Nông dân xã Tản Lĩnh làm giàu từ nuôi đà điểu

(CTG) Tận dụng lợi thế đất đai, nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, nhiều hộ nông dân ở xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, TP Hà Nội đã chuyển đổi từ mô hình chăn nuôi các con giống truyền thống sang chăn nuôi và phát triển đà điểu. Mô hình này đã giúp người dân có cơ hội nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu.

Nhận thấy đây là loài chim nuôi có tiềm năng lớn, gia đình anh Trần Đăng Quý ở thôn Hát Giang, xã Tản Lĩnh đã cải tạo lại khu đất của gia đình, xây dựng chuồng trại, gây giống vườn trồng cỏ voi theo hướng dẫn nuôi đà điểu thương phẩm. Hiện nay, gia đình anh Quý có khoảng 300 con đà điểu.

Anh Trần Đăng Quý cho biết: “Trước đây, gia đình tôi chủ yếu nuôi bò sữa, lợn, gà nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao. Đến năm 2013, gia đình chuyển sang chăn nuôi đà điểu. Ban đầu tôi cũng chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, sau khi đã có thêm kinh nghiệm và nguồn vốn để đầu tư, gia đình tiếp tục tăng thêm số lượng chăn nuôi. Đà điểu là loài chim dễ nuôi, lớn nhanh, ít bệnh, thức ăn chủ yếu là rau cỏ, cám, ngô... nhưng cho hiệu quả kinh tế ổn định. Hiện nay, mỗi năm chăn nuôi đà điểu mang lại cho gia đình tôi thu nhập khoảng 300 triệu đồng”. 

Nông dân xã Tản Lĩnh làm giàu từ nuôi đà điểu
 
Nông dân xã Tản Lĩnh làm giàu từ nuôi đà điểu

Trang trại chăn nuôi đà điểu của gia đình anh Trần Đăng Quý.

Cũng như gia đình anh Quý, hộ gia đình anh Nguyễn Gia Dũng, ở thôn Tam Mỹ, xã Tản Lĩnh chăn nuôi 100 con đà điểu. Anh Dũng chia sẻ: "Nuôi đà điểu ít gây ô nhiễm so với nuôi lợn. Đà điểu có thời gian sinh trưởng từ 8 đến 10 tháng, mỗi con khi xuất chuồng có trọng lượng khoảng 100kg.

Trên thị trường hiện nay, đà điểu có giá khoảng 85.000-100.000 đồng/kg hơi, 100.000-250.000 đồng/kg thịt. Với mỗi con đà điểu sẽ cho lãi khoảng 3 triệu đồng. Gia đình tôi thường chọn giống vào khoảng đầu tháng 3 âm lịch, xuất chuồng vào dịp trước và trong Tết Nguyên đán. Đây là thời điểm vàng khi đà điểu đạt tiêu chuẩn về kích thước và giá trị bán ra”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Huy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tản Lĩnh cho biết: “Hiện nay trong xã có hơn 20 hộ chăn nuôi đà điểu. Việc chăn nuôi giúp các hộ dân có kinh tế vững vàng hơn. Xã Tản Lĩnh cũng muốn đưa chăn nuôi đà điểu thành ngành chăn nuôi mũi nhọn.

Tuy nhiên, 1-2 năm trở lại đây, do suy thoái kinh tế, thị trường kinh doanh đà điểu giảm sút, nên hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi đà điểu không được như trước. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với UBND huyện tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm thịt đà điểu, đồng thời mở rộng nguồn vốn, cũng như nguồn giống chất lượng để mang lại hiệu quả chăn nuôi tốt nhất”.

Theo QDND