Trả lời:
Người đi du lịch, nhất là du lịch nước ngoài, thường bị thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt hằng ngày, chênh lệch múi giờ. Những thay đổi này có thể ảnh hưởng đến kiểm soát đường huyết của người bệnh tiểu đường.
Để có chuyến đi thuận lợi, nhiều niềm vui, bạn nên đi khám sức khỏe, chia sẻ với bác sĩ các hoạt động dự kiến trong chuyến đi, từ đó bác sĩ đánh giá mức độ ảnh hưởng đến bệnh tiểu đường.
Bác sĩ sẽ hướng dẫn cách điều chỉnh thuốc điều trị tiểu đường, nhất là insulin, nếu bạn đi du lịch đến nơi khác múi giờ. Đôi khi, người bệnh cần tiêm một số loại vaccine trước chuyển đi.
Người bệnh nên tìm địa chỉ bệnh viện, phòng khám, các thông tin y tế nơi sắp đến du lịch để phòng các tình huống cần thiết.
Kiểm tra hành lý để chắc chắn mang đủ đồ dùng cần thiết quản lý bệnh tiểu đường như bút thử đường huyết, túi giữ lạnh bảo quản insulin. Mang theo đồ ngọt phòng hạ đường huyết và mang gấp đôi lượng thuốc để phòng các trường hợp về trễ hơn kế hoạch.
Nhiệt độ cao có thể làm hỏng máy đo đường huyết, que thử, bút tiêm insulin và các loại thuốc khác. Người bệnh không đặt những vật này dưới ánh nắng trực tiếp hoặc những nơi quá nóng. Insulin cần được giữ trong ngăn mát tủ lạnh ở khách sạn (nếu có) hoặc trong túi giữ lạnh đã chuẩn bị (chú ý không đông đá). Khi tới nơi khác múi giờ, bạn nên đặt báo thức để uống thuốc đúng giờ.
Chế độ sinh hoạt và ăn uống có thể khác biệt so với thường ngày, làm rối loạn kiểm soát đường huyết. Người bệnh cần lưu ý tuân thủ chế độ ăn khi mắc tiểu đường như ăn đúng giờ, không quá nhiều chất bột đường, hạn chế đồ chiên xào nhiều dầu mỡ và thức uống có cồn.
Tránh hoạt động thể chất quá nhiều trong thời tiết nắng nóng, uống đủ nước, không đi chân trần, bảo vệ da tránh tiếp xúc trực tiếp với thời tiết quá nóng. Người bệnh cũng cần vận động nhẹ nhàng, không ngồi quá lâu.
Bạn không nên xem tiểu đường là gánh nặng khi đi du lịch, thay vào đó cần chuẩn bị tâm lý thoải mái, giảm căng thẳng có thể giúp kiểm soát bệnh tốt hơn.
Theo Vnexpress |