Sáng kiến tiết kiệm nhân, vật lực
Khuôn mặt luôn thường trực nụ cười tươi tắn cùng phong cách hoạt bát, Đại úy Dương Duy Sơn (SN 1991) dễ tạo thiện cảm cho những người tiếp xúc. Anh kể: Năm 2015, sau khi tốt nghiệp Lớp Cử nhân tài năng của Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên, anh giành được học bổng toàn phần của Hàn Quốc và Đài Loan. Thời điểm này, anh đang có cơ hội được nhận về Nhà máy Z114 làm việc.
Theo Đại úy Sơn, Z114 là đơn vị duy nhất ở phía Nam có nhiệm vụ sản xuất các loại vũ khí, trang bị lục quân phục vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu cho quân đội và các loại thuốc nổ công nghiệp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Mỗi năm, Z114 sản xuất thành công hàng triệu viên đạn đạt chất lượng tốt, trang bị cho các lực lượng vũ trang huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu.
Đại úy Dương Duy Sơn kiểm tra chất lượng sản phẩm tại Phân xưởng Đạn K56, Nhà máy Z114. |
9 năm công tác tại nhà máy, Đại úy Sơn trải qua nhiều vị trí như trợ lý kỹ thuật Phân xưởng Cơ khí - Năng lượng, trợ lý Phòng Cơ điện, kỹ thuật viên rồi Phó quản đốc Phân xưởng Đạn K56. Nhờ đó, anh có điều kiện hiểu rõ hơn về thực tế sản xuất, phát huy tốt kiến thức đã học và tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm.
Năng động, sáng tạo, đam mê và giàu nhiệt huyết, anh đã có hàng loạt sáng kiến, cải tiến đắc dụng góp phần vào tiến trình hiện đại hóa vũ khí, trang bị cho Quân đội. Một trong số đó là sáng kiến “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị tự động đo chiều sâu lắp hạt lửa đạn 7,62x25mm ĐS-K51T tại Nhà máy Z114” do anh làm chủ nhiệm đề tài.
Đại úy Sơn chia sẻ, trong quá trình nghiên cứu, anh và nhóm tác giả đề tài gặp không ít khó khăn, trở ngại từ lúc lên ý tưởng, thiết kế đến khi chế tạo, hiệu chỉnh để thiết bị vận hành tốt. Đầu tiên là việc chọn cảm biến. Nhóm nghiên cứu phải tìm hiểu, chọn lọc, chế thử rất nhiều loại cảm biến tiếp xúc kỹ thuật số trên thị trường đáp ứng được các tiêu chí khắt khe trong sản xuất quốc phòng, quy mô công nghiệp, vừa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, dễ mua, dễ thay thế.
Đại úy Dương Duy Sơn nhận giải Nhì tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc (VIFOTEC) lần thứ 17 |
“Khi chế tạo phần chuyển động cho sản phẩm, sau mỗi vòng quay của hệ V-Blocks (định vị vỏ đạn), toàn bộ máy sẽ có một sai số và sai số này sẽ tích lũy lớn dần sau nhiều vòng quay gây ra lỗi đo không chính xác tại vị trí viên đạn trên V-Blocks. Chúng tôi phải dùng thuật toán khử độ sai số vòng quay khi điều khiển động cơ. Cùng với đó, các chi tiết của bộ phận đo phải chọn đúng hệ số đàn hồi của vật liệu tạo thành lò xo để kết quả đo được chính xác nhất và không gây mất an toàn cho người vận hành”, Đại úy Sơn nói.
Cả nhóm mất gần 6 tháng hao tổn trí lực và không ít lần gặp trục trặc, trong đó lâu nhất là thời gian chế tạo, hiệu chỉnh thiết bị chiếm khoảng 65% tổng thời gian thực hiện sáng kiến. Tháng 11/2022, sản phẩm hoàn thiện trong niềm vui vỡ òa. Đề tài tâm huyết này được Hội đồng Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ 23 trao giải Nhất và giành giải Nhì tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc (VIFOTEC) lần thứ 17.
Mục tiêu hiện đại hóa
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng và T.Ư Đoàn trao thưởng cho Đại úy Dương Duy Sơn (ngoài cùng bên phải) và các tác giả đoạt giải Nhất Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ 23. |
“Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, trên cương vị thủ lĩnh Đoàn và Đội trưởng Đội Khoa học Kỹ thuật trẻ của nhà máy, chỉ tính riêng 3 năm 2019-2022, Đại úy Dương Duy Sơn đã trực tiếp chủ trì, tham gia 3 đề tài nghiên cứu khoa học cùng 23 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được hội đồng các cấp công nhận. Anh được Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, Tổng Liên đoàn lao động, T.Ư Đoàn… vinh danh, khen thưởng nhiều lần.
“So với thiết bị cùng loại của nước ngoài thì thiết bị tự động đo chiều sâu lắp hạt lửa đạn 7,62x25mm ĐS-K51T có giá thành chỉ bằng 20-25%. Chúng tôi sẽ phát triển, nâng cấp thiết bị đo thêm các loại đạn khác như K56T và K56H”.
Đại úy DƯƠNG DUY SƠN
Nhờ nền tảng kiến thức về khoa học - công nghệ và vốn tiếng Anh vững chắc, khi còn là Phó quản đốc Phân xưởng Đạn K56, anh đã xử lý tốt bài toán tiếp nhận công nghệ mới. Đại úy Sơn nhớ lại: “Phân xưởng được đầu tư dây chuyền sản xuất đạn con đúng thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chuyên gia nước ngoài không thể sang Việt Nam để trực tiếp chuyển giao công nghệ. Tôi đã tiếp thu, trao đổi trực tuyến với chuyên gia rồi thông tin với đội ngũ công nhân trực tiếp vận hành. Đến nay, dây chuyền đã được phía đối tác nghiệm thu, đánh giá tốt”.
Các cơ sở công nghiệp quốc phòng ở miền Bắc vốn có bề dày hoạt động và “đi trước” trong việc sản xuất nhiều chủng loại vũ khí, khí tài mới, hiện đại. Điều này khiến những người lính quân giới ở Z114 phải nỗ lực gấp đôi để hướng tới sản xuất những sản phẩm hiện đại như tên lửa và các loại khí tài thông minh, hỏa lực tầm xa.
Chia sẻ về hướng đi tương lai của đơn vị mình, Đại úy Sơn cho biết, thời gian qua, Z114 đã nghiên cứu phát triển 16 chủng loại sản phẩm quốc phòng mới, trong đó một số sản phẩm đã được đưa vào sản xuất hàng loạt, đạt chất lượng tốt, được hội đồng nghiệm thu Bộ Quốc phòng và các đơn vị sử dụng đánh giá cao.
Theo Đại úy Sơn, tháng 6/2024, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án sắp xếp lại doanh nghiệp Quân đội giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu sắp xếp, tinh gọn, cơ cấu hợp lý các doanh nghiệp Quân đội. Thực hiện đề án này, trước mắt Z114 sẽ tiếp nhận sự sáp nhập của một số đơn vị thuộc Tổng cục Kỹ thuật, Binh chủng Công binh và Quân chủng Hải quân.
Với sự bổ sung nhân lực, vật lực mới này, nhà máy xác định sẽ trở thành đơn vị nòng cốt của Cụm công nghiệp quốc phòng miền Nam, với mục đích chiến lược là sản xuất, sửa chữa vũ khí lục quân và các khí tài khác. Do đó, Đội Khoa học Kỹ thuật trẻ của nhà máy sẽ bám sát đề án, đặt mục tiêu phát huy các nguồn lực, hiện đại hóa các dây chuyền sản xuất để thực hiện các công trình, đề tài mới nhằm góp phần gia tăng sức mạnh cho Quân đội ta.
“Người trẻ chúng tôi cần phải có tri thức, năng lực để vận hành tốt các công nghệ mới mà nhà máy được chuyển giao từ các đối tác nước ngoài. Trong đó, việc trang bị ngoại ngữ và kiến thức về các công nghệ quân sự mới là một yêu cầu bắt buộc”, Đại úy Sơn chia sẻ thêm.
Theo TP