Đây cũng là một trong số 2.500 căn nhà nhân ái do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và Ban Từ thiện xã hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam triển khai xây dựng cho đồng bào nghèo tại 63 tỉnh, thành trên cả nước, một trong những nội dung của chương trình “Khi Tổ quốc cần” của Trung ương Hội.
Lãnh đạo Trung ương LHTNVN, lãnh đạo tỉnh Hà Nam trao tặng nhà tình nghĩa cho gia đình anh Nguyễn Văn Tuân.
Giã từ quá khứ dột nát
Trong ngôi nhà mới còn chưa kịp quét lớp vôi mới, tài sản không có gì ngoài bộ bàn ghế nhựa và vài bộ cốc chén mượn hàng xóm để tiếp khách, bà Khớ hết đi ra lại đi vào, quýnh quáng chẳng biết làm gì, nói gì bởi trong ngôi nhà của bà, chưa bao giờ được đón đông người đến thế.
Rồi bà đến bên bức tường, nơi treo bức ảnh của người chồng và những tấm bằng khen, huân chương của ông, nước mắt rơm rớm.
|
Sáng nay là ngày nghỉ, lại đúng vào dịp huyện tổ chức lễ hội đền Trần Thương, tưởng nhớ 710 năm ngày mất của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, bà con xóm 6 thị trấn Vĩnh Trụ trước khi đi dự hội không quên đến gia đình anh Trần Văn Tuân mừng tân gia. Gia đình anh Tuân là 1 trong 30 gia đình của thị trấn được nhận tiền hỗ trợ từ Trung ương Hội LHTN, cùng với sự giúp đỡ họ hàng, gia tộc đã cất được căn nhà trị giá 40 triệu đồng.
Anh Tuân vốn làm thợ mộc, chịu khó chăm chỉ làm ăn. Thế nhưng, sau một cơn ốm nặng, anh bị liệt nửa người, thần kinh không bình thường. Cứ trái gió trở trời là la hét và đánh đập vợ con. Gia đình đã nghèo, càng nghèo hơn. Bốn miệng ăn giờ chỉ trông vào vợ anh chị Trần Thị Huyền đi làm thuê, làm mướn ngày kiếm được ba bốn chục nghìn đồng nhưng cũng không ổn định.
Trước đây, ở trong ngôi nhà dột nát. Trời nắng ráo thì không sao, cứ hễ mưa thì trong nhà chẳng khác gì ngoài sân. Ni-lông, xô chậu không đủ để hứng nước mưa. Trời mưa rét, cả nhà nằm co ro bởi chăn màn mỗi khi lên cơn, anh Tuân lại đem ra đốt hết. Trong ngày giao nhà nhân ái, anh Tuân thấy nhiều người nên sợ quá chạy trốn sang nhà hàng xóm, chị Huyền có lẽ xúc động quá chẳng nói nên lời, cứ khép nép tận đằng sau căn nhà mới.
Ông Trần Văn Tái, bố anh Tuân đã đứng ra thay mặt gia chủ phát biểu cảm tưởng: “Chúng tôi rất cảm động trước những tấm lòng nhân ái của Trung ương đoàn cũng như lãnh đạo chính quyền, đoàn thanh niên địa phương đã giang rộng vòng tay bao bọc những cảnh đời nghèo khó. Trước sự chăm lo của Đảng, Nhà nước, đoàn thanh niên đối với gia đình con tôi khiến bản thân đại gia đình và dòng họ chúng tôi nhận thấy cần phải quan tâm và chăm lo hơn nữa đến con em của mình. Nếu không có “cú hích” ấy, có lẽ không biết bao giờ đứa con bệnh tật của tôi và vợ con nó mới được ở trong ngôi nhà mới”.
|
Đậm đà bản sắc thanh niên Việt Nam
Để những ngôi nhà nhân ái nhanh chóng được bàn giao, phải kể tới công sức của chính đoàn thanh niên địa phương. Anh Nguyễn Trọng Huy, bí thư đoàn xã Công Lý cho biết: Xã Công Lý có hai gia đình chính sách được nhận hỗ trợ tiền từ Trung ương Hội LHTN. Các đoàn viên, thanh niên đã góp trên 20 ngày công cho mỗi gia đình. Bên cạnh đó, với tinh thần tương thân tương ái, bà con chòm xóm cũng quây quần giúp đỡ mỗi người một chân, một tay. Vì vậy mà những căn nhà nhân ái trên địa bàn từ tháng rưỡi đến hai tháng là bàn giao và đưa vào sử dụng.
Anh Nguyễn Phước Lộc, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam cho biết: Chương trình xây dựng nhà nhân ái được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn một được thí điểm tại ba tỉnh Cao Bằng, Đắc Lắc, Bến Tre. Giai đoạn hai sẽ tiếp tục hoàn thành trong đợt kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Đây là một phong trào quần chúng được sự quan tâm của chính quyền và các đoàn thể, phát huy được tình làng nghĩa xóm, thể hiện vai trò chủ đạo của đoàn thanh niên cơ sở.
Với mục tiêu 5000 nhà nhân ái từ nay cho đến năm 2015, chúng tôi mong muốn ngoài hai nguồn hỗ trợ từ Chính phủ và ban tổ chức, thời gian tới sẽ có thêm nhiều nhà tài trợ và nhiều nhà hảo tâm chung tay góp sức để chương trình đạt được hiệu quả hơn. Để mỗi khi nhắc tới nhà nhân ái là nhắc tới lực lượng thanh niên Việt Nam.
Không chỉ tạo ra một phong trào rộng lớn trên khắp cả nước, qua chương trình xây nhà nhân ái, chính quyền địa phương cũng như các ban ngành, đoàn thể càng nhận thức hơn vai trò của tuổi trẻ xung kích, tình nguyện và sáng tạo. Ông Nguyễn Như Lâm, Phó Chủ tịch UNND tỉnh Hà Nam cho biết: Thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ban ngành, đặc biệt là tỉnh đoàn là lực lượng xung kích trong việc xây dựng những căn nhà nhân ái cho các gia đình chính sách, gia đình khó khăn.120 căn nhà nhân ái được nhận tài trợ từ Trung ương Hội LHTNVN cho tới nay đã chính thức được bàn giao, lập thành tích chào mừng 120 năm ngày thành lập tỉnh Hà Nam. Đây là một phong trào mang ý nghĩa nhân văn cao cả, ý nghĩa về chính trị, xã hội sâu sắc, giáo dục thế hiện trẻ truyền thống uống nước nhớ nguồn, lá lành đùm lá rách của dân tộc ta.
Còn ông Lã Văn Học, chủ tịch thị trấn Vĩnh Trụ cho rằng: Qua chương trình này, lãnh đạo địa phương cần quan tâm hơn nữa tới việc chăm lo xây dựng đội ngũ đoàn viên nói riêng và thế hệ trẻ địa phương nói riêng nhằm nâng cao hơn nữa vai trò xung kích, sáng tạo của lực lượng này.
Mỗi ngôi nhà nhân ái trị giá 26-34 triệu đồng, diện tích tối thiểu là 24m2 và có giá trị sử dụng ít nhất 10 năm. Hiện nay, nguồn vốn xã hội hóa do Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn và Ban Từ thiện Xã hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam là 53 tỷ đồng; Trung ương Hội LHTNVN là 1,2 tỷ đồng. Những đối tượng được hỗ trợ xây nhà: - Các gia đình có công với cách mạng; đồng bào dân tộc thiểu số ở biên giới, hải đảo; Gia đình có hoàn cảnh khó khăn; Gia đình trong vùng thường xuyên xảy ra thiên tai… |
Theo Nhân dân