Vốn liếng học kỹ thuật giúp anh tự chế ra máy nghiền hạt ca cao, rồi tự mày mò chế luôn chiếc máy làm chocolate có giá rẻ hơn một nửa so với máy nếu nhập từ châu Âu. Huy bảo con nhà nghèo, vốn không bao nhiêu nên cái gì tự làm được cũng đỡ lắm mà lại chủ động nữa.
Đam mê và cả thương nông dân
Tốt nghiệp kỹ sư cơ khí, Huy đầu quân vào công ty nước ngoài. Nhiều chuyến công tác về miền Tây lắp đặt máy bơm cho các nhà vườn, Huy thấy bà con phải chặt đi những cây ca cao đang cho trái khá nhiều. Lý do giá thu mua ngày càng giảm, bà con chặt để trồng loại cây khác.
Làm việc với nhiều bạn bè người Pháp, họ hỏi nhiều về cây và khen chất lượng của hạt ca cao Việt Nam khá nhiều. Lúc ấy anh cũng chưa nghĩ gì nhưng nhớ lại hình ảnh bà con nông dân chặt bỏ ca cao, anh ước giá mà có nhà máy sản xuất gì đó từ cây ca cao sẽ giúp được cho người nông dân. "Tôi muốn làm gì đó cho bà con nông dân dù thật sự hành trình khởi nghiệp với đứa làm cơ khí như tôi không đơn giản" - Huy nói lý do khởi nghiệp.
Tay ngang khởi nghiệp, Huy nghĩ chỉ cần "mổ" quả ca cao, lấy hạt là có thể làm ra chocolate rồi. Nhưng làm gì có đơn giản vậy. Nếu nhập máy móc từ nước ngoài coi như vốn liếng dành dụm đó giờ có khi chưa đủ, lấy tiền đâu thu mua ca cao nguyên liệu! Không đầu hàng, Huy bắt đầu mày mò chế ra chiếc máy nghiền hạt ca cao đầu tiên, cho ra các mẻ bột ca cao mịn nhất và có thể chạy liên tục 60 giờ.
Sáu tháng trời sửa tới chỉnh lui mới tạm gọi có được chiếc máy nghiền hạt ưng ý. Cả năm sau máy mới chạy ổn định với mỗi mẻ nghiền 80kg hạt. Đó là năm 2016 và một năm sau công ty sản xuất chocolate mang tên Hallelu chào đời.
Huy còn chế chiếc máy khác là máy gia nhiệt, thành quả của những ngày tìm hiểu công nghệ nhiệt lạnh và nhẵn mặt các khu chợ Tân Uyên, Nhật Tảo... săn lùng thiết bị cũ về thử nghiệm.
Sau hơn 5 năm, dây chuyền sản xuất 10 bước mới hoàn thiện. Thậm chí, Huy còn tự tin với dây chuyền sản xuất hiện có, sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho nhà sản xuất khác nếu họ có nhu cầu với cam kết độ bền của máy từ 10-20 năm.
Đưa hồn dân tộc vào sản phẩm
Huy kể vẫn nhớ như in cảm giác lúc nửa đêm của một ngày cách đây sáu năm, vỡ òa và rơi nước mắt khi mẻ chocolate đầu tiên thành công sau nhiều lần làm tới làm lui. Có sản phẩm, anh tìm người thiết kế bao bì với yêu cầu mang họa tiết chim lạc và trống đồng vốn đặc trưng của văn hóa Việt Nam.
"Chocolate Việt Nam nên bao bì cũng phải mang đậm nét truyền thống vì ngoài khách hàng trong nước, tôi muốn sản phẩm của mình đến với du khách và nhiều người dùng nước ngoài" - Huy nói.
Anh đi chào hàng tại phố Tây Bùi Viện (quận 1, TP.HCM), giới thiệu sản phẩm với du khách và nhận phản hồi tích cực. Thừa thắng xông lên, từ chocolate truyền thống đã sản xuất thành công, Huy thử nghiệm làm các loại trái cây nhúng chocolate và khi giới thiệu ra thị trường đã rất được ưa chuộng. Cách này, theo anh, còn giúp nâng giá trị cho nông sản Việt, thêm đầu ra cho nhiều loại trái cây vốn rất phong phú trong nước.
Đến đầu năm ngoái, quy trình sản xuất chocolate 10 công đoạn mới hoàn thiện. Hiện mỗi năm, công ty cung cấp ra thị trường khoảng 3 tấn sản phẩm các loại, giúp anh tự tin với con đường đang đi. Ngoài chocolate, Huy còn mày mò tạo ra son môi sản xuất từ chiết xuất bơ của hạt ca cao và bước đầu cũng được thị trường đón nhận.
Huy luôn tranh thủ mang theo, giới thiệu sản phẩm của mình khi đến bất cứ chương trình khởi nghiệp nào. Câu chuyện khởi nghiệp của anh đã phần nào nhen nhóm, nhân lên khát vọng khởi nghiệp cho những bạn trẻ khác. Đôi lúc Huy cũng băn khoăn liệu mình có chọn con đường gian nan quá không khi bạn bè đồng trang lứa đi hướng khác và thành công. Nhưng chỉ cần thấy từng mẻ chocolate ra lò, mọi lăn tăn lại trôi hết.
Nguyễn Hồng Huy từng có mặt tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp quốc gia 2022. Một lần khác, khi dự chương trình về khởi nghiệp do UBND TP.HCM và Thành Đoàn tổ chức, Huy nói cần chương trình hỗ trợ sinh viên mới ra trường.
Theo anh, các chương trình này sẽ giúp các bạn không chỉ trở thành công nhân lành nghề mà có thể tự tin sáng chế, làm chủ công nghệ, xa hơn sẽ khởi nghiệp bằng đam mê của tuổi trẻ.
Hãy kể câu chuyện khởi nghiệp
Năm nay, talk-show (một hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Tuổi Trẻ Start-Up Award 2023) dự kiến diễn ra tại Trường đại học Kinh tế TP.HCM vào ngày 26-4-2023, có chủ đề "Trong khủng hoảng tìm thấy cơ hội?", với sự tham dự của hàng nghìn bạn trẻ và các chuyên gia uy tín. Ông Philipp Rösler - lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ, nguyên phó thủ tướng Đức gốc Việt - là một trong những diễn giả chính của chương trình năm nay. Lễ vinh danh và trao hỗ trợ các start-up tiêu biểu cũng sẽ được diễn ra ngay sau đó.
Khởi xướng từ năm 2019, chuỗi sự kiện Tuổi Trẻ Start-Up Award do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM tổ chức với mục đích gây quỹ start-up, hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia khởi nghiệp. Qua đó khuyến khích tinh thần thể thao, tạo sự lan tỏa, kết nối các doanh nghiệp, mở ra cơ hội giao lưu giữa cộng đồng doanh nhân.
Sau thành công qua ba mùa, chuỗi sự kiện lần 4 đã chính thức quay trở lại nhằm tạo sân chơi ý nghĩa và khích lệ tinh thần khởi nghiệp cho các start-up cả nước.
Ngoài việc được vinh danh trên mặt báo, những câu chuyện khởi nghiệp còn có cơ hội tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư cũng như được quảng bá đến công chúng. BTC sẽ chọn các start-up tiêu biểu để hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị: VinaCapital, FE Credit, No.1, IDICo, GIBC, Volvo, Tín Nghĩa Corp., Saigontourist Group, Vietnam Golf..., trong đó tiếp tục có một suất hỗ trợ đặc biệt dành cho start-up được hội đồng thẩm định bình chọn, trị giá 100 triệu đồng, từ GIBC.
Theo tuoitre