Huyền Thư bước những bước chân bỡ ngỡ đầu tiên vào cổng Hãng phim TLKH TƯ, thì ông đã rất nhiều năm lăn lộn trong nghề.

Có lẽ bởi bài báo trên Lao động nhắc nhớ đến thói quen "cầm nhầm" của chị khi hành văn chương nên chị mới xuất khẩu thành văn, thanh minh thế này. Bài thanh minh cũng da diết chả kém bài xin lỗi chị từng viết khi người ta phát hiện ra chị đạo văn ở sân thơ Văn Miếu thuở nào. Thế mới biết, non sông dễ đổi - bản tính khó dời.

Với Phan Thanh Tú, Phan Huyền Thư, dù có thể không là người thầy, người lãnh đạo trực tiếp, nhưng Nguyễn Thước cũng là thế hệ đàn anh của họ. Đó là chưa kể theo nhiều người nói lại, chính Nguyễn Thước đã là người săm sắn nhất trong việc giúp đỡ Phan Huyền Thư từ một cô phóng viên của tạp chí Thế giới điện ảnh có thể bước vào Hãng phim TLKH TƯ và trở thành một biên kịch.

Vừa là đồng nghiệp, vừa là đàn em trong nghề, lẽ ra họ nên có một cách đối xử có tình người hơn với ông. Nhận một đòn đánh dưới thắt lưng vào những ngày cuối của sự nghiệp từ 2 nữ đồng nghiệp mà có người đáng tuổi con tuổi cháu, có lẽ dù đã già, ông vẫn không thể không cảm thấy nỗi đau nhân tình thế thái.

Nhưng trong cái làng nghề lâu nay chỉ nổi danh vì scandal, silicon, sao chép và sống sượng, có lẽ nếu bị mất đi chút danh, thiết nghĩ cũng không phải là chuyện một người như ông phải quá đau buồn.

Phan Huyền Thư đã có một bài giãi bày với tựa Chất xám những khảo dị đau lòng, trong đó có thừa nhận rằng "Ở cương vị của người biên kịch, tôi thấy mình chưa thật xứng đáng với giải Bông Sen Vàng mà Hội đồng Giám khảo đã trao, tôi thừa nhận điều đó!".

Có lẽ bởi bài báo trên Lao động nhắc nhớ đến thói quen "cầm nhầm" của chị khi hành văn chương nên chị mới xuất khẩu thành văn, thanh minh thế này. Bài thanh minh cũng da diết chả kém bài xin lỗi chị từng viết khi người ta phát hiện ra chị đạo văn ở sân thơ Văn Miếu thuở nào. Thế mới biết, non sông dễ đổi - bản tính khó dời!


Theo Tuần Việt Nam