Một bàn tay kỳ diệu

(CTG) Cô gái ấy bị khiếm khuyết cả hai chân và một bàn tay, nhưng chỉ với một bàn tay duy nhất đã hoàn thành đại học, đi thuyết trình khắp thế giới về nạn nhân chất độc da cam. Bây giờ, cô vừa làm ở bệnh viện vừa bán hàng online để giúp cha mẹ già...

Một bàn tay kỳ diệu - Ảnh 1.
 

Hoan (giữa, khiếm khuyết hai chân) luôn vui, khỏe, yêu đời với các bạn

35 tuổi, Trần Thị Hoan đang là nhân viên công nghệ thông tin của Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM. Gọi chiếc xe dành cho người khiếm khuyết là "con xe mui trần 4 bánh", hằng ngày Hoan di chuyển khắp thành phố sau giờ làm việc để giao hàng. 

"Alô, anh chị cần bay đi đâu ạ?", "Alô, chị cho em địa chỉ ship hàng nha!"... - cô gái vừa gọi điện thoại vừa nở nụ cười tươi rói. 

Ba mẹ đặt tên Hoan nghĩa là vui, kỳ vọng mình luôn hạnh phúc dù lúc sinh con ra ba mẹ chết điếng nhìn đứa trẻ cụt lủn hai chân từ đầu gối và chỉ có một cánh tay duy nhất lành lặn.

TRẦN THỊ HOAN

Tình nhân ái

Tôi đợi Hoan ở cổng Bệnh viện Từ Dũ. Cô cười thật tươi, vẫy vẫy cánh tay lành lặn. Cô gái đến từ vùng quê nghèo đã đi nhiều nơi, dù thiếu mất cả đôi chân và một cánh tay từ lúc mới sinh ra.

Gần 30 năm trước, ở ngôi làng nghèo huyện Đức Linh (Bình Thuận) có cô bé chỉ có một bàn tay chưa được đến trường dù đã 8 tuổi. Hoan bị ảnh hưởng chất độc da cam từ chiến tranh. Sau Hoan là người em còn kém may mắn hơn, bé bị hội chứng thoát vị thành bụng và mất lúc chào đời. Người chị gái Hoan cũng mắc bệnh ung thư mới mất vài năm nay. Hiện gia đình cô chỉ còn 3 anh em, trong đó 1 em trai cũng đang bệnh nặng.

Và hành trình của Hoan với bàn tay duy nhất từ quê nghèo đến TP.HCM để được như hôm nay là một câu chuyện cổ tích có thật đẫm tràn tình nhân ái cùng nghị lực, tình yêu cuộc sống mãnh liệt.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, một trong những người mẹ ở làng Hòa Bình gắn bó với Hoan từ bé, nhớ lại: "Qua sự giới thiệu của báo Tuổi Trẻ, con đến làng Hòa Bình từ lúc 8 tuổi để đi học vì ở quê cha mẹ không có điều kiện. Rồi học xong đại học, con muốn rời làng để tự lập. Lúc đầu, mọi người cũng lo lắng, nhưng con đã chứng minh có thể tự lập giỏi giang hơn cả nhiều người khỏe mạnh bình thường".

Hoan nói cô vui vì "gặp được nhiều mối nhân duyên trong đời". Đó là ân tình của nhiều người xa lạ như các cô chú ở báo Tuổi Trẻ đã đưa Hoan đến làng Hòa Bình. Những người mẹ ma soeur, người thầy ở làng Hòa Bình, mẹ Ngọc Phượng, bà nội Hai Chung, ông bà nuôi người Úc với bài học về tình thương không biên giới từ tính cần kiệm vì người khó khăn.

Ý chí vươn lên

Trong những chia sẻ của mình, Hoan luôn nói cô còn may mắn hơn bao người, như các em nhỏ còn ở làng Hòa Bình với những dị tật bẩm sinh đau đớn. Đó cũng chính là động lực giúp Hoan học thật tốt để đi khắp nơi từ Mỹ, Úc đến Nam Phi, thuyết trình ủng hộ nạn nhân chất độc da cam.

Nhớ những kỷ niệm khó quên trong đời, Hoan đã viết:

"Nhớ lần xa nhà đầu tiên, không ai quen biết, không người thân thuộc, mãi mới quen được, nhưng mỗi lần ba mẹ đưa lại lên Sài Gòn là vẫn khóc tu tu. Nhớ lần đầu tiên có chân giả, tập cả năm trời, ngã đến bầm giập mặt mũi tay chân còn hơn cả hồi chạy bằng đầu gối. Rồi lần đầu bước vào ngôi trường không ai bị khuyết tật, bị bạn bè trêu ghẹo nhiều, mình nản chí, xin ba mẹ về quê ở luôn, nhưng ba mẹ động viên và nói ước mơ của ba mẹ là con học lên đến đại học.

Vậy là tự mình đấu tranh với chính mình: đi hay ở lì dưới quê luôn? Cuối cùng vẫn chọn đi, vì muốn hoàn thành ước nguyện của ba mẹ. Khi xin phép làng Hòa Bình cho em được ra ngoài sống cuộc sống của chính em, tự lập, tự lo liệu mọi thứ, mình khá vất vả khi tìm nhà trọ, rồi mua sắm đồ trong nhà trọ, mọi chi tiêu phải tự tính toán cho hợp lý, phải học cách tự nấu cơm, canh... Kinh nghiệm sau nhiều lần nấu hỏng như không nhão quá thì khô khốc, không thì cơm sống... cuối cùng cũng nấu được.

Nhớ năm lớp 7 học yếu toán quá, ngày nào cũng trưa đi học sớm hơn các bạn, leo 4 tầng thang bộ để ngồi ké lớp mấy anh chị lớn cho cô giáo kèm, cuối cùng trở thành học sinh giỏi toán!

Kỷ niệm buồn nhất là khi chuẩn bị thi đại học, mình được biết trường y không nhận sinh viên khuyết tật nên sau đó phải chuyển sang học và chọn ngành công nghệ thông tin. Buồn nhất là bây giờ bất lực nhìn ba mẹ yếu đau, bản thân bị khiếm khuyết thế này, không chăm chút được cho ba mẹ nhiều, nên ráng "chạy việc" làm thêm thật nhiều, mong sao sau này có thể về quê chăm nom ba mẹ với mảnh vườn nhỏ...

Nhớ lần đầu tiên... thất tình buồn đến mức mấy năm sau vẫn chưa dám yêu lại. Nhưng rồi nhân duyên lại cho mình gặp gỡ thêm một người dạy cho mình hiểu rằng: dù thương hay không thương nhau nữa thì cũng phải luôn yêu thương chính bản thân mình và không ngừng hi vọng...".

Một bàn tay kỳ diệu - Ảnh 3.

Chỉ có một tay nhưng cô leo cầu thang thoăn thoắt

Tình yêu cuộc sống và lòng hiếu thảo

Bây giờ, khu trọ của Hoan cách Bệnh viện Từ Dũ đến 12 cây số, gần Cát Lái (TP Thủ Đức). Mảnh sân rộng trước dãy trọ giống như nơi sinh hoạt cộng đồng của 5 phòng trọ. Cứ cuối tuần, xóm trọ lại tụ tập nấu ăn chung, tám chuyện rôm rả. "Dù thuê trọ ở một mình nhưng mọi người trong xóm xem nhau như gia đình" - Hoan vui vẻ nói.

Hoan hay đãi mọi người món bánh xèo mà cô một tay lo hết. "Đúng nghĩa một tay vì bả chỉ có một tay mà thoăn thoắt làm, từ làm rau, pha bột, đổ bánh. Mọi người chỉ được phụ bếp vì làm gì bả cũng không ưng ý, kỹ tính lắm" - chị Huệ pha trò.

Tôi ái ngại khi nhìn Hoan leo cầu thang lên gác lửng. Cầu thang sắt để lên gác với bậc thang vừa bé vừa dốc đứng đến người khỏe mạnh nếu lần đầu leo còn ngập ngừng. Nhưng Hoan vừa cười vừa đu một tay leo lên lấy đồ trên gác cũng là chỗ ngủ của cô. 

Thoăn thoắt leo thang bằng hai đầu gối, cô nói: "Mình leo 6 năm nay rồi, còn hơn Tarzan ấy, lúc mới về còn một tay đẩy cả cái tủ nhôm cao 1,2m, ngang 0,8m lên trên này". Cô kể mình đã cho tủ dựa sát vào tường, rồi dùng vai nâng phía dưới tủ, còn một tay lành lặn bám cầu thang leo lên dần...

Một chiều cuối tháng 3, Hoan vội vã nói phải về quê gấp vì mẹ bệnh. Trước đó, cô vừa đón ba vào tái khám ở Bệnh viện Đại học Y dược. Ông đang hóa trị đợt 2 ung thư gan. Nhà Hoan ở quê neo người, hễ mẹ hay ba có việc là cô lại tất tả tranh thủ cuối tuần về quê. Hôm tôi gặp ông Trần Nhật Số, ba Hoan, đang đợi kết quả tái khám ở TP.HCM với các bàn tay chân vàng vọt và bong tróc da vì bệnh tật. 

"Hoan tật nguyền, lúc mới sinh ra ai cũng lo cho con. Nhưng cuối cùng con bé lại học hành nên người nhất, gánh vác cha mẹ lúc tuổi già đau bệnh. Con bé còn giấu cả việc đi bán hàng trên mạng gì đó ngoài giờ. Mãi sau này tôi mới biết mà cản không được, lúc nào cũng nói không sao. Giá cha mẹ đầu bạc đừng thêm bệnh thì con đỡ khổ..." - ông Số trầm ngâm nói về con.

Trong ký ức của mình, ông Số xúc động nhớ lại: "Tôi chỉ làm nông, đường đến trường của con bé gian nan vì mùa mưa thì thì trơn trượt, mùa hè rát bỏng thì làm sao con đến trường với hai cái gối trụi lủi? May được chỉ dẫn, vợ chồng mới đưa con vào làng Hòa Bình để được đi học, đổi đời".

Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP.HCM còn tấm ảnh chụp lại bức thư một sinh viên gửi tổng thống Mỹ Obama. Đó là bức thư của Hoan năm 2009, khi cô thuyết trình bằng tiếng Anh tại Nam Phi tố cáo quân đội Mỹ sử dụng chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam. Cô sinh viên năm xưa nay đã trưởng thành và vẫn luôn hi vọng một ngày nào đó công lý sẽ được thực thi với những nạn nhân da cam như Hoan và bao người khác trên đất nước mình.

 

Một bàn tay làm được bao việc

Hoan cầm điện thoại bằng bàn tay duy nhất để trao đổi với khách hàng. Cũng với một cánh tay này, Hoan đã học lên kỹ sư công nghệ thông tin và làm việc ở Bệnh viện Từ Dũ.

Chiếc xe máy gắn thêm hai bánh cho người khiếm khuyết được Hoan khoe mới mua. Trước đó, cô đi lại bằng xe lăn ba bánh. Hoan giơ một tay còn lại, hóm hỉnh nói: "Bắp tay em cuồn cuộn vì phải kéo tay hồi đi xe lăn ba bánh đây này. Giờ có cái xe bốn bánh mui trần này khỏe re. Tay cụt thì vịn vào tay xe, may mà tay phải lành để vặn ga chứ không suốt đời kéo xe ba bánh. Có thêm hai cái chân giả để chống".

Trên xe, Hoan treo lủng lẳng những giỏ trái cây, nấm mối cô bán thêm qua mạng ngoài giờ làm.