Khi nhắc đến kinh nghiệm, người ta thường nhắc đến những bài học thành công. Nhưng theo tôi, những thất bại cũng là thứ kinh nghiệm rất đáng trân quý. Bài học về khởi nghiệp của tôi là một trong số đó.
Anh Nguyễn Lam Sơn - Tổng giám đốc Công ty dịch thuật Fingertip đã có những chia sẻ rất tâm huyết về con đường khởi nghiệp của mình. Chúng tôi xin lược đăng bài viết của anh được đăng trên VnExpress.net
Tổng giám đốc 8x Lê Lam Sơn
Tôi quyết định thành lập công ty dịch thuật Fingertip (tên trước đây là Nam Dương) vào đầu năm 2007, sau khi đã tích luỹ được một số tiền nho nhỏ và với sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè. Tôi còn nhớ khi đó tôi đã không phân tích kinh tế vĩ mô nên không lường trước được cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2007 và sự phát triển của các công cụ dịch online như Google Translate cũng như sự cạnh tranh trong ngành dịch thuật khốc liệt như thế nào. Và tôi đã phải gặp khó khăn chồng chất cho quyết định hồ đồ đó.
Trong hơn một năm đầu, không có một khách hàng lớn nào ngó ngàng đến công ty. Chỉ có một số khách hàng lẻ tẻ giúp chúng tôi cầm cự qua ngày. Công ty chỉ hoạt động cầm chừng. Họa hoằn lắm mới có tháng hoà vốn. Anh em bạn bè phải làm đủ mọi cách để giúp công ty tồn tại. Nào là vay mượn, nào là bán và cầm cố tài sản, nào là nhận làm thêm, kinh doanh các mặt hàng dã chiến khác… Nhiều lần, công ty tưởng như chỉ còn cách bờ vực phá sản trong gang tấc. Đó là một trải nghiệm không lấy gì làm dễ chịu.
Có những thời điểm tôi sút đến chục cân vì lo đến mất ăn mất ngủ. Nếu chuẩn bị kỹ càng hơn, tôi đã không phải trải qua những ngày tháng cực hình đó. Các thành viên trong ban giám đốc là bạn bè của tôi, đều là “dân” chuyên về ngoại ngữ, khi đó không có khái niệm nào về quảng cáo, và nhất là về quản trị. Nhân viên thì chỉ biết nhìn vào bằng cấp mà tuyển. Nhưng ngặt một nỗi hễ ai mà có bằng loại giỏi thì vào không biết làm gì, đến cái công văn cũng không biết làm chứ chưa nói đến dịch tài liệu.
Trong khi đó, một số người có bằng cấp kém hơn hoặc không có bằng cấp thì làm việc rất hiệu quả. Rồi có trưởng phòng, phó giám đốc rất giỏi nhưng hễ tuyển vào thì khách hàng lại vắng tanh. Trong những ngày đó, khó khăn chồng chất khó khăn trước mắt tôi. Chúng tôi lúng túng không biết làm thế nào để thu hút nhiều khách hàng, làm thế nào để giữ chân họ, phản ứng ra sao trước những câu hỏi của khách hàng… Chẳng hạn như bao giờ thì xong tài liệu, khuyến mại bao nhiêu phần trăm, hoa hồng như thế nào, công ty có làm được thủ tục xin chứng nhận của Sở Tư pháp không, có xin được xác nhận của Bộ Ngoại giao không.
Cứ thế đến giữa năm 2008, một người bạn của tôi sau khi đi du học về tặng tôi một số cuốn sách quý: Build to last (Xây dựng để trường tồn), From Good to Great (Từ tốt đến vĩ đại) và The Knack (sau này người ta dịch là Túi khôn). Đó là cái phao cứu sinh cho tôi lúc đó. Sau khi ngấu nghiến đọc sách trong vòng vài ngày, tôi bắt tay vào việc chỉnh đốn lại công ty.
Tôi bắt đầu học về các kiến thức cơ bản về cân đối sổ sách tài chính, kiến thức quản trị nhân sự, việc cấu trúc công ty sao cho khoa học, cách xác định những kênh quảng cáo hiệu quả, cách xác lập một văn hoá công ty đặc trưng, cách tuyển dụng và sử dụng nhân sự sao cho đúng người đúng việc, các nghệ thuật tìm kiếm, thuyết phục và giữ chân khách hàng, việc lên kịch bản kinh doanh và tiên liệu kết quả kinh doanh trong ngắn và dài hạn, việc xác lập mức giá cạnh tranh và tối đa hoá lợi nhuận...
Mặt khác, sau khi thỉnh giáo các vị giám đốc đàn anh, tôi mới biết áp dụng các công cụ hiện đại vào việc quản lý. Tôi thuê một chuyên viên kỹ thuật dạy Access như một giáo viên nghiệp dư để phổ biến kiến thức quản lý dữ liệu cho nhân viên hành chính. Đây là một trong những phần mềm mạnh về quản lý dữ liệu. Hãy hình dung bạn có hàng trăm khách hàng có tài liệu đang dịch ở công ty bạn. Bạn sẽ phải quản lý thông tin như thế nào để chắc chắn rằng mọi việc đều trơn tru.
Phần mềm Access rất tài tình. Nếu dữ liệu đã được chuẩn bị đầy đủ, trong một cái chớp mắt, trình duyệt này có thể truy xuất hàng loạt thông tin quan trọng như việc ai đang làm gì, hay theo chiều ngược lại, việc gì đang do ai đảm trách, công việc bao giờ sẽ hoàn thành, và cần bao nhiêu người để hoàn thành, công việc đó đang ở trạng thái như thế nào… Đối với một công ty dịch thuật, những thông tin đó là vô cùng quan trọng. Công cụ này đã giúp chúng tôi rất nhiều trong việc cạnh tranh với các đối thủ khác, vốn có kinh nghiệm nhiều năm về dịch thuật.
Một điều rất quan trọng là việc làm quen với các bảng tính Excel và các mô hình kinh tế. Tôi bắt đầu học cách lập hàm kinh tế để tính ra mức giá ở đó lợi nhuận là tối đa và vẫn đảm bảo được sản lượng mà không nhất thiết phải tăng giá lên cao hay tăng sản lượng. Tôi cũng học cách giảm chi phí xuống tối thiểu, thứ rất hữu dụng trong bối cảnh lạm phát dâng cao như những năm gần đây. Các kiến thức này là rất nhiều ở trong các sách của các trường đại học kinh tế mà trước đó tôi đã không có ý thức tích luỹ.
Cho đến bây giờ, khi công ty đã có cả trăm nhân viên, hàng nghìn cộng tác viên và hàng trăm khách hàng lớn nhỏ, tôi vẫn thấy mình là đứa trẻ đứng trước đại dương kiến thức kinh tế học, vẫn còn bao điều cần phải học học, phải tu dưỡng.
Theo Khoinghiep