Nâng cao nhận thức, chống xói mòn giá trị đạo đức của gia đình

(CTG) Mỗi gia đình trẻ tiêu biểu là những “hạt giống đỏ” nhằm lan toả những giá trị tốt đẹp đến toàn xã hội… Do đó, cần tăng cường vun đắp, nuôi dưỡng, phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình, đặc biệt là đối với các gia đình trẻ.

Đó là chia sẻ của TS. Phạm Kiều Anh (Trường ĐHSP Hà Nội 2) với Báo Đại biểu Nhân dân.

Hạn chế sự xói mòn văn hoá

- Cùng với sự vận động không ngừng của xã hội, những giá trị được coi là chuẩn mực về văn hoá gia đình cũng dần dần được hình thành và phát triển, biến đổi phù hợp với đời sống. Vậy, bà nhận định gì về văn hoá gia đình trong giới trẻ hiện nay?

Trong hệ hình văn hóa của mỗi dân tộc, văn hóa gia đình là yếu tố khá quan trọng, nó tạo nên diện mạo riêng cho nền văn hóa của mỗi quốc gia. Văn hóa gia đình thường được gọi là truyền thống gia đình, là tổng hợp các thái độ, quan niệm, lý tưởng và môi trường xã hội mà một cá nhân thừa hưởng, kế tục từ cha mẹ và ông bà tổ tiên.

Tuy nhiên, sự giao lưu tiếp xúc văn hóa diễn ra nhanh chóng đã tác động tới quan niệm của giới trẻ trong những thập niên gần đây trong đó có những suy nghĩ, quan niệm về văn hóa gia đình. Tính truyền thống, diện mạo và những giá trị thiêng liêng của văn hóa gia đình xưa, tới hiện tại có sự biến đổi mạnh mẽ, đang bị lung lay.

Thế hệ trẻ ngày nay có xu hướng tách khỏi gia đình ngay cả khi còn chưa lập gia đình, mô hình đa thế hệ sống chung không còn nhiều. Một bộ phận của giới trẻ đang đi theo một lối sống mới, tự do, độc lập và không phụ thuộc vào bất kỳ ai để tự cảm nhận sự trưởng thành của bản thân. Chính vì suy nghĩ đó khiến mối quan hệ giữa các thành viên trong một số gia đình đang trở nên lỏng lẻo và thiếu gắn kết. Trước tác động trái chiều của công nghệ thông tin, giao tiếp trực tiếp của những thành viên trong gia đình có chiều hướng suy giảm…

Nâng cao nhận thức, chống xói mòn giá trị đạo đức của gia đình -0

Bên cạnh đó, những quan niệm về mối quan hệ hôn nhân cũng đang bị biến đổi theo chiều hướng xấu; sự thủy chung, tình nghĩa, hòa thuận vợ chồng có biểu hiện suy giảm; quan hệ hôn nhân của một số gia đình trẻ trở nên dễ vỡ, do bị chi phối bởi lối sống cởi mở, thực dụng, ích kỷ, lối sống chạy theo lợi ích vật chất. Mối quan hệ giữa các thành viên gia đình có biểu hiện thiếu gắn kết, do không gian sống và giao tiếp gia đình bị thu hẹp, nhu cầu, sở thích cá nhân được chú trọng, đề cao, cha mẹ không chăm lo với con cái, con cháu thiếu trách nhiệm với ông bà, cha mẹ, những nếp sinh hoạt gia đình vốn mang lại sự ấm áp cho mọi thành viên trong gia đình trong truyền thống tới giờ đang bị mờ dần, thậm chí lại trở thành những điều “khó chịu, áp lực” đối với không ít bạn trẻ…

- Quá trình hội nhập quốc tế tạo ra nhiều cơ hội, tuy nhiên việc duy trì, phát huy các giá trị văn hoá gia đình trong cũng đứng trước những khó khăn thách thức của việc “xâm thực văn hoá”. Bà có thể chỉ ra đâu là những khó khăn, thách thức lớn nhất trong việc duy trì, phát huy các giá trị văn hoá gia đình đối với thế hệ trẻ hiện nay?

- Tôi cho rằng, những tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập toàn cầu hóa đã làm thay đổi quan niệm của nhiều người về hệ giá trị gia đình. Xu hướng đề cao giá trị vật chất, tiền tài, danh vị xuất hiện, nhiều người sẵn sàng đánh đổi danh dự, nhân phẩm của bản thân, gia đình, dòng họ để đạt được mục đích của bản thân. Một số vụ việc mâu thuẫn gia đình liên quan đến quyền sở hữu đất đai, phân chia tài sản đã đẩy một số gia đình rơi vào cảnh lao lý… qua đó gióng lên hồi chuông báo động về những lỗ hổng trong giáo dục, văn hóa và đạo lý làm người trong nhiều gia đình hiện nay.

Mặt khác, mặc dù công nghệ truyền thông có những tác động tích cực đối với sự phát triển của đời sống xã hội cũng như mỗi gia đình Việt, tuy nhiên, mặt trái của nó cũng tạo ra những khoảng cách giữa các thành viên, các thế hệ. Trong không gian của nhiều gia đình ở đô thị hiện nay, mỗi người là một thế giới riêng, khép kín, dẫn đến tình trạng cha mẹ, con cái không thấu hiểu nhau, cha mẹ thiếu sự quan tâm, khiến các bạn trẻ rơi vào những cạm bẫy, cám dỗ…

Hiện nay, cùng với quá trình đô thị hóa, nhịp sống nhanh của xã hội hiện đại và do ảnh hưởng của sự giao lưu, tiếp xúc với văn hóa phương Tây, mô hình gia đình truyền thống tam, tứ đại đồng đường đang dần thu hẹp, nhường chỗ cho sự hiện diện của gia đình hạt nhân (vợ chồng - con cái), cùng với đó là mô hình kiến trúc nhà ở gia đình cũng có sự thay đổi. Đan xen với những tín hiệu tích cực thì mô hình gia đình hiện đại cũng phải đối diện với nhiều vấn đề mới phức tạp như gia đình bố mẹ đơn thân, ly thân… xuất hiện ngày càng nhiều, ảnh hưởng lớn đến việc duy trì nòi giống, huyết thống và việc giáo dục, trao truyền văn hóa, giá trị gia đình cho thế hệ trẻ.

Văn hóa gia đình là tài sản vô giá

- Để góp phần giữ gìn và phát huy nét đẹp truyền thống của gia đình Việt Nam, Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã phối hợp cùng các đơn vị tổ chức chương trình Tôn vinh các gia đình trẻ Việt Nam tiêu biểu, bà đánh giá thế nào về hiệu quả của chương trình này?

- Tôi cho rằng, mỗi gia đình trẻ tiêu biểu là những “hạt giống đỏ” lan toả những giá trị tốt đẹp đến toàn xã hội. Bác Hồ từng nói: “nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Cho nên những chương trình nhằm tôn vinh các gia đình trẻ tiêu biểu này góp phần tăng cường tuyên truyền về vai trò, giá trị của gia đình và ý nghĩa của việc xây dựng gia đình trẻ no ấm, hạnh phúc, tiến bộ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Có thể kể đến như, Chương trình tuyên dương “Gia đình trẻ Việt Nam tiêu biểu” được Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) tổ chức từ năm 2020 với mục đích biểu dương, tôn vinh những gia đình trẻ điển hình, tiêu biểu cũng là cơ hội lan tỏa, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến, từ đó nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình đối với sự phát triển của xã hội…

Chương trình không chỉ hướng đến những điều tốt đẹp mà còn khơi dậy, phát huy, lan tỏa các giá trị của gia đình Việt. Góp phần tạo ra sự gắn bó, nâng cao cố kết gia đình, cộng đồng, góp phần trợ giúp đắc lực cho Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương trong hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân, góp phần vun đắp, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc…

- Cùng với những chương trình, phong trào tôn vinh các giá trị văn hoá gia đình, bà có thể chỉ ra một số giải pháp giữ gìn và phát huy nét đẹp truyền thống của gia đình Việt Nam trong giai đoạn hiện nay?

- Tôi cho rằng, việc đầu tiên là cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để thực hiện tốt chính sách phát triển gia đình Việt Nam trong giai đoạn mới. Đảng và Nhà nước ta đã có rất nhiều chủ trương, chính sách để phát triển gia đình Việt Nam nhưng cần lan tỏa sâu hơn nữa những chủ trương ấy để mỗi cá nhân trong xã hội cảm nhận được vị thế và giá trị thiêng liêng của gia đình. Tiếp đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về nét đẹp truyền thống của gia đình Việt Nam. Mỗi gia đình cần nhận thức sâu sắc rằng, nét đẹp văn hóa truyền thống của gia đình là tài sản tinh thần vô giá, liều thuốc vạn năng giúp cho mỗi con người có những suy nghĩ, hành động đúng đắn, hợp lý trong công việc, cũng như trong cuộc sống.

Ngoài việc tiếp tục “vun trồng”, nuôi dưỡng, phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống cần có thêm một cơ chế tự bảo vệ, chống lại sự tha hoá về văn hoá. Đặc biệt, cần chú trọng giáo dục cho thế hệ trẻ những giá trị đạo đức truyền thống, gia phong và văn hoá ứng xử trong gia đình.

Gia đình Việt Nam có những giá trị tốt đẹp vừa tạo nên sự gắn kết trong gia đình lại vừa tạo sự cố kết cộng đồng; tình yêu gia đình gắn chặt với tình yêu dân tộc. Những nét đẹp, những giá trị, chuẩn mực tốt đẹp đó cần được kế thừa và phát huy trong điều kiện mới. Tuy nhiên, cũng cần khắc phục, loại bỏ những giá trị không còn phù hợp của gia đình truyền thống như: tính gia trưởng, bất bình đẳng về giới, bất bình đẳng trong quan hệ giữa các thế hệ; những nghi lễ rườm rà tốn kém trong ma chay, cưới hỏi; tính cục bộ theo dòng họ, địa phương…

Ngoài ra, cũng cần có các chính sách thúc đẩy việc hình thành những giá trị, văn hóa gia đình hiện đại, phát huy được các giá trị tốt đẹp của văn hóa gia đình truyền thống, chống lại sự đứt đoạn về văn hóa trong quá trình chuyển đổi từ truyền thống sang hiện đại.

Song song với đó, cũng cần thực hiện tốt các chính sách ưu tiên phát triển kinh tế gia đình, trong đó ưu tiên các gia đình đồng bào dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Tăng cường các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình, chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, cơ cấu lao động; đưa tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp… 

Cùng với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, phải giữ vững ổn định chính trị, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn mọi biểu hiện gây chia rẽ, phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết cộng đồng gia đình các dân tộc Việt Nam, bảo đảm cho các gia đình có đời sống vật chất, tinh thần no đủ, phong phú để thực hiện tốt vai trò, chức năng của mình. Thường xuyên nêu gương và khen thưởng cho những gia đình mẫu mực… tạo dư luận trong cộng đồng, góp phần điều chỉnh nhận thức, thái độ, hành vi của mỗi gia đình.

- Xin cảm ơn bà!

Theo ĐBND