Những nguyện vọng cũng như đề xuất về vấn đề hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp được gửi đến anh Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, trước khi anh đối thoại trực tuyến với thanh thiếu nhi trong và ngoài nước với chủ đề “Khát vọng cống hiến, lẽ sống thanh niên” vào ngày 25.3 tới đây.
Cần nhiều hơn các chương trình, cuộc thi
Nguyễn Thị Hương Thanh (27 tuổi, khởi nghiệp với thương hiệu mật chuối Tabai)
Người trẻ hiện nay có nhiều trăn trở và đau đáu với con đường khởi nghiệp để kiến tạo nên những giá trị tốt đẹp cho bản thân, gia đình và cả cộng đồng, tự tạo được công ăn việc làm cho chính bản thân cũng như nhiều người xung quanh và góp phần vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Thế nhưng, đa phần dự án khi mới bắt đầu gặp rất nhiều khó khăn, cũng như chặng đường dài của quá trình khởi nghiệp này phải đương đầu với rất nhiều thử thách, kể cả sự thất bại.
Những khó khăn của người trẻ khởi nghiệp hiện nay như thiếu vốn kinh doanh để phát triển doanh nghiệp, sản phẩm, đổi mới công nghệ…; Thiếu nền tảng kiến thức tổng quát, chẳng hạn như giỏi chuyên môn thì kém kiến thức kinh doanh quản trị, giỏi tính toán đầu tư thì thiếu kiến thức chuyên môn, kỹ thuật…; Thiếu đường hướng kinh doanh và con đường cũng như lộ trình phát triển rõ ràng cho doanh nghiệp. Từ đó dẫn đến mất rất nhiều thời gian nhưng sự phát triển vẫn chậm và không rõ rệt.
Không những thế, người trẻ khởi nghiệp còn thiếu ý thức về việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu cá nhân để tăng thêm niềm tin cho người tiêu dùng; Thiếu các mối quan hệ kinh doanh và nhiều ngành nghề - lĩnh vực liên quan sản xuất, chế biến, nghiên cứu, nông nghiệp…; Thiếu sự am hiểu thị trường, nhu cầu tiêu dùng và sự quan tâm của khách hàng đối với sức khỏe, dinh dưỡng, nguồn gốc nguyên liệu…
Nhìn chung người trẻ khởi nghiệp đang đối diện với rất nhiều khó khăn, càng khó khăn hơn khi đứng trước những thách thức không ngừng và bất ngờ như đại dịch vừa qua. Chính vì thế, mong tổ chức Đoàn sẽ đồng hành và hỗ trợ người trẻ khởi nghiệp để khắc phục và giải quyết được một số vấn đề như đã nêu ở trên.
Bản thân mình rất mong trong tương lai gần, T.Ư Đoàn sẽ có thật nhiều hoạt động, chương trình, cũng như các cuộc thi về khởi nghiệp… để làm sao thanh niên như tụi mình có thể đóng góp một phần sức lực, trí tuệ cho cộng đồng và xa hơn nữa là cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
Quan tâm nhiều hơn đến khởi nghiệp sinh viên
Lê Yên Thanh (28 tuổi, nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Phenikaa MaaS)
Đối với các dự án khởi nghiệp đã hình thành và phát triển qua giai đoạn ý tưởng thì hiện nay có các vườn ươm và quỹ hỗ trợ, nhưng còn rất nhiều dự án ở giai đoạn hình thành ý tưởng hoặc nhóm khởi nghiệp sinh viên gặp khó khăn trong quá trình hiện thực hóa. Nếu có câu lạc bộ ở các trường đứng ra hỗ trợ thì sẽ rất tốt. Thế nhưng không phải trường ĐH hay THPT nào cũng có đơn vị chuyên môn để làm việc đó, nếu Đoàn thanh niên có thể có một câu lạc bộ khởi nghiệp chuyên hỗ trợ cho các dự án ươm mầm ở giai đoạn đầu và kết nối đến các quỹ hỗ trợ ở giai đoạn sau, để hỗ trợ đồng bộ trên cả nước thì sẽ rất tốt.
Bởi hiện tại các dự án khởi nghiệp ở giai đoạn hình thành ý tưởng hoặc nhóm khởi nghiệp sinh viên là nhóm có số lượng nhiều nhưng lại ít được quan tâm nhất, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp thường chỉ tập trung vào dự án đã qua giai đoạn sản phẩm nhất định và có ít nhiều thành tựu. Nhưng các dự án ở giai đoạn hình thành ý tưởng hoặc nhóm khởi nghiệp sinh viên lại là nhóm cần được hỗ trợ nhiều nhất vì các bạn không có định hướng tốt thì sẽ có rất nhiều dự án phải dừng lại. Với vai trò của Đoàn thì tôi nghĩ rằng sinh viên là nhóm mà Đoàn cần có sự hỗ trợ và tác động nhiều nhất.
Cần nhiều nguồn vốn hỗ trợ
Nguyễn Thị Phương Châm (30 tuổi, khởi nghiệp với dự án dầu gội thảo dược Chavigreen)
Hiện nay có rất nhiều bạn trẻ về quê lập nghiệp , phát triển tại địa phương. Mình cũng là một thanh niên trẻ mới khởi nghiệp được hơn 1 năm. Thời điểm bắt đầu là thời điểm khó khăn nhất. Khó khăn về kiến thức, kinh nghiệm thực tế. Có rất ít thông tin chính thống hỗ trợ chúng mình mà hầu như toàn phải tự tìm hiểu trên mạng xã hội . Ngoài ra khó khăn lớn nhất đó chính là nguồn vốn. Khi bắt đầu khởi nghiệp cần trang bị rất nhiều máy móc, thiết bị để theo một quy trình sản xuất đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật. Thế nhưng, thanh niên như chúng mình thì rất khó khăn về kinh tế. Trong khi đó nguồn vốn qua các chương trình cho vay thực sự rất hạn chế so với nhu cầu, đâu đó chỉ khoảng vài chục triệu đồng. Còn muốn vay nhiều hơn lại cần tài sản thế chấp và thủ tục giải ngân phức tạp như yêu cầu hóa đơn đỏ, hợp đồng lao động… mà thanh niên hầu như tận dụng lao động thời vụ tại địa phương để giảm bớt chi phí.
Nếu được hỗ trợ, mình rất mong muốn T.Ư Đoàn sẽ đồng hành cùng thanh niên nhiều hơn trong khởi nghiệp, chẳng hạn như nguồn vốn sẽ được tăng thêm và tổ chức thêm nhiều khóa học bổ sung kinh nghiệm thực tế để thanh niên được tiếp cận nhanh nhất và tránh gặp nhầm lẫn hay sai sót vì thiếu kiến thức.
Theo TPO