Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi lẵng hoa chúc mừng Hội nghị.
|
Năm 2014, cả nước tiếp nhận hơn 1 triệu đơn vị máu
Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố và 9 cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia, năm 2014, toàn quốc đã vận động, tiếp nhận 1.054.387 đơn vị máu, đạt 116,7% kế hoạch (tăng 8,4% so với năm 2013).
Có 53/63 tỉnh, thành phố và Bộ Công an hoàn thành chỉ tiêu từ 100% trở lên so với kế hoạch năm, đặc biệt 17 đơn vị đạt từ 130% kế hoạch trở lên: Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Cần Thơ, Đăk Nông, Đồng Nai, Gia Lai, Hà Nội, Hậu Giang, Hưng Yên, Kiên Giang, Nam Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Sơn La, Trà Vinh và Bộ Công an…
Đã có nhiều mô hình tốt về tuyên truyền, vận động và tổ chức hiến máu như: Hà Nội với các mô hình “mỗi xã, phường là một điểm hiến máu", "tuyến phố hiến máu" và kinh nghiệm tổ chức ngày hội hiến máu lớn có quy mô hàng vạn người/ngày. Bắc Giang với mô hình "dòng họ hiến máu". Đăk Lăk, Lâm Đồng với “kinh nghiệm vận động hiến máu tình nguyện tại địa bàn dân tộc, miền núi”. An Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bắc Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Cần Thơ, Đồng Nai, Hà Nội, Hải Phòng, Hậu Giang, Hưng Yên, TP Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Nam Định, Phú Thọ, Sóc Trăng, Tây Ninh, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc với “kinh nghiệm vận động hiến máu tình nguyện thể tích trên 250 ml”. Bạc Liêu, Bình Định, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Hậu Giang, Tp Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Kiên Giang, Long An, Quảng Nam, Tiền Giang,… với kinh nghiệm xây dựng và phát triển “câu lạc bộ hiến máu dự bị”.
Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương với kinh nghiệm xây dựng lực lượng hiến máu dự bị vùng biển đảo và tổ chức sự kiện lớn với quy mô hàng chục nghìn người tham gia hiến máu tình nguyện (HMTN) trong 1 ngày. Trung ương Đoàn và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam với kinh nghiệm tổ chức chương trình thanh niên tình nguyện kết hợp vận động hiến máu. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam với kinh nghiệm vận động cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và người lao động tham gia HMTN. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam với kinh nghiệm xây dựng các loại hình câu lạc bộ (CLB) hiến máu (CLB 25, CLB hiến máu dự bị, CLB vận động HMTN…).
Đến cuối năm 2014, toàn quốc có 2.707 loại hình CLB HMTN với 113.241 thành viên (tăng 288 CLB và tăng 3.673 người so với năm trước), trong đó: 1.921 CLB hiến máu dự bị; 41 CLB 25 (2.079 thành viên); 21 CLB người có nhóm máu hiếm (867 thành viên); 101 CLB gia đình hiến máu (14.259 thành viên); 623 CLB vận động HMTN (13.776 thành viên).
Đã có 31.422 tình nguyện viên, tuyên truyền viên và chủ nhiệm các CLB HMTN được Ban Chỉ đạo các cấp tập huấn nâng cao năng lực (tăng 10,7% so với năm 2013), trong đó: Ban Chỉ đạo quốc gia và cơ quan thành viên (Viện Huyết học- - Truyền máu Trung ương, Ban Chỉ đạo Bộ Công an) đào tạo 4.412 người; các tỉnh, Tp đào tạo 27.010 người.
Tổ chức 2.595 đợt khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 1.157.701 lượt người
|
Với chủ đề “Chung sức hành động vì sức khỏe cộng đồng”, Chiến dịch phát động thực hiện từ ngày 1/9/2014 đến 15/2/2015 với mục tiêu khám, chữa bệnh cho ít nhất 1 triệu lượt người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa. Kết thúc chiến dịch, toàn quốc đã tổ chức 2.595 đợt khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 1.157.701 lượt người, đạt hơn 115% so với mục tiêu với tổng trị giá tiền thuốc hơn 99 tỷ đồng đồng thời đã tổ chức 353 đợt tư vấn sức khỏe cho 89.795 người, huy động và vận động 272.812 suất quà tặng các đối tượng đặc biệt khó khăn có trị giá hơn 60 tỷ đồng. Ngoài ra, tại địa phương, còn tổ chức 869 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng cơ bản về sơ cấp cứu cho 54.829 người với tổng trị giá trên 5 tỷ đồng, tổ chức 1.832 đợt tổng vệ sinh môi trường với 78.774 người tham gia, trị giá trên 2 tỷ đồng.
Đây là năm đầu tiên thực hiện Chương trình phối hợp hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo giai đoạn 2014 – 2017 giữa Trung ương Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam, Bộ Y tế, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam. Chiến dịch đã phát huy thế mạnh của mỗi tổ chức cơ quan, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo trên tinh thần thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.
Dự kiến Chiến dịch năm 2015 với chủ đề “Hành trình về với người nghèo” sẽ diễn ra từ 1/5/2015 đến hết 31/12/2015, cao điểm thực hiện từ 1/7/2015 đến 30/9/2015.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan biểu dương những kết quả tích cực mà Phong trào HMTN và Chiến dịch khám, chữa bệnh nhân đạo 2014 đã đạt được. Nhân dịp này, Phó Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng với truyền thống “tương thân, tương ái”, giàu tính nhân văn và những kết quả tích cực đã đạt được trong năm qua, thời gian tới, chắc chắn phong trào HMTN sẽ được triển khai hiệu quả hơn và chiến dịch khám chữa bệnh nhân đạo sẽ ngày càng phát triển bền vững.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định: Phong trào HMTN và chiến dịch khám, chữa bệnh nhân đạo đã thể hiện sức sống của tinh thần đoàn kết dân tộc, là minh chứng sống động, khẳng định chủ trương xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân là hoàn toàn đúng đắn. Đây cũng là những hoạt động quan trọng góp phần chung tay cùng Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền hoàn thành chỉ tiêu an sinh xã hội. Phó Chủ tịch nước đề nghị các cấp ủy đảng, các cơ quan ban ngành đoàn thể, từ Trung ương tới địa phương tiếp tục quan tâm lãnh đạo tạo điều kiện thuận lợi để Ban Chỉ đạo phát huy hiệu quả hoạt động; tiếp tục ủng hộ phong trào và chiến dịch bằng hành động, việc làm cụ thể, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ tại chính địa phương mình. Các địa phương cũng cần đúc rút kinh nghiệm, phổ biến cách làm hay trong tổ chức mình để nhân lên cách làm hiệu quả như một số địa phương đã làm, để đóng góp làm nên thành công của phong trào trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Ban tổ chức cũng đã công bố Quyết định và trao tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích trong công tác vận động HMTN 2014 đồng thời khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong Chiến dịch khám chữa bệnh nhân đạo 2014./.
Theo ĐCSVN