Mở cửa khu khai quật hoàng thành Thăng Long cho người dân vào xem trong dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Đây là một trong những đóng góp to lớn của giới sử học đối với việc bảo tồn di sản lịch sử - văn hóa của cha ông
Về vai trò xã hội của các nhà sử học, ông Trương Tấn Sang đánh giá: “Hội đã có nhiều cống hiến tích cực trong phát triển nền sử học VN, trong các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, có nhiều kiến nghị đầy tâm huyết về việc dạy và học môn sử trong hệ thống giáo dục quốc dân, có nhiều công trình nghiên cứu và phổ cập có ý nghĩa trong nâng cao nhận thức của xã hội về lãnh thổ và chủ quyền quốc gia, nhiều đóng góp cho 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”.
Ông Trương Tấn Sang đồng thời yêu cầu các nhà sử học “tập hợp rộng rãi giới sử học và những lực lượng xã hội quan tâm đến lịch sử, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử và văn hóa của dân tộc; quan tâm đến những bằng chứng lịch sử về chủ quyền lãnh thổ của đất nước ta, đến việc nâng cao chất lượng giáo dục kiến thức lịch sử trong và ngoài nhà trường; nâng cao nhận thức, kiến thức về lịch sử dân tộc cho thế hệ trẻ”.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc - tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử VN, một trong những thành tựu cơ bản nhưng đồng thời là khoảng hẫng hụt cơ bản trong nhận thức lịch sử dân tộc của nhân dân chính là vấn đề: “Lịch sử VN không nên nhận thức một cách phiến diện như trước đây, là lịch sử đơn tuyến của dòng văn hóa Đông Sơn với nước Văn Lang - Âu Lạc rồi đến Đại Cồ Việt, mà là lịch sử của các cộng đồng cư dân, các tộc người, các vương quốc từng tồn tại trên lãnh thổ VN hiện nay, bao gồm cả lịch sử dòng văn hóa Sa Huỳnh với nước Champa và dòng văn hóa Óc Eo với nước Phù Nam. Nội dung lịch sử nên nhấn mạnh đến tính toàn diện của nó, không chỉ là lịch sử chống ngoại xâm, lịch sử đấu tranh cách mạng, lịch sử chính trị, mà còn bao gồm tất cả các mặt của đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng”...
Ông Dương Trung Quốc cho biết: “Quan niệm lịch sử khách quan, toàn diện như vậy đã nảy sinh từ một số nhà sử học và qua các hội thảo khoa học ngày càng được giới sử học và xã hội chấp nhận, được xác lập trong giáo trình đại học ở một số trường. Tiếc rằng đến nay quan niệm như thế vẫn chưa được quán triệt đầy đủ trong chương trình môn lịch sử, sách giáo khoa lịch sử cấp phổ thông và một số sách phổ cập kiến thức lịch sử, gây nên những mảng trống, những hẫng hụt trong nhận thức lịch sử dân tộc của cán bộ, nhân dân, nhất là lớp trẻ...”.
Các nhà sử học cũng bày tỏ thẳng thắn về trách nhiệm của mình trong việc chưa có được một bộ quốc sử trong thời đại Hồ Chí Minh với tất cả những thành tựu nghiên cứu mới nhất, theo các phương pháp khoa học nhất về lịch sử dân tộc VN.
Đại hội đồng thời đề nghị Đảng, Nhà nước có những chính sách cụ thể và thiết thực để việc giáo dục và phổ cập lịch sử được sâu rộng hơn, để Bộ Giáo dục - đào tạo tiếp thu nhanh chóng và chính xác các đóng góp của các nhà sử học trong việc biên soạn lại sách giáo khoa lịch sử, cũng như tạo điều kiện cho các nhà sử học nghiên cứu và công bố các nghiên cứu khoa học của mình một cách thuận lợi hơn.
Đại hội đã bầu giáo sư Phan Huy Lê tiếp tục giữ chức chủ tịch, nhà sử học Dương Trung Quốc tiếp tục làm tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử VN.
Theo Tuổi trẻ |