Người trẻ gửi gắm và kỳ vọng đến tổ chức Đoàn

CTG - Trong Tháng Thanh niên 2024, cùng lắng nghe những mong muốn, kỳ vọng của các bạn trẻ gửi gắm đến tổ chức Đoàn.

Hỗ trợ nhiều hơn nữa để thanh niên khởi nghiệp

Trong những năm qua, Đoàn Thanh niên ngày càng chứng minh được vai trò và sứ mệnh của mình. Là đoàn viên, bản thân mình cũng có những tâm tư, nguyện vọng gửi gắm đến tổ chức Đoàn để đây sẽ là nơi thanh niên tin tưởng phát triển, góp phần xây dựng Đoàn Thanh niên ngày càng vững mạnh.

Người trẻ gửi gắm và kỳ vọng đến tổ chức Đoàn- Ảnh 1.

Vũ Thị Ngọc

NVCC

Mình hy vọng Đoàn Thanh niên có nhiều hoạt động hơn nữa về khởi nghiệp. Đặc biệt là khởi nghiệp gắn với chuyển đổi số. Đó có thể là chương trình, cuộc thi, hội thảo… để thanh niên thấy còn thiếu sót ở những điểm nào, tiềm năng của mình ra sao, đồng thời đây cũng là một cuộc thử tâm lý. Một số bộ phận thanh niên khi khởi nghiệp còn thiếu nền tảng kiến thức tổng quát, chẳng hạn như giỏi chuyên môn thì kém kiến thức kinh doanh, quản trị; giỏi tính toán đầu tư thì thiếu kiến thức chuyên môn kỹ thuật… Chính vì vậy rất cần Đoàn Thanh niên vào cuộc đào tạo, định hướng, giúp đỡ cho người trẻ mong muốn khởi nghiệp từ sớm.

Tạo thêm nhiều cơ hội để người trẻ phát triển bản thân

Với những hoạt động sôi nổi trong Tháng Thanh niên năm 2024, bản thân mình cảm thấy rất háo hức, tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ lại được tiếp thêm năng lượng. Song song đó, mình cũng có những mong muốn và kỳ vọng gửi gắm đến tổ chức Đoàn. Khi tham gia các hoạt động, phong trào Đoàn, Hội, mình mong muốn có cơ hội được khám phá, phát triển bản thân; xác định sở thích, kỹ năng và mục tiêu trong cuộc sống. Đây cũng chính là giá trị cốt lõi mà mỗi thanh niên cần phải có và phát huy nhiều hơn nữa.

Người trẻ gửi gắm và kỳ vọng đến tổ chức Đoàn- Ảnh 2.

Phạm Văn Mãi

NVCC

Chính vì vậy mình hy vọng tổ chức Đoàn sẽ tạo điều kiện để mỗi thanh niên có cơ hội được tham gia các hoạt động vì cộng đồng. Điều này sẽ tạo nên sự gắn kết và đóng góp nhiều hơn nữa những dự án, hoạt động bổ ích, có giá trị cho cộng đồng. Đồng thời thể hiện được tình yêu quê hương và thúc đẩy sự đoàn kết xã hội. Cuối cùng, là một thanh niên trong thời kỳ mới, mình hy vọng sẽ có thêm nhiều cơ hội được học tập, phát triển kiến thức, kỹ năng cần thiết để sẵn sàng bước vào thị trường lao động trong và ngoài nước. Mình luôn mong muốn được tham gia vào các vấn đề quốc tế; tạo cơ hội để thanh niên có những ảnh hưởng đến cộng đồng trong nước và quốc tế.

Phạm Văn Mãi - Ủy viên BCH Hội Sinh viên TP.Đà Nẵng,
Phó chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Duy Tân

Mở rộng các mô hình, cuộc thi tranh biện trong cộng đồng sinh viên và thanh niên

Là một người trẻ đang sống trong thời đại toàn cầu hóa, mình mong muốn Đoàn sẽ mở rộng các mô hình, cuộc thi tranh biện trong cộng đồng sinh viên và thanh niên. Đối với mình, những cuộc thi này không chỉ là nơi để rèn luyện kỹ năng giao tiếp, tư duy phản biện, mà còn là cơ hội để khám phá và tiếp xúc với tri thức, ý thức xã hội. Khi tham gia, tổ chức các cuộc thi tranh biện, mình đã có những trải nghiệm thú vị và vô cùng hữu ích. Mình đã học được cách tự tin diễn đạt ý kiến, lắng nghe, phản biện một cách logic và sâu sắc. Điều này không chỉ giúp mình phát triển kỹ năng, mà còn mở ra cánh cửa cho sự hiểu biết sâu rộng về các vấn đề xã hội cũng như chính trị.

Người trẻ gửi gắm và kỳ vọng đến tổ chức Đoàn- Ảnh 3.

Trịnh Anh Hào

NVCC

Tuy nhiên, để mở rộng cuộc thi tranh biện, chúng ta cần sự hỗ trợ đầy đủ từ các tổ chức và cơ quan. Mình mong muốn Đoàn có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện và tổ chức các cuộc thi. Hơn nữa, việc hợp tác với các tổ chức, trường học, doanh nghiệp và các chuyên gia trong lĩnh vực tranh biện sẽ tạo ra các cuộc thi chất lượng, giá trị hơn.

Việc mở rộng các cuộc thi tranh biện không chỉ giúp sinh viên và thanh niên rèn luyện kỹ năng, mà còn đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng. Hy vọng chúng ta có thể hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động này, tạo ra một môi trường học tập và trao đổi tri thức tích cực hơn cho đoàn viên, thanh niên.

Trịnh Anh Hào - Phó chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Kinh tế và Quản trị kinh doanh,
ĐH Thái Nguyên

Quan tâm đánh giá và công nhận thành tích sau hoạt động tình nguyện

Việc tham gia các hoạt động tình nguyện song song với các hoạt động khác do Đoàn - Hội tổ chức đã phần nào đó giúp tôi trưởng thành hơn rất nhiều, từ cách suy nghĩ cho đến hành động. Tôi có được sự tự tin, có được bản lĩnh khi nói lên tiếng lòng của bản thân, chia sẻ nguồn năng lượng tích cực đến với mọi người xung quanh.

Người trẻ gửi gắm và kỳ vọng đến tổ chức Đoàn- Ảnh 4.

Võ Nguyễn Hoàng Đa

NVCC

Để phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện vì cộng đồng, tôi đề xuất tạo cơ hội liên kết với các tổ chức doanh nghiệp trong cộng đồng để xây dựng mối quan hệ hợp tác đồng thời tăng cường các hoạt động tình nguyện. Việc này có thể mang lại lợi ích đối với cả cá nhân tham gia và cộng đồng nơi họ hoạt động. Ngoài ra, các cấp tổ chức Đoàn cần đa dạng hóa hoạt động tình nguyện, việc xây dựng đánh giá và công nhận thành tích sau các chương trình cũng cần được quan tâm hơn.

Võ Nguyễn Hoàng Đa - Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam,
Trường ĐH Sư phạm thể dục thể thao TP.HCM

 

Xây dựng phần mềm quản lý hoạt động tình nguyện

Phong trào tình nguyện đã giúp đoàn viên, thanh niên tham gia đóng góp sức trẻ giúp đỡ cộng đồng. Từ đó nhân lên giá trị tốt đẹp và lan tỏa thông điệp tích cực đến cộng đồng. Tuy nhiên, để hoạt động tình nguyện ngày càng nâng cao chất lượng, mình nghĩ cần chú trọng đến công tác bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ Đoàn, đặc biệt trong việc nâng cao năng lực lập kế hoạch và thiết kế các chương trình, huấn luyện kỹ năng, nghiệp vụ trong lĩnh vực tình nguyện vì cộng đồng.

Bên cạnh đó, Đoàn các cấp tổ chức hoạt động tuyên truyền, giáo dục đến đoàn viên, thanh niên để họ hiểu được những giá trị tích cực từ việc tham gia các hoạt động tình nguyện, từ đó chủ động hơn trong hoạt động, tham gia với tinh thần cống hiến chứ không phải là tham gia hình thức, lấy điểm rèn luyện, giấy chứng nhận.

Người trẻ gửi gắm và kỳ vọng đến tổ chức Đoàn- Ảnh 5.

Nguyễn Phúc Đức -

NVCC

Xây dựng các phần mềm, ứng dụng quản lý hoạt động tình nguyện nói riêng và các hoạt động Đoàn - Hội nói chung nhằm kiểm soát được các hoạt động, cũng như đánh giá các hoạt động đó một cách hiệu quả hơn. Chẳng hạn, hiện nay các trường ở ĐH Thái Nguyên đều triển khai phần mềm SVnet, khi đoàn viên, sinh viên tham gia các hoạt động tình nguyện thì sẽ được quét mã ghi nhận hoạt động đó.

Nguyễn Phúc Đức - Phó chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam,
Trường ĐH Khoa học, ĐH Thái Nguyên

Cần có thêm các hoạt động về văn hóa

Kể từ khi được kết nạp Đoàn, bản thân mình đã thay đổi rất nhiều. Từ một đứa trẻ ham chơi chỉ học trung bình, khá, đến khi được kết nạp Đoàn vào năm lớp 9 mình đã tiến bộ rất nhiều và có những thành tích đáng tự hào. Cá nhân mình nhận thấy tổ chức Đoàn đã và đang tích cực hỗ trợ thanh niên về nhiều vấn đề như: vay vốn khởi nghiệp, lập nghiệp, nghiên cứu khoa học, tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm và rất nhiều dự án khác đã được triển khai thành công.

Đối với mình, vào Đoàn bắt nguồn từ tinh thần tự nguyện, niềm tin yêu của bản thân dành cho tổ chức này. Tuy nhiên, mình nghĩ cần có thêm những hoạt động để nhấn mạnh hơn về vấn đề văn hóa đối với mỗi thanh niên. Bởi lẽ văn hóa chính là gốc rễ con người. Chính vì thế, cần tổ chức thêm các hội nghị, triển lãm, thông qua đó lồng ghép những giá trị văn hóa của dân tộc, tư tưởng đạo đức, lối sống, phong cách Hồ Chí Minh. Từ đó giúp khơi gợi lòng yêu nước, cảm xúc mãnh liệt đối với thanh niên; tạo cho thanh niên cảm hứng học tập và làm việc.

Người trẻ gửi gắm và kỳ vọng đến tổ chức Đoàn- Ảnh 6.

Lê Nguyễn Phi Long

NVCC

Bên cạnh đó, có thể xây dựng thêm các trạm hỗ trợ, ở đó có những tình nguyện viên sẵn sàng tư vấn mọi vấn đề cho thanh niên. Mỗi trạm ứng với một khó khăn mà thanh niên đang gặp phải trong cuộc sống hiện nay để giúp họ tháo gỡ và vượt qua.

Lê Nguyễn Phi Long - Bí thư Chi đoàn lớp D23LOQL02, Trường ĐH Thủ Dầu Một

Theo TNO