Anh Nguyễn Hoàng Khang cẩn thận dán nhãn, kiểm tra từng hũ mứt xoài cát núm chuẩn bị giao cho khách - Ảnh: LAN NGỌC
Anh Nguyễn Hoàng Khang (31 tuổi), ở huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) nói chế biến mứt xoài cát núm kiểu quê này không quá kỳ công, nhưng khâu chọn lựa từng trái xoài chín nguyên liệu phải kỹ cùng lượng đường sử dụng vừa đủ mới ra thành phẩm như ý.
Tôi tiếp tục nghiên cứu tăng thời gian bảo quản và đa dạng cách đóng gói sản phẩm để thêm nhiều lựa chọn hơn cho khách hàng. NGUYỄN HOÀNG KHANG |
Làm nức lòng khách ngoại
Năm 2016, có cơ hội sang Canada học, Khang khoe đã tích lũy cho mình kha khá kiến thức về nông nghiệp hữu cơ sau ba năm ở nước bạn. Dù có thể ở lại nhưng anh quyết định trở về, ấp ủ được đóng góp điều gì đó cho quê nhà.
Trở về, anh làm việc tại Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện. Đây cũng là cơ duyên để Khang tiếp xúc, làm việc thường xuyên với người dân trồng xoài cát núm, một loại "đặc sản" của nông dân huyện Vũng Liêm. May mắn loài cây này ít chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, lại cho trái thon, dài, khi chín có vị ngọt thanh, ít xơ.
Suy nghĩ về món mứt xoài xuất hiện, Khang muốn mở rộng đường đi cho đặc sản quê nhà nên quyết tâm khởi nghiệp làm mứt xoài. Là nói vậy chứ bắt tay vào làm mới biết, không ít lần thất bại nên cứ làm dần dần, sửa tới sửa lui cho đến khi ra được món mứt thành phẩm.
Yêu cầu mứt thành phẩm cần giữ nguyên hương vị ngọt thanh tự nhiên của xoài. Mạnh dạn giới thiệu cùng khách nước ngoài đi du lịch và hồi hộp chờ nghe ý kiến của họ.
"Mứt xoài có vị ngọt thanh, không xơ nhiều, mùi vị khá lạ miệng mà tôi chưa từng dùng thử mứt có vị xoài như thế này" - anh Brent (26 tuổi, du khách Bỉ) cười nói khi vừa dùng xong bữa sáng món bánh mì kèm mứt xoài.
Chị Nguyễn Ngọc Phương Oanh, chủ Mekong pottery homestay and coffee (huyện Long Hồ, Vĩnh Long), chia sẻ ngoài việc trải nghiệm làm đồ gốm, đạp xe len lỏi vào con đường quê, chị ưu tiên cho du khách đến chỗ mình trải nghiệm dùng món mứt xoài ăn kèm với bánh mì.
Chưa hết, chị dùng chính mứt xoài như một loại gia vị nêm nếm những món ăn đậm chất miền Tây như canh chua, cá kho, lẩu cua đồng.
"Họ khen ăn lạ miệng, không bị ngán. Đây là món quà quê mà tôi muốn đồng hành cùng Khang quảng bá ra thị trường khách ngoại", chị Oanh tâm tình.
1.000 hũ mứt xoài phục vụ Tết
700 hũ mứt xoài của Khang đã bán hết trong thời gian ngắn. Tín hiệu khá tích cực cho hành trình khởi nghiệp chưa lâu của Khang. Chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán 2023, Khang dự kiến sẽ tung ra khoảng 1.000 hũ mứt thành phẩm.
Đảm bảo nguyên liệu đầu vào, anh xuống tận vườn tuyển chọn những trái xoài cát núm thơm ngon. Cùng với đó, Khang quyết định đầu tư máy móc thay vì sên thủ công để đảm bảo chất lượng đồng đều của các mẻ mứt ra lò, mà cũng để đảm bảo có thể sản xuất cùng lúc số lượng lớn hơn.
"Có máy móc rồi, tôi nghiên cứu để tăng thời gian bảo quản sản phẩm lên 9 thay vì 6 tháng như hiện nay, cũng như sẽ có loại hũ lớn, nhỏ để khách hàng có nhiều lựa chọn hơn", Khang nói, vừa cẩn thận dán nhãn cho từng hũ mứt thành phẩm chuẩn bị giao cho khách.
Ông Dương Ái Đạo - phó trưởng Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) - cho biết toàn huyện Vũng Liêm có khoảng 400ha xoài cát núm được người dân trồng tập trung ở nhiều xã. Do đó, không sợ thiếu nguyên liệu để sản xuất ra món mứt xoài kiểu quê nhưng khá độc đáo này.
Ông Đạo nói mứt xoài cát núm là một ý tưởng khá táo bạo, tận dụng chính cây nhà lá vườn để khởi nghiệp nên địa phương không chỉ ủng hộ mà còn sẵn lòng hỗ trợ anh Khang hết mức.
"Ý tưởng của anh Khang đã giúp tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp quê nhà, góp cho xoài cát núm của địa phương mở rộng kênh tiêu thụ và người trồng xoài cũng rất an tâm về đầu ra", ông Đạo cho biết.
Đôi bên cùng hưởng lợi Biết anh Khang thu mua xoài cát núm để làm mứt, hầu như mọi người đều nhiệt tình ủng hộ, riết rồi thành mối quen hồi nào không hay. Nhiều hộ trồng xoài ở các xã đều vui vẻ, sẵn sàng hợp tác trong việc đảm bảo nguồn cung ổn định và lâu dài cho cơ sở của anh. Anh Nguyễn Vũ Bằng (39 tuổi), xã Quới An, huyện Vũng Liêm, kể khi nghe anh Khang ngỏ ý mua xoài về chế biến mứt là gật đầu liền. "Nông dân mà có thêm mối lái là mừng rồi. Chưa kể mỗi lần anh Khang mua 100 - 200kg trở lên, giá lại ổn định dù thuận hay nghịch mùa, không còn lo lắng chuyện giá lên xuống hay được mùa rớt giá, vậy là vui rồi", anh Bằng hồ hởi. |
Theo TT