Hiện nay, mạng xã hội thực sự đã trở thành “mảnh đất màu mỡ” để người trẻ thỏa sức sáng tạo.
Giới trẻ có cơ hội mở rộng việc làm đa dạng như: Freelancer content creator, KOL, KOC, TikToker… và nhóm công việc liên quan đến tiếp thị liên kết đa nền tảng, quản trị thương hiệu, truyền thông số… Theo một nhà báo nổi tiếng người Mỹ Adam Davidson, con người đang sống trong một nền kinh tế tạo ra hàng hóa ảo, cho phép kiếm tiền từ những suy nghĩ, kỹ năng, ý tưởng của họ.
Hàng hóa ảo
Có thể hiểu, "hàng hóa ảo" là những vật thể phi vật lý, được mua - sử dụng trong cộng đồng trực tuyến bởi những "khách hàng" sẵn sàng chi trả để đạt được mục đích nhất định.
Cụ thể hơn, Nguyễn Hồng Nhung (CEO của Công ty truyền thông Cready Creative) phân tích, sản phẩm của hoạt động sáng tạo nội dung chính là các content quảng cáo, ý tưởng, nội dung của chiến dịch truyền thông, các video, blog trên YouTube, TikTok... Thông qua "hàng hóa ảo" (hay còn gọi là sản phẩm ảo) từ hoạt động sáng tạo nội dung sẽ giúp doanh nghiệp, nhãn hàng... thực hiện hóa được kế hoạch tiếp thị, mở rộng thị trường, mở rộng đối tượng khách hàng mục tiêu. Khi các nhãn hàng, doanh nghiệp bán được nhiều hàng hơn, doanh thu tăng lên... đó chính là giá trị mà "hàng hóa ảo" tạo ra.
Nguyễn Hồng Nhung sáng tạo nội dung thông qua kênh hình. |
Với góc nhìn khác, bạn Vũ Thanh Lâm (25 tuổi, chuyên viên truyền thông của công ty về công nghệ) cho biết, các “hàng hoá ảo” mà những người sáng tạo nội dung sản xuất ra chưa hẳn là mới. Lâm lý giải, chúng giống với những sản phẩm nghe, nhìn đã có từ trước trên truyền hình, nhưng lại được đưa đến cho người dùng theo những kênh mới hơn.
Mặc dù trong nhiều trường hợp, “hàng hoá ảo” không yêu cầu người dùng trả phí để sử dụng, nhưng người xem (người tiêu dùng) vẫn phải bỏ ra thời gian và sự tập trung nhất định để “tiêu thụ” sản phẩm. Khi một hàng hoá được người tiêu dùng tiếp nhận, sử dụng, chắc chắn chúng sẽ mang đến giá trị.
Cũng có nhiều người thắc mắc, nếu "ai cũng là nhà sáng tạo nội dung" vậy "ai sẽ là người tiêu thụ?", Thanh Lâm cho rằng, người sáng tạo nội dung cũng chỉ có thể làm về một mảng nội dung nhất định mà họ có kiến thức. Vì vậy, họ cũng cần biết về những thứ mà họ chưa có kiến thức. Nên việc tất cả mọi người sản xuất và không có người tiêu thụ sẽ là điều không thể xảy ra.
Còn Lê Huy (SN 2000, ở Hải Phòng) - người sáng tạo kênh 16 Memories có 1,6 triệu người theo dõi, gần 34 triệu người yêu thích trên mạng xã hội TikTok cũng đưa ra nhận định riêng về "hàng hóa ảo". Theo Huy, sản phẩm của hoạt động sáng tạo nội dung sẽ phụ thuộc vào đặc thù, mục đích xây dựng của từng kênh. Với đa phần những kênh có thể thương mại (bằng cách này hay cách khác) dựa trên hình ảnh cá nhân, thì nó là "hàng hóa ảo". Còn số ít những kênh mục đích phi thương mại thì sẽ không có "hàng hóa ảo".
Phân tích sâu hơn, Th.S. Bảo Trân (SN 1996, hiện sống tại Mỹ) vừa là bác sĩ, vừa tham gia vào hoạt động sáng tạo nội dung về lĩnh vực y khoa, cô nói: "Hiện nay, các doanh nghiệp, nhãn hàng quảng cáo qua hàng hoá ảo bởi đó là vật liệu thiết yếu duy trì sự tham gia của người dùng, và cũng là công cụ để giới thiệu sản phẩm mới. Một số doanh nghiệp còn đang "cho đi" mặt hàng ảo, đổi lại họ hy vọng có thể thu hút và mở rộng phạm vi khách hàng trung thành. Họ dành nhiều nỗ lực để giữ chân người dùng, bởi tệp người dùng cực kỳ có giá trị đối với họ. Nội dung ảo có thương hiệu tạo hứng thú cho người dùng và có thêm phần thưởng tạo doanh thu cho cả nền tảng và thương hiệu". |
Tiền thật
Trước đó, do dịch COVID-19, người trẻ không có cơ hội kết nối xã hội, hạn chế cơ hội việc làm, vì vậy, nhiều bạn đã tìm đến công việc online như viết content trên mạng xã hội, sáng tạo nội dung trên TikTok. Đến nay, sáng tạo nội dung đã trở thành một nghề, lại càng được ưa chuộng hơn bởi thu nhập tốt, không giới hạn thời gian (với freelancer), được tự do sáng tạo, được nhiều người chú ý (với KOL, KOC).
Thu nhập của người sáng tạo nội dung đến từ doanh thu của nhãn hàng sau khi bán được nhiều sản phẩm nhờ sử dụng "hàng hóa ảo". Và mức độ tương tác chính là KPI của những người tạo nội dung, nó cũng sẽ quyết định định mức “tiền lương” cho mỗi sản phẩm tạo ra.
Theo số liệu từ JobsGO, các vị trí như viết content maketing, digital maketing... trong năm 2022 sẽ có mức lương trung bình từ 9 đến 15 triệu đồng/tháng (chưa tính thưởng KPI). Nhưng riêng thu nhập của những nhà sáng tạo nội dung trên TikTok sở hữu lượt theo dõi "khủng" sẽ dao động từ hàng chục đến hàng trăm triệu nhờ hoạt động quảng cáo và tiếp thị liên kết.
Cụ thể, bạn Vũ Thanh Lâm (25 tuổi, chuyên viên truyền thông của công ty về công nghệ) cũng tiết lộ, hiện tại, Lâm đảm nhiệm vị trí sản xuất nội dung số cho công ty với mức lương 14 triệu đồng/tháng, nếu hoàn thành tốt các dự án quảng cáo sẽ được cộng thêm tiền hoa hồng.
"Thu nhập trong ngành cũng tuỳ thuộc vào công việc cụ thể, bởi có rất nhiều mảng nhỏ liên quan. Mặc dù mức thu nhập tốt nhưng mình nghĩ đây là một ngành yêu cầu tính sáng tạo của người làm nghề cao, nên chưa chắc hoạt động sáng tạo nội dung sẽ là nghề kiếm tiền dễ dàng cho tất cả mọi người", Lâm nói.
Những người làm sáng tạo nội dung không nhất thiết phải đến văn phòng, họ có thể sáng tạo mọi lúc, mọi nơi. |
Bên cạnh nhiều cơ hội phát triển, người sáng tạo nội dung hiện nay phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt bởi thị trường lao động đông đúc và không phải cứ dành nhiều thời gian, công sức để tạo ra nội dung thì sẽ được tiếp nhận nội dung.
Theo TP