Một mình nuôi 4 đứa con, cô giáo Thái vẫn “cắm” bản suốt 24 năm

(CTG) Một mình nuôi 4 đứa con, bản thân mang bệnh tuyến giáp nhưng cô giáo dân tộc Thái Lô Thị Thủy (SN 1978, Trường Tiểu học Quang Phong 1, xã Quang Phong, huyện Quế Phong, Nghệ An) vẫn kiên trì gắn bó với trường học vùng cao suốt 24 năm qua.

Dẫu biết đi dạy ở vùng cao là muôn trùng khó khăn vất vả nhưng cô giáo Lô Thị Thủy vẫn tâm niệm đóng góp cho ngành giáo dục quê hương và hoàn thành nhiệm vụ ở bất cứ đâu được phân công công tác.

Cô giáo Lô Thị Thủy chụp hình với các học sinh dịp khai giảng năm học

Kỷ niệm mà cô nhớ nhất trong quãng thời gian công tác có lẽ là lần đầu tiên đi dạy học. Cô được phân công đứng lớp ở Trường tiểu học Nậm Nhoóng. Năm học đó cả trường có 28 giáo viên thì chỉ có 2 nữ giáo viên là cô và một bạn đồng nghiệp cũng vừa mới tốt nghiệp trường Sư phạm. Tại đây, cô đã được thể nghiệm tất cả những gì khó khăn nhất của cuộc đời giáo viên vùng cao: không có nhà công vụ, phải ở nhờ nhà dân, chỉ được về nhà vào kỳ nghỉ hè và Tết Nguyên đán bởi đi lên điểm trường phải hết 2 ngày trèo đèo, lội suối, băng rừng, thậm chí "lũ ống" vào mùa mưa bão.

Cuộc sống nơi vùng cao hoang vắng, lạnh giá cộng với sự khác biệt về ngôn ngữ nhiều khi khiến cô nản lòng muốn bỏ nghề. Những ngày đầu xa nhà, nhớ bố mẹ, cô khóc suốt. Chưa kể, buổi tối nơi đây rất vắng vẻ, không điện, chỉ đèn dầu lờ mờ, mùa đông rét cóng đau buốt vào xương... khiến cô cảm thấy rất sợ. Vì đường xa nên mỗi năm học, cô chỉ về thăm nhà 2 lần là dịp Tết Nguyên đán và nghỉ hè. Năm đầu mới ra trường, cô và đồng nghiệp không được nghỉ hè vì phải dạy lớp xóa mù chữ cho bà con trong thôn bản.

“Đến nơi công tác, sau khi được phân công nhiệm vụ, do chưa có ký túc nên phải ở nhờ nhà dân. Sáng đi dạy, chiều về lên nương cùng gia đình nhà dân. Tối đến ngồi soạn bài bên ánh đèn dầu. Cuộc sống nơi đây nghèo khổ, trẻ em bữa đói bữa no, bữa sắn, bữa khoai... ăn mặc phong phanh. Có em mùa hè có mỗi chiếc quần không có cả áo mặc, mùa đông không có áo ấm, rét tím tái. Thiếu thốn là thế, nhưng khi tôi hỏi, các em vẫn nói: “Con thích được học cái chữ lắm”, khi đó tôi đã rơi nước mắt vì thương, vì xúc động.” – cô Thủy bồi hồi nhớ lại. Dầu khó khăn là vậy, cảm mến sự hiếu học, khao khát biết chữ của trẻ em nơi đây bất chấp cuộc sống nhiều khó khăn thiếu thốn, cơm không đủ no, áo không đủ mặc, cô đã khắc phục khó khăn và gắn bó với công tác giáo dục ở đây gần 10 năm.

Cô Lô Thị Thủy cùng các học sinh tham gia hoạt động trồng rau xanh tại trường

Đang ở độ tuổi thanh xuân cống hiến, cô Thủy lại phát hiện mình bị bệnh nhân tuyến giáp trong khi mang thai cặp song sinh. Vì thế, sau khi được sinh ra thì các con cô thường xuyên ốm đau. Năm 2017, khi các con cô mới được 5 tuổi thì không may, chồng cô lại bị ung thư bao hoạt dịch khớp gối nên phải mổ và điều trị tại Bệnh viện K1 Trung ương. Gia đình cô neo người, bố mẹ chồng đã già còn phải chăm sóc mẹ liệt sĩ đã 98 tuổi. Vì thế trong suốt 3 năm chồng cô điều trị tại bệnh viện K ở Hà Nội, cô phải chia thời gian phù hợp để vừa làm tốt công tác giảng dạy, vừa dành thời gian thăm nom chồng. Nhiều lần cứ tối thứ 6 đón xe từ Quế Phong ra Hà Nội thăm chồng, 7 giờ tối chủ nhật lại đón xe từ Hà Nội về đến Quế Phong, khoảng 4 giờ sáng thì về đến nhà, cô lại phải sửa soạn sách vở, giáo án, rồi chạy xe máy 27 km đến trường cho kịp giờ dạy. Thế rồi, sau 3 năm chống chọi với căn bệnh ung thư, cuối cùng chồng cô cũng ra đi bỏ lại cô một mình phải lèo lái gia đình, chăm lo cho 4 đứa con, trong đó hai cháu lớn đang học Đại học, hai cháu nhỏ mới chỉ học lớp 3. “Đau đớn hơn là chồng tôi mất vào ngày thi tốt nghiệp THPT của con trai - ngày 09/8/2020. Tôi tưởng chừng gục ngã, nhưng nhìn cảnh những đứa con thơ ngây tôi lại phải gắng gượng, mạnh mẽ.” – cô Thủy xúc động hồi tưởng lại.

Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng trong công việc, cô luôn hết sức cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ để không phụ lòng tin tưởng của phụ huynh, học sinh và đồng nghiệp. “Với tôi, được nhìn thấy nụ cười hồn nhiên trong sáng của các em là niềm vui lớn nhất trong cuộc đời nhà giáo. Vì thế, bản thân luôn tự nhủ lòng phải giúp các em học hành thành tài, thoát khỏi cái nghèo, cái khổ." - cô Thủy rưng rưng chia sẻ.

Trải qua 24 năm công tác trong ngành giáo dục, cô đã giúp bao thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức. Để rồi giờ đây, họ thành công, trở thành những bác sĩ, công chức, viên chức và thậm chí là đồng nghiệp với cô. Những lời tri ân, chúc mừng từ các học trò cũ mỗi dịp 20/11 hàng năm trở thành nguồn động lực lớn lao để cô tiếp tục cống hiến và gắn bó với sự nghiệp “trồng người” nơi vùng cao này.

Với những đóng góp của mình, cô Thủy vinh dự nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi” cấp huyện, “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, “Lao động tiên tiến” nhiều năm liền… Đặc biệt, dịp này, cô Thủy là 1 trong 63 giáo viên được tuyên dương tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Đây là chương trình nhằm tôn vinh và tri ân những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ của các giáo viên người dân tộc thiểu số, đặc biệt là những dân tộc có quy mô dân số dưới 10.000 người, đang trực tiếp dạy học cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

"Chia sẻ cùng thầy cô" là chương trình thường niên được khởi xướng và tổ chức bởi Trung ương Hội LHTN Việt Nam và các đơn vị phối hợp nhằm cổ vũ, động viên, tri ân các thầy cô giáo có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác giảng dạy tại các địa bàn huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Cá nhân được tuyên dương là những thầy cô có đạo đức tốt, không vi phạm pháp luật; có trình độ chuyên môn, có khả năng truyền cảm hứng trong công tác dạy học được phụ huynh, nhà trường, các cơ sở giáo dục và xã hội ghi nhận; thời gian tham gia công tác dạy học trực tiếp tối thiểu là 3 năm.

Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 ưu tiên tôn vinh các thầy giáo, cô giáo là người dân tộc thiểu số có quy mô dân số dưới 10.000 người; giáo viên có hoàn cảnh khó khăn; giáo viên có thời gian giảng dạy lâu năm; giáo viên trẻ tình nguyện lên vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn dạy học.

Chương trình sẽ được tổ chức tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (8 Huỳnh Thúc Kháng, Q. Đống Đa, Hà Nội) vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới.