Người lớn sơ sểnh, trẻ em bị đuối nước

(CTG) Ths. Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em - Bộ LĐ-TB&XH chỉ ra nguyên nhân chủ yếu của số vụ tai nạn chết đuối ở trẻ em chính là do ý thức của nhiều bậc phụ huynh mải mê làm ăn mà thiếu quan tâm đến con cái, không giám sát trẻ một cách chặt chẽ.


Chỉ trong tháng 3/2012, đã có rất nhiều vụ trẻ em chết đuối (còn gọi là đuối nước) rất thương tâm:

Trưa 16/3, em Nguyễn Tiến Hoàng (11 tuổi) bị chết đuối tại hồ Suối Cang thuộc phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài (Bình Phước). Hôm sau, 17/3, cháu Trịnh Quang Huy, học sinh lớp 7, Trường THCS Quảng Phú, phường Quảng Phú, TP Quảng Ngãi chết đuối khi dũng cảm lao vào vực nước sâu cứu bạn. Cũng ngày 17/3, tại khu vực xây dựng Trường Đại học Quốc gia tại Thạch Hòa, Thạch Thất, Hà Nội, cháu Lê Quân Anh và Đỗ Công Vinh (6 tuổi) đã bị chết tại hố sâu trong công trường đang thi công dở dang.



Cần có rào chắn bảo vệ trẻ em khi nhà ở gần ao hồ, sông ngòi để tạo môi trường an toàn cho trẻ.


Trước đó, ngày 6/3, 3 chị em ruột là Nguyễn Thị Chinh (15 tuổi), Nguyễn Thị Thúy (12 tuổi) và Nguyễn Tiến Phi (10 tuổi) ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, rủ nhau đi mò ốc, bắt cá và cùng chết đuối dưới hồ nước v.v… Thật đau lòng, khi những con số trên chỉ là một vài ví dụ trong hàng ngàn trẻ em bị chết đuối mỗi năm ở nước ta.

Theo Ths. Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em - Bộ LĐ-TB&XH thì, năm 2010, cả nước có khoảng 4.500 ca tử vong do đuối nước, là nguyên nhân hàng đầu về tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em. Tức là, mỗi ngày có khoảng 12 trẻ bị chết đuối. Tỷ lệ trẻ đuối nước tại Việt Nam cao nhất so với các nước trong khu vực. Đây quả là một con số mang đầy tính cảnh báo.

Con số thống kê đưa ra tại hội nghị vào đầu tháng 3/2012 của ngành Y tế và LĐ-TB&XH, cũng cho thấy: chỉ trong 6 tháng năm 2011, riêng tỉnh Nam Định đã có 312 trường hợp đuối nước, vì địa phương thuộc vùng chiêm trũng, nhiều ao đầm sông ngòi và hầu hết, đầm nước, hồ ao không có rào chắn để ngăn trẻ, trong khi trẻ nhỏ thường hiếu động, còn người lớn lại bất cẩn.

Nghiên cứu của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho thấy: trung bình mỗi năm, tỷ suất tử vong do đuối nước là 8/100.000 người/ năm. Trẻ em là nhóm có nguy cơ tử vong do đuối nước cao, trong đó, cao nhất là nhóm 0-4 tuổi với trung bình 22 trẻ/100.000 trẻ/ năm, trong đó trẻ nam có nguy cơ tử vong nhiều hơn trẻ nữ 1,4 lần. Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nội, Tiền Giang, Nam Định... đang là những tỉnh có số trẻ em chết đuối cao nhất: trung bình hàng năm, mỗi địa phương có hơn 100 trẻ em chết đuối.

Ths. Nguyễn Trọng An chỉ ra nguyên nhân chủ yếu của số vụ tai nạn chết đuối ở trẻ em chính là do ý thức của nhiều bậc phụ huynh mải mê làm ăn mà thiếu quan tâm đến con cái, không giám sát trẻ một cách chặt chẽ. Thực tế, không ít vụ đuối nước thương tâm là do sự bất cẩn của người lớn. Nhiều gia đình quan tâm cho con cái ăn học, mua sắm đồ chơi, nhưng lại không nghĩ đến việc trang bị kỹ năng bơi lội cho trẻ để phòng ngừa bất trắc.

Trong bối cảnh đó, môi trường không đảm bảo an toàn cho các bé vẫn diễn ra: không ít trường hợp các công trường xây dựng, hoặc người dân đào hố sâu để làm việc gì đó, nhưng không có cảnh báo, hoặc sau khi xong việc lại không san lấp. Một chút lơi lỏng của người lớn đủ khiến trẻ bị cướp đi tính mạng khi rơi xuống ao, hồ, sông, ngòi, giếng nước.

Tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước rất cao hàng năm cho thấy, không thể coi nhẹ vấn đề này, từ gia đình cho đến nhà trường, với các giải pháp hữu hiệu, để có thể ngăn chặn tình trạng trên.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, kinh nghiệm của nhiều nước chỉ ra rằng, có thể xây dựng môi trường an toàn cho trẻ em hoàn toàn bằng cách thức đơn giản như: rào quanh ao, hồ cạnh nhà, cắm biển cảnh báo ở nơi nước sâu nguy hiểm, làm rào chắn bảo vệ cho những ngôi nhà có trẻ nhỏ ở gần ao hồ và giám sát trẻ em v.v… Vì thế, đó là những công việc quan trọng cần phải tiến hành ngay khi có thể giúp xoay chuyển được tình hình hiện nay, giảm tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ.

Tuy nhiên, theo đại diện tổ chức UNICEF tại Việt Nam, việc hoạch định chính sách nhằm giảm thiểu tử vong do đuối nước đòi hỏi có những giải pháp can thiệp phù hợp, như xây dựng kế hoạch quốc gia phòng chống đuối nước, xây dựng hệ thống giám sát điểm tại cộng đồng để xác định nguy cơ.

Vấn đề được coi là cực kỳ quan trọng chính là công tác tuyên truyền về tình trạng đuối nước ở trẻ, nhằm giúp các bậc cha mẹ nhìn rõ những nguy cơ mà con em mình phải đối mặt hàng ngày. UNICEF cũng cho rằng, Việt Nam nên có một chương trình học bơi cho trẻ em ở lứa tuổi tiểu học trên toàn quốc.

Để có thể hạn chế tai nạn chết đuối cho trẻ, cần khuyến cáo các bậc phụ huynh coi trọng công tác chăm sóc, quản lý trẻ, nhất là khi ở nơi có nhiều sông nước. Không cho trẻ đi tắm, bơi ngoài sông, suối mà không có người lớn biết bơi đi kèm; nên có người lớn đưa trẻ đi học trong mùa mưa lũ, đặc biệt khi phải đi qua suối, sông; mặc áo phao cho trẻ khi đi thuyền. Việc tập bơi lội nên đưa thành một môn học trong nhà trường sẽ rất có ích cho trẻ chủ động đối phó với tình huống xấu.


Theo CAND