Những tuyến đường kinh doanh không dùng tiền mặt

(CTG) Thời gian qua, tuổi trẻ Bình Định luôn chú trọng công tác chuyển đổi số, xem đây là nhiệm vụ quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhiều tổ công nghệ số thanh niên ra đời

Để cụ thể hóa nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Bình Định đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cấp bộ Đoàn, Hội, Đội trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong các lĩnh vực. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến phát huy vai trò xung kích, tiên phong của tuổi trẻ tỉnh nhà trong việc chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập, sinh hoạt và triển khai công tác Hội, phong trào sinh viên. Bước đầu đã thu được nhiều kết quả tích cực.

Từ tháng 4.2022 đến nay, Tỉnh đoàn Bình Định đã thành lập 176 tổ công nghệ số thanh niên tại các xã, phường, thị trấn và trường ĐH, CĐ với hơn 1.400 thành viên làm lực lượng nòng cốt. Lực lượng này đã tham gia tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp, người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến…

Những tuyến đường kinh doanh không dùng tiền mặt- Ảnh 1.

Đoàn viên, thanh niên hướng dẫn chủ các cơ sở kinh doanh thực hiện điểm thanh toán không tiền mặt

HẢI PHONG 

Tỉnh đoàn Bình Định cũng tổ chức 4 lớp tập huấn trực tuyến và trực tiếp với hơn 1.000 đoàn viên, thanh niên và thành viên tổ công nghệ số thanh niên tham gia, nhằm tuyên truyền những lợi ích thiết thực của dịch vụ công trực tuyến trong thực hiện thủ tục hành chính; dịch vụ thanh toán trực tuyến; phương pháp tra cứu, tìm hiểu thông tin về thủ tục hành chính trên các cổng thông tin điện tử.

Sau đó, tổ chức ra quân đồng loạt tổ công nghệ số thanh niên phối hợp với lực lượng công an tiến hành tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân đăng ký, kích hoạt, sử dụng tài khoản định danh mức độ 2 trên ứng dụng VNeID của Bộ Công an. Tổ chức các đội tình nguyện hoạt động cơ động tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại các khu thương mại, mua sắm; các địa điểm kinh doanh, hộ gia đình hoặc địa điểm công cộng tập trung, thu hút đông đảo người dân...

Cách làm mới hiệu quả

Từ năm 2023 đến nay, các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh Bình Định đã triển khai nhiều mô hình, cách làm mới góp phần thực hiện hiệu quả công trình thanh niên "Tuổi trẻ Bình Định tiên phong chuyển đổi số".

Đơn cử tại 3 tuyến đường thuộc 3 phường, xã: Bồng Sơn, Tam Quan, Hoài Châu Bắc

(TX.Hoài Nhơn, Bình Định), Thị đoàn Hoài Nhơn đã triển khai thí điểm một số tuyến đường thanh toán không dùng tiền mặt bằng cách hỗ trợ đăng ký và tạo mã QR, hướng dẫn thanh toán online cho các cơ sở kinh doanh.

Sau một thời gian ngắn triển khai, tuyến đường thí điểm thanh toán không dùng tiền mặt được người dân đồng tình ủng hộ vì sự nhanh chóng, tiện lợi. Chị Huỳnh Thị Kim Loan, chủ tiệm tạp hóa ở P.Tam Quan, đã được Đoàn phường giới thiệu và hỗ trợ làm mã QR cùng các ứng dụng cần thiết để phục vụ thanh toán trực tuyến, cho biết: "Nhờ thanh toán trực tuyến rất tiện lợi, nhất là khi khách hàng mua vài thứ lặt vặt, nhưng lại đưa số tiền lớn để đổi lại tiền nhỏ. Với lại cũng không cần để tiền mặt ở cửa hàng nhiều vì sợ trộm cắp. Giờ chỉ cần quét một lần là khách hàng đã thanh toán cho mình, việc này rất hữu ích và nhanh chóng. Từ ngày sử dụng mã QR để thanh toán, tôi tiết kiệm được rất nhiều thời gian".

Theo anh Phạm Ngọc Hoan, Phó bí thư Thị đoàn Hoài Nhơn, trước khi triển khai mô hình, các đoàn viên, thanh niên đã tuyên truyền cho người dân hiểu rõ sự tiện lợi, cách thanh toán trực tuyến và nhận biết một số hành vi lừa đảo để phòng tránh, giữ bảo mật khi sử dụng nền tảng số. Theo kế hoạch, mỗi đơn vị cơ sở Đoàn ở TX.Hoài Nhơn sẽ chọn một tuyến đường trên địa bàn để thực hiện mô hình thanh toán không dùng tiền mặt.

Ông Trần Hữu Thảo, Phó chủ tịch UBND TX.Hoài Nhơn, cho biết sau khi triển khai thí điểm mô hình tuyến đường thanh toán không dùng tiền mặt do Thị đoàn Hoài Nhơn thực hiện, người dân đã đồng tình ủng hộ vì sự nhanh chóng, tiện lợi. "Sắp tới, TX.Hoài Nhơn sẽ đưa mô hình này vào tiêu chí phát triển đô thị. Qua đó, sẽ triển khai tại mỗi xã, phường có một tuyến đường thanh toán không tiền mặt", ông Thảo nói. 

Chị Huỳnh Thị Thanh Nguyệt, Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn Bình Định, cho biết Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tổ chức ra quân phát động công trình thanh niên "Tuổi trẻ Bình Định tiên phong chuyển đổi số" với chủ đề "Chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn", nhằm nâng cao nhận thức của đoàn viên, thanh niên và nhân dân về các hoạt động chuyển đổi số cũng như lợi ích của việc tham gia thực hiện, sử dụng dịch vụ công trực tuyến và các sản phẩm số trên địa bàn tỉnh.

"Tỉnh đoàn Bình Định phấn đấu trong năm 2024, có 66.000 hồ sơ dịch vụ công trực tuyến do đoàn viên, thanh niên hỗ trợ thực hiện; ít nhất 160.000 hộ gia đình mở tài khoản VNeID; có 190.759 công dân được đoàn viên, thanh niên hỗ trợ kích hoạt tài khoản VNeID trước ngày 1.7 và một số chỉ tiêu khác", chị Nguyệt thông tin thêm. 

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động tình nguyện

Từ năm 2023 đến nay, Tỉnh đoàn Quảng Ngãi phối hợp với Sở TT-TT tỉnh này tổ chức các lớp tập huấn cho 150 thành viên tổ công nghệ số cộng đồng các cấp trên địa bàn tỉnh. Các cấp bộ Đoàn, Hội cũng tổ chức 893 đợt tuyên truyền trực tiếp và trực tuyến thu hút hơn 54.320 lượt đoàn viên, hội viên, thanh niên tham gia bằng nhiều hình thức. Tổ chức 11 lớp tập huấn nâng cao năng lực số trong các hoạt động khởi nghiệp cho hơn 1.000 lượt cán bộ, đoàn viên, hội viên, thanh niên khởi nghiệp trong tỉnh; phối hợp với lực lượng công an thu nhận 118.211 hồ sơ, thực hiện cài đặt 115.828 lượt và kích hoạt được 116.634 tài khoản định danh điện tử mức độ 2.

Anh Lê Văn Vin, Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn Quảng Ngãi, cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong những hoạt động tình nguyện của các cấp bộ Đoàn như tình nguyện trực tuyến trên không gian mạng; đồng thời tổ chức các lớp tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ Đoàn, đoàn viên, hội viên, thanh niên và các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh".

Theo Thanh Niên