Nỗi khổ của sinh viên sắp ra trường trong thời dịch Covid-19

(CTG) Các sinh viên sắp và mới tốt nghiệp đại học đối mặt nhiều khó khăn như không thể hoàn thành những môn học hoặc thất nghiệp trong mùa dịch Covid-19.

Sinh viên ĐH Phan Châu Trinh thực hành tại Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Đà Nẵng ///  L.T
 
 
Sinh viên ĐH Phan Châu Trinh thực hành tại Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Đà Nẵng
 
Nhiều sinh viên mới tốt nghiệp đại học không thể tìm được việc làm trong bối cảnh thị trường lao động có nhiều biến động, số khác đối mặt tình trạng việc học bị gián đoạn vì dịch Covid-19, ảnh hưởng đến tiến độ tốt nghiệp.
 
Ở nhà phụ giúp gia đình
 
Vừa hoàn thành chương trình của ngành Việt Nam học tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM vào đầu tháng 5, Nguyễn Hoàng Nhân hy vọng sẽ trở thành hướng dẫn viên du lịch chính thức tại cơ sở thực tập nhưng dịch Covid-19 khiến ngành du lịch “đóng băng”.
 
Không cam chịu cảnh thất nghiệp, anh Nhân đã tìm được công việc tiếp thị tại một cửa hàng nội thất, cùng lúc bán hàng trực tuyến để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. “Tôi cảm thấy lo lắng cho tương lai của chính mình lẫn những người theo ngành du lịch. Chúng tôi phải tìm một công việc trái ngành để kiếm thu nhập duy trì cuộc sống”, Hoàng Nhân chia sẻ.
 
Đỗ Ngọc Thu Hiền, sinh viên ngành Việt Nam học Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết cô không thể tốt nghiệp ra trường vì còn nợ môn thực hành đi tour.
 
Nữ sinh viên có lịch thực hiện tour xuyên Việt để làm báo cáo tốt nghiệp kể từ ngày 12.5. "Đó là môn học cuối cùng mà tôi phải hoàn thành để có thể tốt nghiệp vào tháng 6 tới. Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp buộc nhà trường phải hoãn tour”, Thu Hiền chia sẻ.
 
Hiện cô chỉ ở nhà phụ giúp gia đình, chờ đợi và theo dõi diễn biến dịch Covid-19. Thu Hiền chia sẻ: “Đôi lúc tôi có chút chạnh lòng khi chứng kiến bạn bè cùng tuổi học ngành khác đã ra trường và có việc làm”.
 
 
Nỗi khổ của sinh viên sắp ra trường trong thời dịch Covid-19 - ảnh 1

 

Nhiều sinh viên mới ra trường không thể chịu cảnh thất nghiệp nên phải đi làm trái ngành để trang trải cuộc sống trong mùa dịch Covid-19

 
Bác sĩ tương lai gặp khó vì Covid-19
 
Một số bệnh viện ở TP.HCM và Cần Thơ vừa thông báo tạm ngưng nhận sinh viên đến thực tập vì tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Điều này làm ảnh hưởng đến tiến độ học tập của các bác sĩ tương lai.
 
Chẳng hạn, Mai Nguyễn Bảo Hân, sinh viên năm cuối Trường ĐH Y dược Cần Thơ, phải tạm ngừng thực tập tại bệnh viện vì Covid-19 và có nguy cơ không thể tốt nghiệp đúng thời hạn vào đầu năm sau.
 
“Mỗi lúc dịch bùng phát đều gây ảnh hưởng đến tiến độ học tập của tôi. Tôi đã trải qua 3 lần phải tạm ngừng thực tập tại bệnh viện vì dịch Covid-19. Bên cạnh đó, việc thực tập trên bệnh nhân cũng bị hạn chế rất nhiều”, Mai Hân chia sẻ.
 
Trong khoảng thời gian tạm ngừng thực tập, Mai Hân cho hay cô phải đối mặt nhiều áp lực vì học ngành y rất tốn kém và thời gian học càng kéo dài thì gánh nặng kinh tế lên gia đình cô càng lớn.
 
Nỗi khổ của sinh viên sắp ra trường trong thời dịch Covid-19 - ảnh 2

 

Việc thực tập tại bệnh viện của sinh viên ngành y bị gián đoạn vì dịch Covid-19

 
Một trường hợp không thể ra tốt nghiệp đúng thời hạn khác là Nguyễn Thị Quỳnh Trân, sinh viên năm cuối ngành Bệnh học thủy sản Trường ĐH Cần Thơ.
 
Quỳnh Trân chia sẻ: “Theo đúng lịch trình thì tôi lẽ ra đã tốt nghiệp từ tháng 12.2020. Dịch covid-19 gây trì hoãn thời gian làm thí nghiệm-Luận văn tốt nghiệp cho đến tận ngày 20.5 và tiếp tục được điều chỉnh sang ngày 20.6”. Nhà trường thông báo thời gian trì hoãn có thể bị kéo dài hơn tùy theo diễn biến dịch Covid-19.
 
Theo Quỳnh Trân, nhà trường buộc phải dời lịch và rút ngắn thời gian thực tập rất nhiều. Điều này khiến sinh viên không có nhiều thời gian trải nghiệm thực tế so với các khóa trước.
 
“Tôi kỳ vọng dịch bệnh sớm được kiểm soát để các bạn sinh viên như tôi có thể ra trường và kiếm được việc làm phụ giúp cha mẹ giữa lúc kinh tế gia đình tôi cũng chịu nhiều ảnh hưởng vì Covid-19”, Quỳnh Trân nói.
 
Chuyên viên tâm lý Võ Trần Khánh Vy, học viên cao học chuyên ngành tâm lý học Trường Đại học Sư phạm Quốc gia Moscow (Nga), khuyên các bạn trẻ cần học cách chấp nhận khó khăn và suy nghĩ tích cực.
 
“Các bạn cần nhìn nhận lại khả năng nghề nghiệp của bản thân và đặt mục tiêu gần để phấn đấu đạt được những giá trị đã được đề ra. Nếu chưa may mắn tìm được một công việc đúng với ngành học thì nên linh hoạt tìm một công việc tương tự và trong quá trình làm việc, bạn sẽ có những định hướng tốt hơn về ngành nghề phù hợp với bản thân” chuyên viên Khánh Vy chia sẻ.
 
Ngoài ra, trong giai đoạn khó khăn này, gia đình nên đóng vai trò là chất xúc tác để thúc đẩy sự phát triển của người trẻ, nhất là các sinh viên sắp hoặc mới ra trường, bằng sự thấu hiểu, thông cảm và động viên, theo chuyên viên Khánh Vy.

Nguồn: TNO