Chị Nguyễn Thị Hương, là con gái vùng đất Nghệ An. Đặc sản nơi đây chẳng có gì ngoài hai mùa nắng rét. Có mấy đợt nắng cháy da cháy thịt, chảy cả nhựa đường. Còn đến mùa rét, thì dù nằm than cũng chẳng thấy ấm hơn. Chị được sinh ra vào cái mùa rét căm căm như thế với cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh, bình thường, Ba chị chắc mẩm: “Sau này con bé lớn lên chắc cũng cao ráo lắm đây”.
Nhờ mát sữa, chị lớn lên rất khỏe mạnh, bình yên trong tám tháng đầu. Rồi chuyện gì đến cũng đến, cơn sốt bại liệt ghé thăm, ôm ấp chị và ru ngủ cả những đứa trẻ cùng trang lứa, có đứa ngủ mãi một giấc chẳng bao giờ tỉnh nữa, có đứa nằm yên trên giường với thân thể co quắp suốt đời. Còn chị, sốt đến ngày thứ hai thì các khớp nối giữa vai và hai tay rời ra, thõng xuống. Mẹ chị sợ hãi, thương con khóc đến cạn nước mắt khi nhìn hình hài đứa con bụ bẫm, chẳng mấy chốc méo mó đến xót xa.
Chị Nguyễn Thị Hương (thứ 2 từ phải sang) nhận Bằng khen cho cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng và phát triển Hội giai đoạn 2015 – 2020 của Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam (VFD)
Nỗi sợ đôi khi to lớn lắm, nhưng cũng chẳng thể lấn át được tình thương mà ba mẹ dành cho con. Những ngày tháng sau đó là chuỗi ngày ba chở hai mẹ con chị bôn ba đủ mọi nơi để mong tìm được thuốc hay thầy giỏi chạy chữa. Cứ nghe ai mách, ai chỉ là ba người đèo nhau đi, không quên mang theo một túi thật to “Hy vọng”. Nhưng thời đấy, ăn còn không đủ no, lương công nhân được mấy đồng, túi “Hy vọng” vẫn to, nhưng đồng lương lại như cây kim, mỗi ngày châm một mũi, chẳng mấy chốc cái túi cũng chẳng còn.
Người ta vẫn nói: “Bụt chùa nhà chẳng thiêng”, vậy mà sau bao năm đi tìm “Bụt người”, đến cuối cùng cũng nhờ vào bàn tay của chú Ba. Chú đã bỏ thời gian công sức, vận dụng toàn bộ kiến thức y dược học được để châm cứu cho chị một thời gian dài. Chị thầm biết ơn chú nhiều lắm vì nhờ chú, nhờ tình thương dành cho đứa cháu nhỏ không được may mắn giữ được cánh tay trái, đã chấp nhận ở lại với chị, chịu nghe chị, dù nó chỉ có thể cầm nắm và vươn cao không quá đầu. Còn cánh tay phải thì không, nó teo dần, teo dần và chị đã lớn lên với 2 cánh tay không hoàn thiện như thế.
Lớn lên một chút, khi thấy bạn bè xung quanh đều đã đi học mà chỉ có mình lủi thủi ở nhà, bố chị đã tìm mua những cuốn vở tập viết, mong chị có thể biết tới con chữ, phép tính. Tay phải của chị vốn đã bị liệt không thể cầm bút, nên chị đã cố gắng dùng tay trái để tập viết, thời gian đầu việc cầm bút khó khăn nên những nét nguệch ngoạc cứ hiện ra, dần dần thì chị cũng đã đồ theo được những nét chữ ở trong vở tập tô, rồi dần chuyển sang vở ô ly. Những nét chữ đã dần dần tròn trịa hơn, có nét hơn.
Lên 8 tuổi, chị được bố đưa đến trường tiểu học, gặp cô hiệu trưởng trình bày hoàn cảnh và xin cho chị được đi học như các bạn. Niềm vui được nhen nhóm, cứ thể trôi qua đến khi chị học hết cấp 2. Đến cấp 3 thì khó khăn lại đến với chị khi trường học cách nhà 7 cây số, bố mẹ cũng không thể bỏ làm để có thể hàng ngày đưa đón mình đến trường được. Không còn cách nào khác, muốn học tiếp thì mình phải tự đi xe đạp được, thế là chị quyết tâm tập đi xe đạp. Với người bình thường thì việc đi xe đạp là chuyện nhỏ, nhưng với chị, một người liệt tay phải, tay trái thì yếu là một việc khó khăn biết mấy, nhưng với lòng quyết tâm đi học, chị đã tự đi được xe đạp và với sự giúp đỡ của các bạn, chị cũng hoàn thành xong chương trình cấp 3.
Năm 2013, nghe tin ở Thành phố Đà Nẵng có tổ chức khóa học công nghệ thông tin miễn phí dành cho người khuyết tật do Tổ chức CRS Hoa Kỳ tài trợ, chị mừng như bắt được vàng. Xin phép bố mẹ, chị khăn gói lên đường mang bao nhiêu ước vọng có thể kiếm một cái nghề phù hợp với bản thân để không còn là gánh nặng cho gia đình. Ở đó, chị gặp được nhiều bạn bè cũng khuyết tật như chị và thậm chí còn bị khuyết tật nặng hơn mình nữa, nhưng tất cả đều nỗ lực, cố gắng học hành để không phụ công truyền dạy của thầy cô. Cũng chính tại đây, chị đã gặp một nửa còn lại của mình, anh cũng là người khuyết tật, bị liệt 2 chân và 2 tay thì yếu, nhưng bằng nỗ lực anh đã cố gắng học hỏi và truyền đạt kiến thức giúp đỡ các bạn cũng như mình. Sau 2 năm, anh chị đã kết hôn và đến nay có 2 cô công chúa kháu khỉnh đáng yêu.
Năm 2017, bằng những kiến thức đã học được, chị được nhận vào làm Thủ quỹ trong Hội Người khuyết tật thành phố Đà Nẵng. Tại đây, chị được các anh chị trong Hội hỗ trợ, dẫn dắt để có thể tự tin khẳng định bản thân mình. Chị được Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam (VFD) tặng “Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng và phát triển Hội giai đoạn 2015 – 2020”.
Hiện tại, chị đang hoạt động trong Ban chấp hành của Chi hội thanh niên khuyết tật thành phố Đà Nẵng, chị vận động tài trợ được 50 suất quà cho con của người khuyết tật Chi hội Thanh niên khuyết tật thành phố và Hội Người khuyết tật quận Hải Châu nhân dịp Tết Trung thu năm 2020; Tham gia Lập dự án, vận động tài trợ và triển khai thực hiện dự án từ tổ chức ABILIS Phần Lan: “Bình đẳng giới trong tình yêu và hôn nhân với thanh niên khuyết tật thành phố Đà Nẵng” với tổng kinh phí tài trợ là 82.270.000 đồng cho Chi hội.
Chị vẫn đang tiếp tục không ngừng học hỏi để trau dồi các kỹ năng với mong muốn khẳng định bản thân và giúp ích được nhiều người hơn nữa. Chị tin rằng, mọi vất vả rồi cũng sẽ qua nếu như bản thân mình biết nỗ lực cố gắng sống và vươn lên mỗi ngày, như những đóa hoa hướng dương luôn hướng về ánh mặt trời chói chang, để tỏa ngát hương thơm kỳ diệu giữa cuộc đời này. Chị mong muốn các bạn trong Hội hãy cùng nắm tay, liên kết tạo ra sức mạnh giúp người khuyết tật có thể hòa nhập với cộng đồng để “Không ai bị bỏ lại phía sau”.
Với nỗ lực vươn lên và đóng góp của mình, chị Hương vinh dự là 1 trong 50 tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình "Toả sáng nghị lực Việt" năm 2022 do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH TCPVN tổ chức.
Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2022 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH TCPVN tổ chức được triển khai từ tháng 5 - 8/2022 nhằm tìm kiếm và tôn vinh các tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu, giàu nghị lực, vượt qua nghịch cảnh và tích cực đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng; góp phần bồi đắp lý tưởng sống tốt đẹp cho thanh niên, thúc đẩy sự vươn lên của thanh niên Việt Nam. Chương trình năm nay sẽ tuyên dương 50 đại biểu là thanh niên khuyết tật có độ tuổi không quá 35 (đối với các trường hợp có độ tuổi từ 36 – 40 tuổi nếu có thành tích đặc biệt, Hội đồng sẽ xem xét quyết định). Các cá nhân được tuyên dương sẽ được nhận Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt nam, biểu trưng của chương trình và sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng cùng các phần thưởng giá trị khác. Các hoạt động của Chương trình “Tỏa sáng Nghị lực Việt” năm 2022 được tổ chức vào cuối tháng 9, tại Thủ đô Hà Nội. |