Người trẻ bày mực tàu, giấy đỏ thời công nghệ số

(CTG) Mỗi dịp Tết đến Xuân về, nhiều người trẻ lại chỉnh tề khăn đóng áo dài bày mực tàu, giấy đỏ, thảo những nét “phượng múa, rồng bay”, khi cuộc sống ngày càng hiện diện nhiều thiết bị công nghệ số cầm tay. Bên những vuông chiếu, họ vừa góp phần mang đến nét văn hoá truyền thống, vừa có thêm thu nhập đáng kể.

Mỗi năm hoa đào nở/Lại thấy ông đồ già/Bày mực tàu giấy đỏ/Bên phố đông người qua/Bao nhiêu người thuê viết/Tấm tắc ngợi khen tài/Hoa tay thảo những nét/Như phượng múa, rồng bay…

(Ông đồ - Vũ Đình Liên)

Tết Ất Tỵ 2025 cận kề, các diễn đàn, hội nhóm về thư pháp trên các nền tảng mạng xã hội càng thêm rộn ràng đăng tải hình ảnh, video viết chữ, cho chữ mang ý nghĩa tốt lành. Hình ảnh những người trẻ khăn đóng áo dài bên nghiên mực, vuông giấy và “múa bút” tái hiện một nét không gian văn hóa truyền thống của dân tộc.

 

Dưỡng tâm rèn chí, trân trọng giá trị truyền thống

Trong số những người trẻ sớm bày biện mực tàu, giấy đỏ dịp Tết năm nay có Nguyễn Văn Tùng (SN 1992, quê Hà Tĩnh) - nhân viên Ngân hàng Vietcombank tại Hà Nội, với 15 năm luyện thư pháp chữ quốc ngữ và cho chữ.

Tùng tập thư pháp vào đầu năm cấp ba, bằng cách dùng tăm tre chấm mực được lấy từ ngòi bút bi hỏng, rồi học viết bằng bút lông. Tùng bộc bạch, mới học thư pháp tưởng chừng đơn giản, chỉ cần điều khiển ngọn lông bút theo ý mình. Tuy nhiên, càng học hỏi, tìm tòi mới thấy viết thư pháp khó nhất là việc hiểu ý nghĩa và biểu đạt chữ.

“Người xin chữ gửi gắm tâm tư, tình cảm, mong muốn, những đích đến trong một năm, cũng như cả cuộc đời. Một bức thư pháp đẹp cần trình bày hài hòa, chính – thứ - phụ rõ ràng, đặc biệt là nội dung chữ mang lại ý nghĩa gì cho người xin chữ”, Tùng bày tỏ.

Tùng chia sẻ thêm, hiện cậu viết thư pháp chủ yếu để tiếp tục nuôi dưỡng đam mê, rèn tính kiên nhẫn, chỉn chu hơn trong công việc.

Người trẻ bày mực tàu, giấy đỏ thời công nghệ số ảnh 1

Nguyễn Văn Tùng đã có 15 năm gắn bó với viết thư pháp chữ quốc ngữ. Ảnh: NVCC

Trong số những bạn trẻ cho chữ còn có những “bà đồ”, “cô đồ” như Tống Thị Dung (SN 1997, quê Bắc Giang) - giáo viên trường Tiểu học Hương Gián, huyện Yên Dũng, Bắc Giang.

Dung chia sẻ, từ nhỏ đã thích luyện chữ và vẽ tranh; tốt nghiệp phổ thông, trở thành sinh viên trường sư phạm. Năm 2017, trong một lần hiến máu tình nguyện, cô gặp một người viết thư pháp tặng người tham gia hiến máu, và được tặng một chiếc bút lông. Từ đó, cô mày mò tìm hiểu, học hỏi, luyện viết thư pháp và tham gia cộng đồng thư pháp của những người trẻ đam mê chữ nghĩa.

“Từ việc viết thư pháp dịp đầu Xuân năm mới, tôi được cảm thêm sự giao thoa giữa quá khứ và hiện tại; được lắng lại với không khí Tết truyền thống giữa nhịp sống nhộn nhịp hiện đại; được kết nối với những người đến xin chữ”, “cô đồ” Tống Thị Dung nói.

Bén duyên với thư pháp, Dung có dịp tìm hiểu thêm nhiều nét phong tục, văn hoá truyền thống gắn với Tết cổ truyền, đầu xuân năm mới như: Xin chữ ngày Tết thể hiện việc trọng chữ nghĩa, tri thức; lì xì mừng tuổi và chúc Tết; khai bút đầu xuân khuyến khích tinh thần học tập, sáng tạo, và mong cầu thuận lợi trong học hành.

“Mỗi lần mặc áo dài, đội khăn đóng và ngồi bên bút nghiên, tôi cảm thấy mình như được sống trong không khí của Tết xưa, trang nghiêm, gần gũi. Hình ảnh ấy khiến tôi tự hào vì mình đang làm sống lại một nét văn hóa đẹp, đồng thời giúp tôi thêm tĩnh tâm và trân trọng giá trị truyền thống”, Dung nói. 

Thu nhập đáng kể từ nghề “tay trái”

Nguyễn Văn Tùng không chỉ “chơi” mà còn kiếm được tiền bằng việc viết thư pháp. Tùng cho biết, ngay năm đầu từ Hà Tĩnh vào TPHCM học đại học, cậu thường trải chiếu ngồi viết chữ, vẽ móc khóa tại các chợ đêm ở làng sinh viên, cổng ký túc xá. Những ngày mang vác đèn, chiếu đi khắp các chợ đêm, được sống đời sống của những người làm nghề buôn bán chợ đêm… là những kỷ niệm vui buồn của nghề viết chữ. Thu nhập từ việc viết chữ đã giúp chàng trai vượt qua những ngày sinh viên khó khăn.

“Đến nay đã 15 mùa Tết tôi làm ông đồ. Hiện việc viết chữ chủ yếu phục vụ tại các sự kiện văn hóa, chợ quê, các lễ hội khai xuân… với không gian được trang trí mang nét hoài cổ, giúp mọi người có thể tiếp cận, giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống xin chữ ông đồ”, Tùng nói.

 Người trẻ bày mực tàu, giấy đỏ thời công nghệ số ảnh 2

Nguyễn Văn Tùng viết chữ trên nhiều chất liệu. Ảnh: NVCC

Không dừng ở việc viết chữ trên những khuôn giấy, “ông đồ” Tùng còn “múa bút” biến những đồ vật được làm từ những chất liệu khác nhau, thành tác phẩm có hồn và ý nghĩa, như nón lá, đèn lồng, quả dừa, đá, quạt vải, áo dài...; thậm chí viết thư pháp trực tiếp trên màn hình cảm ứng.

Theo Tùng, mỗi chất liệu khác nhau sẽ yêu cầu người viết nắm rất vững các kiến thức về pha mực, pha màu riêng biệt, cách vận bút khác nhau.

“Theo sự phát triển của công nghệ, các mẫu giấy để viết chữ được in đẹp hơn, đa dạng kiểu cách hơn, thậm chí in logo công ty; viết thư pháp trực tiếp trên màn hình cảm ứng. Tuy nhiên, người viết lẫn người xin chữ vẫn mong muốn giữ gìn nét mộc mạc mà tinh tế trong truyền thống, được cảm nhận sự uyển chuyển của ngòi bút lông, màu đen nhánh và mùi thơm của mực trên khuôn giấy…”, Tùng nói.

Nguyễn Văn Tùng hiện là chủ nhiệm CLB Hồn Việt xưa (Long Biên, Hà Nội) với hơn 20 thành viên, phần nhiều là các bạn trẻ. Mỗi dịp Tết, thành viên câu lạc bộ nhận làm các dịch vụ viết chữ, nặn tò he, gói bánh chưng, đèn, làm đèn lồng tại các sự kiện.

Tết Ất Tỵ 2025 này, Tùng kết hợp với thành viên câu lạc bộ thư pháp, nghệ nhân tò he, tranh Đông Hồ, nghệ nhân đèn lồng, gói bánh chưng… để làm những mô hình chợ quê truyền thống, đưa mọi người trở về với những ký ức, những kỷ niệm đẹp.

Người trẻ bày mực tàu, giấy đỏ thời công nghệ số ảnh 3

"Cô đồ" Tống Thị Dung viết chữ tại chương trình Tết tại trường THCS Ngô Sĩ Liên (Bắc Giang). Ảnh: NVCC

Cũng như “ông đồ” Nguyễn Văn Tùng, viết thư pháp trở thành nghề “tay trái” mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho Tống Thị Dung.

Tết này, Dung bước sang mùa thứ 3 trải chiếu bày bút nghiên cho chữ tại các sự kiện, chương trình chào Xuân và tại chùa Bổ Đà (xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, Bắc Giang) trong dịp Tết.

Theo Dung, trong dịp đầu Xuân năm mới, những chữ được yêu thích nhất là “Phúc”, “Lộc”, “Thọ”, “An”, “Tâm”, “Nhẫn”, “Hỷ” hay “Tài”. Mỗi chữ mang một ý nghĩa khác nhau, thể hiện mong ước cho một năm mới bình an, hạnh phúc và thịnh vượng.

“Tôi cảm thấy rất vui và tự hào khi công việc làm thêm của mình không chỉ mang lại niềm vui, thu nhập mà còn góp phần giữ gìn nét đẹp truyền thống. Mỗi nét chữ là một lời chúc, một thông điệp tốt lành gửi đến mọi người, và hơn hết, giúp lưu giữ tinh hoa văn hóa dân tộc trong đời sống hiện đại”, Dung nói.

Theo TP