|
Có lẽ chẳng ai ngờ chỉ cách đây 5 năm, khi mới 13 tuổi, Andraka - cậu học trò cuối cấp Trường trung học Crownsville, bang Maryland, Mỹ - hoàn toàn mù tịt về bệnh ung thư. Cậu bắt đầu quan tâm tới nó khi một người thân của gia đình qua đời vì ung thư tuyến tụy.
Chỉ tới lúc đó, Andraka mới lên mạng tìm hiểu về căn bệnh quái ác. Những “người thầy đầu tiên” về ung thư của cậu là Google, Wikipedia. Andraka biết có tới 85% bệnh nhân mắc ung thư tuyến tụy chỉ biết bệnh tình khi đã tiến triển sang giai đoạn cuối.
Lúc đó, chỉ 2% người bệnh có cơ may được cứu sống và hiện tại vẫn chưa có cách tầm soát ung thư dạng này.
Thế rồi ý tưởng nghiên cứu về cách thức tầm soát ung thư sớm đã nảy ra trong một tiết sinh học của cậu học trò lớp 8 khi Andraka đọc được một bài báo khoa học.
Mặc dù cũng thực hiện tầm soát ung thư qua xét nghiệm máu như các xét nghiệm truyền thống, nhưng điểm khác biệt trong công trình nghiên cứu của Andraka là sử dụng chất mesothelin làm chỉ dấu sinh học.
Công nghệ này đặc biệt có hiệu quả trong tầm soát ung thư tuyến tụy, ung thư buồng trứng và ung thư phổi, nhưng cũng có tác dụng với ung thư cổ tử cung và ung thư vú. Cũng theo Andraka, còn có thể ứng dụng nó trong tầm soát nhiều loại ung thư khác.
Sở dĩ sáng chế công nghệ tầm soát ung thư của Andraka được đánh giá cao là bởi nó trội hơn về mọi mặt so với các xét nghiệm đã và đang sử dụng hiện tại.
Trước hết là chi phí. Người dùng sẽ chỉ mất 3 cent Mỹ (chưa tới 1.000 đồng tiền Việt) và 5 phút xét nghiệm. Thêm nữa, thời gian thực hiện sẽ nhanh hơn 168 lần, giảm chi phí cho bệnh nhân hơn 26.000 lần và độ chính xác cao hơn 400 lần.
Hiện tại Andraka đã sở hữu bằng sáng chế quốc tế công nghệ này. Cậu cũng đang trao đổi với nhiều hãng công nghệ sinh học lớn để có thể đưa ra thị trường càng sớm càng tốt. Việc triển khai từ nghiên cứu cơ bản đi vào ứng dụng thực tế cần rất nhiều thời gian.
Andraka cũng muốn nghiên cứu phát triển để có thể tung ra công nghệ này trên quy mô lớn và thân thiện hơn với người dùng. Cậu cho biết sẽ phải mất 2-5 năm để đưa công nghệ vào nghiên cứu lâm sàng và phải thêm 5-10 năm nữa để có thể tung ra thị trường.
Với công nghệ tầm soát ung thư nhiều ưu điểm vượt trội, Andraka đã giành được rất nhiều thành tựu.
Trong số đó phải kể tới giải thưởng Thomas Jefferson năm 2014. Đây là giải thưởng dành cho những cá nhân xuất sắc dưới 35 tuổi và thường được xem như một giải Nobel cho những hoạt động vì cộng đồng.
Cũng phải kể tới giải thưởng National Geographic Emerging Explorer (Nhà khám phá mới nổi của National Geographic) năm 2014. Tới nay Andraka là người trẻ tuổi nhất được trao giải này.
Đang là học sinh cuối cấp trung học nhưng Andraka đã nhận được thư mời từ Đại học Stanford. Đó là lựa chọn đầu tiên của cậu nhưng Andraka vẫn muốn chờ thêm thư mời từ các đại học khác. Cậu mong muốn được tới California nghiên cứu công nghệ sinh học.
Andraka chia sẻ ước mơ trong 10 năm tới sẽ hoàn thành chương trình đào tạo ở một trường đại học y rồi trở thành bác sĩ chăm sóc người bệnh trong khi vẫn tiếp tục những công trình nghiên cứu.
Thời gian này, Andraka đang nghiên cứu công nghệ sử dụng máy in phun để in ra các cảm biến giấy giúp tầm soát các bệnh khác và những chất gây ô nhiễm môi trường như kim loại nặng hay thuốc trừ sâu. Ứng dụng này theo Andraka có thể tích hợp trên điện thoại iPhone.
Ngoài ra cậu cũng đang nghiên cứu các loại nanorobot (robot siêu nhỏ) sử dụng ADN trong điều trị các chứng ung thư khác nhau và tiêu diệt tế bào ung thư hiệu quả nhất.
Nhưng sau tất cả những công việc nghiên cứu về ung thư, Andraka vẫn là một học sinh trung học bình thường. Cậu là thành viên trong đội bơi ở trường và còn là thành viên của nhóm vận động viên chèo thuyền kayak quốc gia.
Cậu thích chơi xếp giấy origami và thi thoảng chơi game. Giờ rảnh rỗi cậu thường lang thang tán gẫu với bạn bè.
Theo Tuổi Trẻ |