Những nạn nhân vô hình

(CTG) “Năm con lợn, ba con bò”. Đó là giá trị bồi thường của một vụ ấu dâm ở một buôn làng Tây Nguyên. Nạn nhân là bé gái người Ê Đê mười một tuổi.

Ảnh minh họa

Bố mẹ đi làm trong rẫy xa, em ở nhà một mình và bị kẻ xấu hãm hại. Vụ việc bị phát hiện. Bố mẹ em thưa với già làng. Kẻ xâm hại cũng là người Ê Đê ở buôn kề bên, nên theo lệ, một phiên xét xử sẽ được mở ra trong cộng đồng người Ê Đê, trước khi có sự can thiệp của chính quyền.

Phiên toà dân gian diễn ra chóng vánh trong sự chứng kiến của người dân Ê Đê ở cả hai buôn. Nạn nhân tường thuật lại sự việc. Kẻ xấu thừa nhận hành vi của mình. Hội đồng xử, đứng đầu là già làng phía nạn nhân đưa ra mức phạt năm con lợn, ba con bò. Trong vòng một tháng, thủ phạm ấu dâm nộp phạt đầy đủ cho gia đình bé gái. Vụ án khép lại. Sau ngày xét xử, bố mẹ dẫn em theo mỗi lần đi rẫy xa, họ không dám để con ở nhà một mình. Còn kẻ xâm hại kia vẫn tự do đi lại từ buôn này qua buôn khác.

Già làng, người kể lại với tôi câu chuyện giải thích, đó là lệ của buôn làng. Thủ phạm sẽ chỉ bị báo lên công an khi không có khả năng nộp phạt. Hơn một năm sau ngày xét xử, trong trí nhớ của già làng, vụ ấu dâm kia chỉ còn mang máng. Ông mơ hồ về số bò, lợn mà mình đã quyết định lúc đó. Ông chỉ chắc chắn mức phạt ấy tương đương với một vụ ăn cắp nhưng thấp hơn so với một vụ làm chết người vài con lợn, vài con bò.

Khi tôi hỏi, tại sao tội phạm dâm ô với trẻ em lại chỉ được xử ngang với tội ăn cắp. Ông nêu cái lý của hội đồng xử rằng, nạn nhân vẫn còn sống; hơn nữa, mức phạt ấy là cả gia tài lớn với người dân nên không thể gọi là xử nhẹ được.

Những ngày này, liên tiếp nhiều vụ dâm ô với trẻ em thành phố được đưa lên mặt báo, trên mạng xã hội, tôi lại nhớ đến câu chuyện ở Tây Nguyên. Ấu dâm chắc chắn không phải là tội ác hiếm hoi, chỉ xảy ra trong thang máy. Theo số liệu của Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm và Trật tự xã hội năm 2016, trên 80% số vụ xâm hại trẻ em là xâm hại tình dục, trong đó phần lớn những vụ giao cấu với trẻ em xảy ra ở khu vực nông thôn

Đường sá vắng vẻ, thưa người, người lớn thường đi làm ăn xa, nạn nhân bị xâm hại cả khi ở nhà, lúc đi chơi, trên đường đi học, phụ giúp gia đình ở ngoài đồng, hay trên nương rẫy, bìa rừng...

Hơn 1.000 trẻ bị xâm hại tình dục mỗi năm, trung bình 8 giờ có một trẻ bị xâm hại ở Việt Nam. Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em của Bộ LĐTBXH từng nhận định rằng các vụ xâm hại "đa số diễn ra ở nông thôn" và chỉ 40% trong số các vụ được phát hiện bị xử lý hình sự.

Ngay cả ở thành thị, tình dục và giới tính vẫn là chủ đề nhạy cảm, thậm chí là cấm kỵ. Ở những vùng quê hẻo lánh, nơi thiếu thốn thông tin, lại càng không dễ để cộng đồng dân cư hình dung ra hết được những nguy cơ bị xâm hại xung quanh một đứa trẻ và hậu quả của hành vi này đối với cuộc đời nạn nhân. Áp lực từ cộng đồng đối với vụ việc vì vậy sẽ không lớn như ở thành thị - nơi có những công cụ vận động như mạng xã hội; tiếng nói của nạn nhân do đó cũng đơn lẻ, nhỏ yếu và dễ bị lãng quên.

Ngay cả với những ý tưởng bảo vệ trẻ em được cộng đồng nêu lên trên mạng xã hội trong những ngày qua như: lắp thêm camera, hướng dẫn trẻ em đi thang máy một mình,... khó tìm thấy sự liên quan đến trẻ em nông thôn. Những ý tưởng ấy xuất phát từ bối cảnh thành thị và gia đình nạn nhân không chọn cách im lặng. Tiến trình này tựa một đám cháy chỉ được chú ý dập tắt khi hệ thống báo cháy nhận được tín hiệu ở nơi đó.

Nhưng ở vùng quê xa xôi không có camera để ghi lại bằng chứng, không có không gian mạng xã hội để bày tỏ sự giận dữ, bất bình trước bản án, ai sẽ là người bảo vệ những đứa trẻ?

Không phải camera hay bài đăng trên facebook, mà chỉ có hai thứ có thể bảo vệ những đứa trẻ nông thôn: khả năng nhận thức của cộng đồng về chủ đề ấu dâm; và việc thực thi nghiêm khắc pháp luật về ấu dâm. Trong câu chuyện về "năm con lợn và ba con bò", dễ nhận ra rằng việc thứ hai, khả năng thực thi pháp luật, cũng phụ thuộc vào nhận thức của cộng đồng.

Nhận thức ở đây bao gồm cả nhận thức của những đứa trẻ, và của các bậc phụ huynh. Khả năng tự bảo vệ, đấu tranh và trừng phạt của một cộng đồng với ấu dâm liên quan rất nhiều đến kiến thức của họ với chủ đề này. Nhưng cho đến giờ, công cuộc tuyên truyền vẫn đang diễn ra chủ yếu nhờ vào sự bức xúc tự phát của các thành viên không gian mạng.

Các thiết chế nhà nước có thể làm gì để nâng cao nhận thức về ấu dâm trên quy mô rộng? Câu hỏi theo tôi không khó để trả lời. Việt Nam sở hữu những thiết chế có độ phủ rộng hơn là mấy dòng trạng thái facebook và mấy hội thảo ở khách sạn. Chúng ta có mặt trận, có đoàn thanh niên,... và đặc biệt là có hệ thống giáo dục phổ thông. Những lực lượng này đã và sẽ tham gia vào việc dạy cho một đứa trẻ bảo vệ mình, và dạy cho cộng đồng cách bảo vệ một đứa trẻ thế nào?

Theo VNE