“Ngọc Tâm thủy tinh” với lớp học đặc biệt

(CTG) 30 năm sống chung với căn bệnh xương thủy tinh quái ác, nhưng Nguyễn Thị Ngọc Tâm, ở xã Yên Quang - huyện Ý Yên - tỉnh Nam Định vẫn luôn mạnh mẽ, lạc quan từng ngày, vượt qua bệnh tật để thực hiện ước mơ làm cô giáo. Hằng ngày, Ngọc Tâm vẫn cần mẫn gieo chữ trong một lớp học không bảng, không phấn, không bục giảng.

Không đếm nổi số lần gãy xương

“Tuổi thơ em không được vẹn tròn/ Khi em ra đời đôi chân không duỗi thẳng/ Tuổi thơ em cay đắng, thiệt thòi/ Không được nhảy dây, hái hoa, bắt bướm/ Em đã vượt lên sự nghiệt ngã của cuộc đời/ Bằng chiếc xe mẹ đưa em đi học/ Học làm người thêm yêu cuộc sống/ Yêu hòa bình và căm ghét chiến tranh/ Yêu hơn cả là cuộc sống màu xanh/ Chỉ có nụ cười trong suốt tuổi thơ…”-Đó là bài thơ tự bạch về cuộc đời mình của cô gái “Ngọc Tâm thủy tinh”.

Từ khi mới lọt lòng, một chân của Ngọc Tâm bị quặt lên trên bụng. Sau nhiều lần điều trị, chân Tâm duỗi thẳng được, nhưng vẫn không thể đi lại. Hồi bé, bố của Ngọc Tâm đóng cho cô chiếc xe tập đi bằng gỗ. Thương bố mẹ vất vả vì mình, Tâm cố gắng tập luyện thật nhiều với hy vọng có thể đi lại được. Cô tâm sự, có những lần tập bị rạn xương, thậm chí gãy cả xương, đến bệnh viện bác sĩ bó bột xong về lại tập đi tiếp. Thế nhưng, mọi nỗ lực của Ngọc Tâm không thành, bệnh tật buộc cô chấp nhận phải nhờ sự trợ giúp của mọi người để vận động, di chuyển.

“Ngọc Tâm thủy tinh” với lớp học đặc biệt

“Ngọc Tâm thủy tinh” giảng bài cho học sinh.

Căn bệnh xương thủy tinh khiến xương dễ gãy. Người bệnh nhiều khi chỉ ngồi sai tư thế, hoặc va đập nhẹ cũng có thể bị gãy xương. "Hỏi số lần bị ngã và bị gãy xương thì mình không nhớ và cũng không đếm được”, Ngọc Tâm chia sẻ. 30 năm qua, mọi sinh hoạt bình thường nhất của Ngọc Tâm đều phải nhờ sự trợ giúp của người thân. Những lần bị ốm, đau nhức cơ thể, hô hấp kém, Ngọc Tâm phải ngủ trong tư thế ngồi hoặc nằm sấp. Đau đớn là thế, nhưng Ngọc Tâm vẫn luôn lạc quan, yêu đời, coi bệnh tật là thử thách để vượt qua, để tiếp tục sống vui vẻ, bởi cô luôn có gia đình sát cánh. Đối với cô, gia đình là bến bờ hạnh phúc, là động lực để Ngọc Tâm mạnh mẽ sống với cuộc đời này. Ông Nguyễn Văn Thanh, bố Ngọc Tâm tâm sự: “Không bao giờ chúng tôi để Tâm phải suy nghĩ về bệnh tật của mình. Chúng tôi luôn lạc quan và dí dỏm để truyền niềm vui đến cho con. Chúng tôi cố gắng để con thấy mình cũng giống bao bạn bè cùng trang lứa, được bố mẹ yêu thương và chăm sóc. Dù cuộc sống có vất vả, khó khăn, phải bán nhà ở thành phố để về quê, nhưng chúng tôi vẫn luôn cố gắng dành cho Tâm những điều tốt nhất".

Đến tuổi đi học, nhận thức được hoàn cảnh của mình, nên Ngọc Tâm chỉ dám lặng lẽ dõi theo các bạn hằng ngày cắp sách tới trường. Tưởng chừng cô gái bé nhỏ ấy sẽ an phận như thế, nhưng lên 8 tuổi, khao khát được đi học lại cháy bỏng trong Tâm. Thế là Ngọc Tâm xin bố mẹ cho đến lớp với mong muốn “biết con chữ để đọc báo được thôi”. Thương con, ngày ngày, gia đình thay phiên nhau chở Tâm đến trường. Dù quãng đường từ nhà đến trường tiểu học không xa nhưng do căn bệnh xương thủy tinh nên người thân phải dùng gối chèn xung quanh ghế ngồi xe đạp để tránh làm Tâm bị thương khi đi vào những đoạn đường xóc. Ham học là thế, nhưng do đường đến trường trung học cơ sở xa hơn, sức khỏe lại yếu đi nên việc học của Ngọc Tâm chỉ dừng lại hết lớp 9.

Lớp học “3 không” đặc biệt

Chín năm đi học với biết bao vất vả, gian nan nhưng với cô gái xương thủy tinh ấy là món quà vô giá, là khoảng thời gian để Ngọc Tâm dần chạm tới ước mơ trở thành cô giáo của mình. Sau khi nghỉ học, với vốn kiến thức có được, Ngọc Tâm nhận dạy kèm miễn phí các bạn, các em học sinh nhỏ tuổi tại nhà. Lớp học là căn phòng nhỏ chỉ vỏn vẹn 10m2, không bảng, không phấn, không bục giảng, nhưng ở đó có lòng nhiệt huyết của một cô gái đầy bản lĩnh, nghị lực, vượt qua bất hạnh để sống với ước mơ đời mình. Ban đầu, từ vài ba đứa trẻ, lớp học của “Ngọc Tâm thủy tinh” dần đông hơn. Không chỉ các em xã Yên Quang, mà nhiều học sinh ở các xã lân cận cũng tìm đến “cô giáo nhỏ” để ôn bài. Điều khiến căn phòng học trở nên đặc biệt hơn là sự gần gũi giữa cô và trò và cách xưng hô ở đây cũng chẳng giống nơi nào. “Mình chưa bao giờ nghĩ sẽ là cô giáo. Mình chỉ nghĩ mình là người kèm thêm cho các em thôi. Bởi có những bạn học sinh chỉ ít hơn mình 5 đến 6 tuổi. Vì thế, có bạn gọi mình là chị, có bạn gọi là cô. Chỉ cần mọi người cảm thấy vui vẻ, thoải mái là mình vui rồi”, Ngọc Tâm cho biết.

Cân nặng chưa đầy 15kg, hạn chế trong việc vận động, di chuyển, Tâm ngồi lọt thỏm giữa đám học trò với đủ lứa tuổi từ lớp 1 đến lớp 8, nên việc quán xuyến, dạy học các em trở nên khó khăn hơn. Nhưng dù ở độ tuổi nào, khi đến với Ngọc Tâm, các em dường như hiểu chuyện hơn, ngoan hơn, chăm học hơn. Bởi các em cảm nhận được tình yêu cũng như nghị lực vượt lên bệnh tật của “cô giáo nhỏ” Ngọc Tâm.  

Những bài học và tấm lòng nhân ái của “Ngọc Tâm thủy tinh” đã lan tỏa rất xa. Đó là câu chuyện về lòng tốt của cô gái 9X mắc bệnh xương thủy tinh làm lay động trái tim hàng nghìn con người. Lớp học ngày càng đông hơn khi Ngọc Tâm nhận được sự tin tưởng tuyệt đối của phụ huynh. Hàng trăm em học sinh đã từng học trong căn phòng 10m2 ấy được Ngọc Tâm kèm cặp để trưởng thành. Lứa học sinh đầu tiên của Tâm giờ đã là sinh viên đại học. Năm nào, các bạn cũng về thăm và trò chuyện với cô giáo đặc biệt của mình, người truyền kiến thức và nghị lực sống cho họ. Cô đã góp một phần quan trọng không chỉ vào việc dạy học mà còn là nguồn cảm hứng, truyền động lực cho học trò vươn lên sống tốt, sống đẹp.

Hơn 10 năm dạy học, mỗi lần lên lớp là mỗi lần Ngọc Tâm cần tới sự giúp đỡ của bố mẹ để kê bàn ghế, sắp xếp sách vở cho học sinh. Nhưng đối với bố mẹ Ngọc Tâm, dù vất vả thế nào, chỉ cần được thấy cô sống và thực hiện ước mơ là niềm hạnh phúc lớn lao nhất. Bà Nguyễn Thanh Sự, mẹ Ngọc Tâm, xúc động chia sẻ: “Nhiều lúc đứng ngoài cửa sổ nhìn Tâm giảng bài, tôi hạnh phúc lắm. Tôi tự hào vì Tâm đã làm được điều cháu mong muốn, những điều có ích cho bản thân và cho mọi người. Chỉ mong cháu có sức khỏe để tiếp tục thực hiện ước mơ của mình”.

Trong suốt buổi gặp gỡ và trò chuyện với Ngọc Tâm, chúng tôi luôn thấy nụ cười nở trên môi cô gái ấy. Đó là nụ cười xua tan bệnh tật và cũng là nụ cười tiếp thêm nghị lực sống cho những ai biết đến cô. Sự mạnh mẽ, khát khao sống và cống hiến của Ngọc Tâm được cô bộc bạch: “Sinh ra ai cũng có số phận. Có thể so với những người bình thường khác, Tâm gặp nhiều khó khăn và trở ngại hơn. Nhưng, Tâm luôn nỗ lực để vượt qua khó khăn ấy. Tâm nghĩ, bản thân mình là người đặc biệt, là cô gái 30 tuổi nhưng có hình hài của một em bé. Tuy bác sĩ bảo người bị bệnh xương thủy tinh tuổi thọ sẽ ngắn, nhưng không vì thế mà Tâm buồn. Tâm luôn lạc quan, yêu đời vì nghĩ không quan trọng mình sống bao lâu, mà quan trọng mình sống sâu và ý nghĩa như thế nào”.

Với nỗ lực, cố gắng vươn lên phi thường của mình, chị vinh dự là 1 trong 64 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu được tuyên dương tại chương trình "Tỏa sáng nghị lực Việt" năm 2020 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam phối hợp tổ chức trong 2 ngày (27 - 28/12/2020) tại Hà Nội.

Thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 01/11/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật, Quyết định số 1190/QĐ-TTg ngày 05/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2030, đồng thời triển khai phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” của  Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2020 trong 2 ngày (27 - 28/12/2020) tại Hà Nội.

Chương trình nhận được sự phối hợp đồng hành chính xuyên suốt của Công ty TNHH TCPVN (chủ sở hữu thương hiệu nước tăng lực Red Bull và Warrior) và sự tham gia hỗ trợ của Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet, Tập đoàn Hoa Sen. Chương trình nhằm tôn vinh các tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu, giàu nghị lực, vượt qua nghịch cảnh và tích cực đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng; góp phần bồi đắp lý tưởng sống tốt đẹp cho thanh niên, thúc đẩy sự vươn lên của thanh niên Việt Nam. Đồng thời, chương trình cũng tạo sự quan tâm, kêu gọi cộng đồng xã hội tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên khuyết tật Việt Nam. Thông qua chương trình, Ban Tổ chức cũng mong muốn tìm ra các mô hình phù hợp, bền vững để hỗ trợ thanh niên khuyết tật hòa nhập cộng đồng bình đẳng, tự tin và hiệu quả.

 Nguồn: QĐND