Những sáng tạo của học sinh, sinh viên thời Covid-19

Sinh viên chế máy rửa tay sát khuẩn tự động, mũ chắn giọt bắn tặng cho các bác sĩ...

Sinh viên chế máy rửa tay sát khuẩn tự động 


Sáng 8/4, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đã bàn giao 10 máy rửa tay sát khuẩn tự động cho Bệnh viện Đà Nẵng.

Được bệnh viện đặt hàng, sản phẩm này là kết quả nghiên cứu của 4 sinh viên CLB Nghiên cứu khoa học BK-Maker, Trường ĐH Bách khoa dưới sự hướng dẫn của giảng viên Khoa Điện.


Máy rửa tay sát khuẩn tự động có thiết kế nhỏ gọn tiện lợi
 
TS Ngô Đình Thanh, giảng viên Khoa Điện cho biết, sau 3 ngày nghiên cứu, phiên bản đầu tiên được hoàn thành và chuyển giao cho BV Đà Nẵng dùng thử. Từ đó, phía BV có một số góp ý nhằm hoàn thiện hơn.
Máy được thiết kế gồm: mạch điều khiển, các cảm biến, hệ thống phun dung dịch, bình đựng dung dịch, vỏ thiết bị, giá đỡ và các linh kiện điện tử khác. Khi mọi người đưa tay vào, thiết bị sẽ tự động phun sương dung dịch sát khuẩn lên tay, qua đó giúp tiết kiệm thời gian, tránh chạm vào thiết bị để hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo. Giá của sản phẩm là 1,2 triệu đồng/máy.
“Việc thiết kế quan trong là làm sao mọi người sau khi sát khuẩn xong rút tay ra là ngắt nước sát khuẩn liền. Tôi rất vui khi sản phẩm của các em được ứng dụng, góp phần nhỏ phòng, chống dịch Covid-19”, ông Thanh nói.
 


Khi mọi người đưa tay vào, thiết bị sẽ tự động phun sương dung dịch sát khuẩn
 

Sinh viên Phan Thị Mai (thành viên nhóm nghiêm cứu) chia sẻ, bản thân rất vui khi chung tay làm được việc ý nghĩa. Trong quá trình nghiên cứu, cả nhóm đã tìm những thiết bị phù hợp với môi trường y tế, tiết kiệm được dung dịch, đảm đảo giá thành rẻ nhất có thể.

PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa, cho biết khi đưa vào sử dụng, máy đã đã được sự ủng hộ của người dân và các bác sĩ. Vì vậy, dù đây không phải là sản phẩm phức tạp nhưng đã chứng minh cả quá trình tìm tòicủa nhóm nghiên cứu để làm ra sản phẩm tối ưu nhất cho mọi người.

Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc BV Đà Nẵng, nhận xét qua thời gian dùng thử nghiệm cho thấy sản phẩm này hữu hiệu trong mùa dịch Covid-19. Hàng ngày có hàng nghìn người ra vào BV, vì vậy cần có những thiết bị tự động hóa như vậy để mọi người vừa không cần chạm tay vào nhưng vẫn có thể rửa tay đúng cách.
 

Học sinh lớp 12 ở Quảng Trị tự mình sáng tạo ra máy rửa tay diệt khuẩn tự động phòng, chống dịch Covid-19.


Đó là Dương Phúc Hiếu (học sinh lớp 12 chuyên Sinh, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, TP Đông Hà, Quảng Trị).

Trong vòng chưa đến một tuần, Hiếu đã chế tạo thành công, từ việc xây dựng ý tưởng cho đến hoàn thiện bản vẽ và cho ra sản phẩm hoàn chỉnh.
 
Chiếc máy nhỏ gọn, tiện lợi, hoạt động nhờ bộ cảm biến, tự động phun dung dịch sát khuẩn dưới dạng sương giúp rút ngắn tối đa thời gian rửa tay.
 

Dương Phúc Hiếu bên cạnh chiếc máy rửa tay do em chế tạo

Hiếu cho biết, qua các kênh thông tin, em thấy thực trạng dịch bệnh Covid-19 lây lan với tốc độ nhanh và rất nguy hiểm. Bộ Y tế đã ra khuyến cáo mọi người nên chủ động phòng dịch Covid-19 bằng cách nhiều cách, phổ biến nhất là việc rửa tay bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn.

Ở trường Hiếu theo học, việc rửa tay là việc bắt buộc nhưng lại tốn quá nhiều thời gian và công sức. Các thầy cô phải đứng đợi ở cổng để trực tiếp phun dung dịch rửa tay cho học trò trước khi ra/vào cổng để rửa tay.

Thấy được những hạn chế đó, Hiếu đã nảy ra ý tưởng sáng chế ra máy rửa tay tự động. Chiếc máy này hoạt động nhờ bộ cảm biến và có khả năng tự động phun dung dịch sát khuẩn dưới dạng sương khi để tay lại gần đầu phun.

Khi cho tay lại gần đầu phun, cảm biến hồng ngoại (IR) sẽ tự động thu thập dữ liệu và tự xác định khoảng cách giữa tay và đầu phun. Nếu khoảng cách phù hợp, cảm biến sẽ ra lệnh cho khối điều khiển động cơ tiến hành bơm dung dịch sát khuẩn tới đầu phun một lượng dung dịch diệt khuẩn vừa đủ để rửa tay.


Hầu hết các bạn đều hài lòng với chiếc máy rửa tay của Hiếu
 
Hiếu bộc bạch: “Khi sản phẩm của em được đưa đến trường thì được mọi người đều rất thích thú và tích cực hưởng ứng. Sắp tới, em sẽ nhân rộng thêm nhiều máy cho cộng đồng sử dụng để công tác phòng dịch Covid-19 được thuận lợi hơn.”



Cận cảnh bên trong chiếc máy rửa tay tự động


Chiếc máy rửa tay nhỏ gọn, tiện lợi với chi phí chỉ hơn 1 triệu đồng

 

Hiện tại, Hiếu đang nghiên cứu để nhân rộng cả 2 loại máy rửa tay tự động để bàn và loại treo tường. Giá cả khoảng từ 1,5-2 triệu đồng/chiếc.

Hiếu khiêm tốn chia sẻ rằng em chỉ là học sinh tiên tiến, không nổi trội nhưng có niềm đam mê đặc biệt đối với nghiên cứu khoa học.

Theo đó, 3 năm liên tiếp từ 2018-2020 Hiếu đạt giải nhất cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh. Năm 2019, Hiếu đạt giải ba cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia.

Chị Hồ Thị Phương Oanh, giáo viên chủ nhiệm của Dương Phúc Hiếu, thì cho hay em là học sinh tiêu biểu, năng động, rất chăm ngoan và đặc biệt có khả năng nghiên cứu tài liệu rất tốt.

“Máy rửa tay của Hiếu chế tạo đưa lại hiệu quả cao, giúp rút ngắn thời gian rửa tay. Từ đó, tình trạng tắc nghẽn ở cổng trường khi các em đồng loạt đến trường và rửa tay như trước đây đã không còn nữa”.
 

Sinh viên làm mũ chắn giọt bắn tặng cho các bác sĩ chống Covid-19


Nhằm góp sức cùng toàn ngành y tế phòng chống Covid-19, nhiều sinh viên Trường ĐH Phenikaa đã tự làm mũ chắn giọt bắn và tặng cho chính địa phương nơi mình sinh sống.

Đây là chương trình do Đoàn Thanh niên Trường ĐH Phenikaa phát động nhằm đồng hành cùng các y, bác sĩ, nhân viên y tế, đội ngũ cán bộ tuyến đầu trong công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh Covid-19.

Chương trình thực hiện dựa trên tinh thần tình nguyện tại chỗ, sinh viên tự làm và tặng cho chính địa phương nơi mình sinh sống. Đoàn Thanh niên Trường sẽ hướng dẫn và hỗ trợ toàn bộ kinh phí về nguyên vật liệu.

Để hưởng ứng chương trình, Nguyễn Khánh Linh, sinh viên Khoa Dược đã gấp rút làm 100 mũ chắn giọt bắn trong vòng 10 tiếng liên tục và trao tặng trực tiếp cho các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Cô “sinh viên 5 tốt” cho biết, cả nước đang đồng lòng chống đại dịch Covid-19. Khi bắt đầu có những cán bộ y tế đầy quả cảm nơi tuyến đầu bị nhiễm virus, khi cuộc chiến về trang thiết bị y tế, khẩu trang cho mọi người luôn trong tình trạng khó xoay xở, chiếc mũ chắn giọt bắn sẽ là cần thiết trong lúc này.

“Em hy vọng đây sẽ là một công cụ bảo hộ dã chiến thật ý nghĩa và an toàn, giúp bảo vệ tạm thời cho các y, bác sĩ trong cuộc chiến đầy cam go”, Linh cho hay.


Những chiếc mũ chắn giọt bắn được tặng cho các bác sĩ

Theo các bác sĩ ở Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, loại mũ này chỉ tăng cường lớp bảo vệ chứ không hoàn toàn thay thế được khẩu trang. Vì thế, khi tiếp xúc ở nơi đông người, việc đeo khẩu trang kết hợp với đội mũ chống virus sẽ hiệu quả hơn.

PGS Lê Hiếu Học – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa chia sẻ: “Có thể nói các y bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế chính là những “lá chắn” của cộng đồng nhằm chống lại dịch Covid-19 và họ rất cần được hỗ trợ, ủng hộ. Vì vậy, Trường ĐH Phenikaa luôn mong muốn tiếp thêm sức mạnh tinh thần để đội ngũ cán bộ y tế tuyến đầu thêm vững vàng, mạnh mẽ chiến đấu với dịch bệnh, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho toàn dân”.

Trong suốt thời gian qua, Tập đoàn Phenikaa và Trường ĐH Phenikaa cũng đã có nhiều hoạt động đồng hành và hỗ trợ cộng đồng trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Trước đó, nhóm các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên và sinh viên Trường ĐH Phenikaa cũng đã sản xuất 12.000 lít dung dịch sát khuẩn tay tặng theo công thức của tổ chức Y tế thế giới (WHO) dành tặng dân cư các khu vực lân cận, Sở GD-ĐT các tỉnh miền Bắc; hàng trăm trường học các tỉnh khu vực miền Bắc; nhiều cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế tại Hà Nội.

Ngoài ra, Tập đoàn Phenikaa cũng đã trực tiếp trao số tiền 5 tỷ đồng tại Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để cùng chung tay với ngành y tế mua trang phục bảo hộ cho y bác sĩ, trang thiết bị y tế phục vụ cho việc cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19.

“Trường ĐH Phenikaa sẽ tiếp tục thực hiện những công việc ý nghĩa nhằm chung tay cùng cộng đồng chống dịch Covid-19”, PGS Lê Hiếu Học cho biết.
 
Nguồn: TainangViet
T.LN3