|
Tăng trưởng thấp
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng trưởng GDP những tháng đầu năm có tăng nhưng thấp, quý 1 ước đạt 4%. Chính phủ đưa ra chỉ tiêu năm 2012 tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6%, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, với tình hình như hiện nay tăng trưởng khó đạt mức đề ra. Về tổng kim ngạch xuất khẩu, ước quý I năm 2012 đạt khoảng 24,5 tỷ USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhập siêu quý 1 khoảng 300 triệu USD, bằng khoảng 1,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, mức thấp hơn nhiều so với cùng kỳ nhiều năm gần đây. Nhận định về tình hình nhập siêu TS. Phạm Đỗ Chí - Cố vấn cao cấp, nguyên chuyên viên cao cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khẳng định: "Nhập siêu thấp chưa chắc đã là tín hiệu tốt vì sản xuất bị đình trệ thì lấy đâu ra nhập siêu tăng cao”.
Muốn tăng trưởng nhưng Chính phủ lại thắt chặt vốn, siết chặt thuế và phí đối với doanh nghiệp thì khả năng phát triển của doanh nghiệp bị hạn chế. Với tình hình khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng "một cổ nhưng nhiều tròng”. Theo nhận định của chuyên gia kinh tế, việc ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát đang có những mâu thuẫn. GS James Riedel – Đại học Johns Hopkins (Hoa Kỳ) nêu vấn đề: "Có quá nhiều mục tiêu trong chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam, đó là những mục tiêu không thể nào thực hiện được cùng lúc (bộ ba bất khả thi): tỷ giá hối đoái ổn định, lạm phát ổn định, tăng trưởng kinh tế cao. Nếu tham vọng với quá nhiều chỉ tiêu sẽ dẫn đến tình trạng mất ổn định nền kinh tế”. Theo GS James Riedel, đã thực hiện kiềm chế lạm phát thì không nên tính đến chuyện tăng trưởng kinh tế ở mức cao.
|
Sản xuất rơi vào tình trạng đình trệ
Nền kinh tế không chỉ tăng trưởng thấp, sản xuất đã và đang xảy ra tình trạng đình trệ và lạm phát. Từ năm 2011, nhiều chuyên gia kinh tế đã có dự báo phát đi cảnh báo về khả năng nền kinh tế có dấu hiệu của đình lạm. Thực tế quan điểm này là có cơ sở, nếu áp vào tình hình sản xuất hiện nay. Theo số liệu cụ thể của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế từ đầu năm đến ngày 21-3, đã có trên 2.200 doanh nghiệp đã làm thủ tục giải thể và khoảng trên 9.700 doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng thực hiện các nghĩa vụ thuế. Như vậy, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi kinh tế vẫn đang ở trong vòng bất ổn thì doanh nghiệp lại phải gồng gánh nhiều thứ thuế và phí do Chính phủ và các cơ quan chức năng đưa ra. Thời gian qua, các chính sách về thuế, phí tạo ra các ý kiến đa chiều. Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Cao Sĩ Kiêm cho rằng, việc xây dựng chính sách về thuế, phí... phải được được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo được tính hợp lý. Đặc biệt trong bối cảnh khó khăn, trước hết phải tập trung theo hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ để doanh nghiệp có thể duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh và đóng góp cho nền kinh tế. Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cũng nhận định, các giải pháp ứng cứu từ năm 2011 như miễn giảm, giãn, hoãn thuế đã không đem lại nhiều lợi ích vì các doanh nghiệp không còn hoạt động được nữa thì cũng không phát sinh thuế. Nếu các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục không đồng bộ, không hiệu quả, nhiều doanh nghiệp sẽ kiệt sức trước khi được ứng cứu. Bà Lan còn cho biết thêm, ý tưởng giảm lãi suất vừa được đưa ra ngay lập tức đã tăng mạnh giá xăng dầu. Điều này đồng nghĩa với việc lợi ích của doanh nghiệp bị triệt tiêu vì chưa kịp được hưởng lợi ích của việc giảm lãi suất đã bị tác động tăng giá đầu vào.
Hàng xuất khẩu chủ lực giảm mạnh về lượng
Theo số liệu thống kê của liên bộ, xuất khẩu 3 tháng đầu năm đạt 24,52 tỷ USD tăng 23,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công thương nhận định, kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm tăng trưởng 23,6% là kết quả khá tích cực của hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu mà Quốc hội đã thông qua là 13% thì cần sự cố gắng hơn nữa.
Thực tế tình hình xuất khẩu 3 tháng đầu năm cho thấy, một số mặt hàng nguyên nhiên liệu giảm hẳn như: bông sợi, vải, da giày bị chững lại hoặc giảm mạnh về lượng. Nông lâm thủy hải sản giảm so với cùng kỳ, trong đó mặt hàng gạo giảm nhiều nhất với 42,5% về lượng và giá trị. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do khó khăn về thị trường xuất khẩu, ngoài ra yếu tố giảm giá xuất khẩu tác động làm giảm kim ngạch một số mặt hàng khác như cao su, sắn...
Điều mà Bộ Công thương quan ngại nhất hiện nay là kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước chỉ đạt 8,98 tỷ USD, tương đương với kim ngạch xuất khẩu cùng kỳ 2011; khu vực vốn FDI đạt trên 15,54 tỷ USD tăng 43% so với cùng kỳ. Như vậy, xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước có xu hướng chậm lại. Nếu như trong 2 tháng đầu năm xuất khẩu của khối này tăng nhẹ 5,4% thì tính chung cả 3 tháng, xuất khẩu chỉ còn tương đương với kim ngạch xuất khẩu cùng kỳ năm 2011. Các Hiệp hội ngành hàng cho rằng, khó khăn xuất khẩu đối với các doanh nghiệp hiện nay là về vốn; giá xuất khẩu giảm trong khi đó giá nguyên phụ liệu đầu vào lại tăng cao làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm; nhiều mức phí tăng quá cao...Để có thể thuận lợi hơn trong xuất khẩu một số doanh nghiệp và Hiệp hội ngành hàng tiếp tục kiến nghị cơ quan chức năng xem xét lại mức thu phí quá cao trong vận tải, giảm tình trạng tăng cường thu phí và phụ phí bất hợp lý.
Theo ĐĐK