Chiếc micro phát lời Tuyên ngôn độc lập
Hơn 70 năm trôi qua, chiếc micro chứng nhân lịch sử ấy hiện vẫn được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Có lẽ, hàng triệu người đã từng ngắm hiện vật đặc biệt này, nhưng hẳn ít người biết giữa những ngày vô cùng khẩn trương và thiếu thốn của buổi đầu mới giành được chính quyền, người chuẩn bị chiếc micro đi vào lịch sử này là ai. Và nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết câu trả lời: đó chính là ông Nguyễn Dực - con trai học giả nổi tiếng Nguyễn Văn Vĩnh.
Nhà báo Vĩnh Trà trong cuốn sách viết về lịch sử Đài Tiếng nói Việt Nam kể rằng những ngày gấp rút chuẩn bị thành lập đài phát thanh quốc gia sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhóm người được giao nhiệm vụ thành lập đài rất muốn có sự cộng tác của ông Nguyễn Dực, một người bạn của một thành viên trong nhóm. Nhưng đang tham gia thì ông Dực được điều lên chuẩn bị cho khâu phóng thanh buổi lễ 2-9 ở Ba Đình, Hà Nội.
Một số bài viết từng nhắc tới vai trò ông Nguyễn Dực - người trực tiếp tham gia chuẩn bị cũng như lắp đặt trang thiết bị, phụ trách hệ thống âm thanh ngày lễ Độc lập 2-9-1945 - nhưng thân thế đặc biệt của ông Nguyễn Dực thì hầu như chưa được nhắc đến. Nguyễn Dực là người con giáp út của học giả Nguyễn Văn Vĩnh - một trí thức lớn của đất nước những năm đầu thế kỷ 20. Hai anh trai ông Dực cũng là hai nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Nhược Pháp và Nguyễn Giang.
Sinh năm 1921, ông Nguyễn Dực theo học Trường kỹ nghệ thực hành, bộ môn cơ khí, nhưng ông lại say mê vô tuyến điện. Ở tuổi 20, ông đã nổi tiếng với cửa hiệu Nguyễn Dực radio - cửa hiệu radio lớn nhất Hà Nội thời đó vừa sửa chữa vừa bán thiết bị vô tuyến điện ở 43A Đồng Khánh (tên gọi cũ của phố Hàng Bài).
Từ năm 1944, Nguyễn Dực được tiếp xúc với ông Xuân Thủy. Trước đó, ông Dực đã nhiều lần giúp anh chị em tuyên truyền đường lối cách mạng bằng thiết bị âm thanh của mình và chỉ đường rút lui khi lính Pháp ập đến.
Được giao nhiệm vụ chuẩn bị âm thanh cho lễ Độc lập, lúc diễn ra buổi lễ, ông Dực thường trực ngay dưới gầm lễ đài, theo dõi dòng điện, tiếng loa. Trong hồi ký, ông viết: "Khi vừa chào cờ xong, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn vào ba chiếc micro, rồi khẽ thổi vào chiếc micro bốn mặt, nhãn hiệu Philips đặt ở giữa, đèn báo trên máy đỏ lên, lập tức có tiếng "phù" từ các loa dội lại khá to. Người lùi lại một chút rồi nói: Tôi nói đồng bào nghe rõ không? Phía dưới lập tức vang lên: Có ạ!"...
Năm 1997, người phụ trách micro cho Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập được công nhận lão thành cách mạng và sau đó ông qua đời ở tuổi 79.
Tờ báo của ngày Độc lập
Một thông tin đặc biệt liên quan ngày 2-9-1945 mà đến nay không nhiều người biết đến: số báo xuất bản đặc biệt về ngày Độc lập ra đúng chủ nhật, 2-9-1945. Đó là tờ Đông Phát số 6107. Báo Đông Phát có trụ sở tại 94 Hàng Gai, Hà Nội, do ông Ngô Văn Phú làm chủ nhiệm, chủ bút là ông Hoàng Hữu Huy. Số báo 6107 đã trang trọng đề trên trang nhất dòng chữ in đậm: Số báo xuất bản đặc biệt về Ngày Độc lập.
Ngay ở đầu trang nhất, dưới tiêu đề Việt Nam độc lập muôn năm, tờ báo kêu gọi: "2h chiều hôm nay toàn thể dân chúng phải tới dự ngày Độc lập" và khẳng định: "Ngày Độc lập tại khắp các tỉnh Trung, Nam, Bắc sẽ tỏ rõ tinh thần tranh đấu của chúng ta trong sự đoàn kết, trật tự và kiên quyết".
Bài báo cũng nhắc nhở dân chúng: "Lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh ra mắt đồng bào. Dân chúng cần phải chỉnh tề hàng ngũ đông đủ và chặt chẽ quanh Chủ tịch. Việc làm ấy không riêng là ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng để rõ hơn một lần nữa rằng toàn thể đồng bào rất tín nhiệm ở Chính phủ Dân chủ lâm thời - một Chính phủ Dân chủ cộng hòa không phân biệt đảng phái, mà chỉ biết có phụng sự quốc gia, tranh đấu lấy nền hoàn toàn độc lập".
Tờ báo cũng dành vị trí đặc biệt để đăng tải những lời thề độc lập của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa và của quốc dân, đăng tải chương trình chính thức của cuộc mittinh - tuần hành tại Hà Nội vào ngày 2-9-1945.
Một sơ đồ cụ thể các tuyến phố dành cho các giới, các tổ chức tham gia mittinh được chỉ dẫn một cách cặn kẽ như đi hàng mấy, đội tự vệ không mang khí giới gì khác ngoài gậy và có nhiệm vụ trông coi trật tự, giữ vững tinh thần của đoàn mình. Việc hát và hô các khẩu hiệu cũng được hướng dẫn rất rõ ràng.
Một thông tin thú vị khác cũng được đăng tải trên trang nhất của số báo này là những thông báo mới về giờ làm việc ở các công sở bắt đầu từ ngày 3-9-1945, tức là ngày làm việc đầu tiên của chế độ mới. Bản báo cũng thông báo sẽ đổi tên báo với nội dung: "Nước nhà đã bước sang trang mới, nên báo Đông Phát nay mai sẽ đổi tên, để biểu lộ tinh thần đoạn tuyệt triệt để những dấu vết của chế độ cũ, và để kỷ niệm nền Độc lập của nước Việt Nam mới".
Trang 2 của tờ báo cũng thể hiện một khí thế tưng bừng của tất cả các ngành, các giới, các thế hệ đón ngày hội lớn của non sông. Từ nhân viên Sở Hỏa xa, đến học sinh các trường phổ thông, thanh niên Hà Nội, phụ nữ, các văn nghệ sĩ, các vị bô lão... đều có chương trình dự mittinh của mình. Hội Phật giáo Việt Nam qua báo Đông Phát gửi lời mời tới các tín đồ Phật tử đúng 7h sáng tới các chùa làm lễ tụng kinh Dược sư để cầu cho nền độc lập nước nhà được củng cố vĩnh viễn.
Tờ báo Đông Phát hôm đó đăng tải những thông tin rất xúc động cho thấy tấm lòng của người dân trước khí thế tưng bừng của nước Việt Nam mới. Đó là thông tin "Ông chủ tiệm ăn ở 47 Hàng Quạt có nhã ý cúng vào Quỹ Việt Nam giải phóng quân số tiền thu được, cả vốn lẫn lời trong ngày Độc lập"; còn các rạp hát và chiếu bóng đều có buổi diễn đặc biệt về độc lập với "giá tiền độc lập" vào 8h sáng ngày 2-9; cùng thông tin nhiều mặt hàng được giảm giá để phục vụ công chúng trong ngày đặc biệt.
Tờ báo Đông Phát 6107 số đặc biệt hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Tại di tích 48 Hàng Ngang, nơi Bác Hồ viết bản Tuyên ngôn độc lập, cũng trưng bày một phiên bản của báo này.
Nguồn TTO
T.LN